Thủy điện, những điều trông thấy... (4)

Thứ năm, 07/11/2013 07:56

* Bài 4:  Ổn định tái định cư: chưa ổn

(Cadn.com.vn) - Triển khai xây dựng các công trình TĐ, công tác giải quyết vấn đề đền bù, tái định cư (TĐC) là một trong những công tác quan trọng hàng đầu, và cũng khó khăn, phức tạp nhất. Nhiều DATĐ đã hoàn thành đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng đến nay công tác đền bù, TĐC, ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng vẫn lộ rõ những bất ổn.

Khu tái định cư thủy điện ĐắkMi 4, Nước Lang, Phước Xuân, Phước Sơn, Quảng Nam chật hẹp.

Theo báo cáo của UBND H. Bắc Trà My (Quảng Nam), gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh vào giữa năm 2013, Công trình TĐ Sông Tranh 2 được xây dựng trên thượng nguồn sông Tranh, ảnh hưởng trực tiếp đến 8 xã của H. Bắc Trà My và  4 xã H. Nam Trà My với hộ dân phải TĐC là 834 hộ với 4.369 nhân khẩu, số hộ dân bị ảnh hưởng là 362 hộ với 1.960 nhân khẩu, diện tích đất các loại bị ảnh hưởng là 1,8 nghìn ha.  Riêng tại H. Bắc Trà My, đến nay đã thực hiện xong kinh phí bồi thưởng, hỗ trợ TĐC với tổng kinh phí 250 tỷ đồng.

Trong đó, số hộ dân phải TĐC ngay từ ban đầu là 413 hộ với 2.357 nhân khẩu, được TĐC tại 10 điểm thuộc các xã Trà Bui, Trà Đốc, Trà Giác. Nhìn chung, cuộc sống người dân tại các khu TĐC này đã ổn định. Tuy vậy, đến nay đã có 38 hộ dân tại các xã Trà Đốc, Trà Bui không sinh sống tại nhà ở khu TĐC với nguyên nhân chính là thiếu đất sản xuất, người dân quay về nơi có nương rẫy cũ để làm nhà sinh sống, một số hộ dân chuyển đến sống cùng người thân ở các khu TĐC khác.  Ông Hồ Cao Quý, Bí thư  Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Trà Đốc, một địa phương có 74 hộ dân với hơn 400 nhân khẩu thuộc diện TĐC TĐ Sông Tranh 2 cho biết: “Cho đến hiện nay, đời sống của nhân dân vô cùng khó khăn vì thiếu đất sản xuất, hàng tháng vẫn phải nhận gạo trợ cấp của nhà nước để cứu đói...”. 

Báo cáo của UBND H. cũng đề nghị: “...chính quyền và ngành chức năng tỉnh,  cơ quan chủ quản công trình TĐ Sông Tranh 2 sớm bố trí kinh phí xây dựng các cơ sở hạ tầng còn thiếu ở các khu TĐC như: Đường giao thông nội vùng, hệ thống thủy lợi, tường rào cổng ngõ  các trường học, nhà sinh hoạt cộng đồng... Cũng tại lưu vực công trình TĐ này, từ tháng 9-2012 đến nay đã xảy ra 80 đợt rung chấn, động đất, nguyên nhân làm cho nhân dân các xã Trà Đốc, Trà Bui, Trà Tân… hoang mang, lo sợ, không dám sản xuất, nên khả năng thiếu lương thực, ổn định cuộc sống của người dân cùng TĐC rất khó khăn, nhất là trong mùa mưa lũ… Huyện kiến nghị UBND tỉnh thống nhất và có ý kiến với Tập đoàn Điện lực Việt Nam hỗ trợ lương thực thêm 24 tháng cho 423 hộ dân với 2.357 nhân khẩu...”.

Tình hình của hơn 200 hộ dân đã di dời từ năm 2005 thuộc DATĐ A Vương (Đông Giang, Quảng Nam) cũng khó khăn không kém. Theo ông Phan Hữu Thành, Phó phòng Nông nghiệp H. Đông Giang, hai khu TĐC Palanh Pa Che và Custchrum vào năm 2005 có 227 hộ dân, đến nay đã tăng lên 280 hộ dân, hơn 50 hộ dân tăng thêm này là số con cái của các hộ gia đình cũ tách ra ở riêng, nhưng lại rơi vào tình trạng không có đất ở  và đất sản xuất.  Nhà cửa nhiều hộ dân trong khu TĐC đã xuống cấp, vệ sinh môi trường “quá tải” do số hộ dân tăng, sống chen chúc tạm bợ,  đất sản xuất thiếu.

Huyện này đã đề nghị chính quyền và ngành chức năng tỉnh lập thủ tục cấp thêm 300 ha đất sản xuất cho người dân từ năm 2012, nhưng đến nay vẫn chưa xong thủ tục. UBND huyện đã đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam (đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép) hàng tháng cấp cho mỗi nhân khẩu 10kg gạo đến năm 2015.  Đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Nam nhanh chóng làm thủ tục cấp đất sản xuất cho người dân… Đề nghị Cty CPTĐ A Vương hỗ trợ, đầu tư sửa chữa các công trình đường giao thông, nước sinh hoạt cho nhân dân.

Cuộc sống người dân ở nhiều khu tái định cư thủy điện khó khăn, thiếu lương thực
vì không có đất sản xuất.

Cũng tại DATĐ A Vương, 2 khu TĐC  KaLa và A Lua (xã Dang, Tây Giang)  lại càng “trầm luân” hơn.  115 hộ dân với 519 nhân khẩu được sắp xếp vào hai khu TĐC từ năm 2006, do Cty CPTĐ A Vương xây dựng đều nằm chênh vênh bên mép lòng hồ TĐ A Vương thường xuyên sạt lở. Trước bức xúc về đời sống của nhân dân, từ năm 2010, UBND H. Tây Giang đã xây dựng đề án  làm sao phải nhanh chóng di dời ngay hai khu TĐC này để ổn định đời sống cho nhân dân.

Bằng kinh phí từ nhiều  nguồn, với hơn 20 tỷ đồng, đến tháng 10-2013, UBND huyện đã phải cấp tốc xây dựng hai khu TĐC là Ba Đum và Ka Tiếc cách nơi TĐC cũ 8km để di dời toàn bộ người dân đến nơi ở mới an toàn và có đất để sản xuất lâu dài. Lãnh đạo huyện này cho biết, trong đề án di dời này, Cty CPTĐ thủy điện A Vương nhận hỗ trợ 12,5 tỷ đồng, nhưng chi chuyển nhỏ giọt, đến nay  mới được phân nửa, song rất may chính quyền và các ban ngành huyện đã quyết tâm,  nếu không tính mạng của hàng trăm người dân và các em học sinh khó an toàn trong những đợt mưa lũ của cơn bão số 10, 11 vừa qua.

Chỉ nêu sơ qua một số tồn tại, bất cập tại một số khu TĐC như trên cũng đã đủ để thấy rằng, công tác đảm bảo an sinh xã hội ở một số DATĐ còn quá bất cập, cần nghiêm túc xem xét, chấn chỉnh, nhất là phù hợp với phong tục, tập quán lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số. Việc hỗ trợ về nhà ở, tiền làm nhà, phát dọn nương rẫy, gạo… chưa thể nói là “đã ổn định”.

Hơn lúc nào hết, chính quyền, các ban ngành và các cơ quan chủ quản các DATĐ cần phải chung tay, xem xét, nghiên cứu để có biện pháp giải quyết, khắc phục  nhằm ổn định cuộc sống về lâu dài cho nhân dân ở vùng TĐC các DATĐ. Vấn đề đặt ra ở đây là, tại sao người dân TĐC ở KaLa và A Lua “không ăn ở được” với hạ tầng do Cty CPTĐ A Vương xây dựng mà “chịu ở” với hai khu TĐC Ba Đum và Ka Tiếc do huyện xây dựng?. Có phải các chủ đầu tư “không hiểu gì” về cộng đồng các dân tộc thiểu số nơi họ xây dựng công trình hay vì không chịu tìm hiểu nó trong lúc vẫn “ăn đời ở kiếp” với rừng?

 (còn nữa) 
Phóng sự điều tra: Hồng Thanh- Lê Hùng