Thủy tùng trước nguy cơ tuyệt chủng
(Cadn.com.vn) - Thủy tùng (hay còn gọi là thông nước) là loài cây cổ cực kỳ quý hiếm, có tên trong Sách đỏ Việt Nam, hiện trên thế giới chỉ còn sót lại 2 quần thể cuối cùng ở rừng đặc dụng Trấp K’sơr (H. Krông Năng) và Ea Ral (H. Ea H’leo) của tỉnh Đắc Lắc với số lượng khoảng 276 cây. Gần đây, do có thông tin cho rằng thủy tùng chữa được bách bệnh, trong đó có cả ung thư nên hàng trăm người đã đổ xô vào rừng tìm mọi cách đào bới, săn trộm thủy tùng, khiến cho loài cây đang có nguy cơ biến mất này càng lúc càng tiến gần hơn tới bờ vực của sự diệt vong. Bảo vệ thủy tùng đang là một vấn đề làm đau đầu các cơ quan chức năng của tỉnh Đắc Lắc.
Sốt “thần dược” thủy tùng
Vào khoảng 23 giờ ngày 21-12, lực lượng tuần tra của Trạm bảo vệ thủy tùng hồ Ea Ral (Ea H’leo) đã phát hiện và bắt quả tang 2 đối tượng đang cưa trộm 1 cây thủy tùng, đó là Y Khai Rơ Chăm (1977, trú buôn Riêng, xã Ea Ral, H. Ea H’leo), đối tượng thứ hai là Y Nhang Ksơr đã chạy thoát. Tại hiện trường có 1 cây thủy tùng đường kính 30cm, dài 13,6m đã bị cưa hạ và đang được xẻ thành từng lóng (mỗi lóng dài 1,2m). Bên cạnh đó còn 2 cây thủy tùng có dấu vết mới bị cưa hạ, chỉ còn trơ lại phần gốc.
Tại H. Krông Năng, ông Nguyễn Văn Kiểm, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Krông Năng cũng cho biết chuyện trộm thủy tùng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Chỉ tính từ tháng 5-2009 đến nay, Hạt đã bắt giữ được 16 vụ khai thác và vận chuyển thủy tùng tại rừng đặc dụng Trấp K’sơr, tịch thu hơn 43m3 gỗ thủy tùng. Khu bảo tồn thứ hai của Đắc Lắc là Ea Ral (H. Ea H’leo) từ đầu năm đến nay cũng đã xảy ra 17 vụ khai thác, vận chuyển thủy tùng. Nhất là từ khi có tin đồn thủy tùng chữa được ung thư, cơn sốt thủy tùng càng trở nên nóng hơn bao giờ hết, hàng trăm người kéo nhau vào rừng để chặt hạ, đào bới thứ “thần dược” này. Có thời điểm, mỗi ngày có đến vài trăm người kéo vào rừng khiến lực lượng kiểm lâm phải nhờ đến CAX và Huyện đội cùng vào can thiệp thì mới ngăn chặn được.
Không chỉ bị hiểu nhầm là thần dược, gỗ thủy tùng lại có màu nâu đỏ viền vàng rất đẹp, có mùi thơm và không bị mối mọt nên được ưa chuộng để làm đồ mỹ nghệ như bình, tượng... Thêm vào đó, số lượng thủy tùng còn lại không nhiều nên gỗ của loài cây này càng trở nên quý hiếm. Và thế là không ít dân chơi đồ gỗ bỏ nhiều tiền để sưu tầm thứ “hàng độc” này, tạo nên cơn sốt gỗ thủy tùng, đẩy mỗi mét khối gỗ thủy tùng trên thị trường hiện nay lên tới cái giá cả trăm triệu đồng. Cách đây vài năm, khi gỗ thủy tùng chưa được ưa chuộng, người dân địa phương ở đây thường chỉ dùng gỗ thủy tùng để làm cầu thang, công trình vệ sinh...
Nay thì cả chuồng gà, chuồng bò, cầu thang đều được tháo ra đem bán hết. Hết gỗ trong nhà, đầu nậu gỗ lại thuê người dân địa phương lặn xuống hồ thủy lợi Ea Ral và những đầm lầy trong khu bảo tồn trục vớt số thủy tùng lâu năm còn sót lại. Mỗi mét khối gỗ thủy tùng lấy từ đáy hồ lên cũng có giá gần cả trăm triệu đồng khiến cho lực lượng kiểm lâm phải căng sức ra mà chống chọi.
![]() |
Một cây thủy tùng ở Trạm bảo vệ Trấp K’sơr được giăng dây thép gai xung quanh để đề phòng lâm tặc. |
Gian nan bảo vệ thủy tùng
Do biến đổi của khí hậu và môi trường, thủy tùng hiện nay không còn sinh sản được nữa. Năm 2007, các giảng viên và học viên cao học Khoa Nông lâm - Đại học Đà Lạt đã từng thành công trong việc nhân giống trong ống nghiệm đối với thủy tùng Việt
Hiện tại, Đắc Lắc đã thành lập Trạm Quản lý bảo vệ thủy tùng ở xã Ea Ral rộng 49ha và Trạm bảo vệ Trấp K’sơr có diện tích 61,6ha nhưng việc bảo vệ loài thủy tùng vẫn rất khó khăn do thiếu nguồn kinh phí và thiếu nhân lực nghiêm trọng. Trạm Trấp K’sơr hiện chỉ có 3 kiểm lâm thay phiên nhau trực ngày đêm để bảo vệ cây quý nhưng theo kiểm lâm viên Bùi Thọ Đảm lực lượng này không đủ bảo vệ 28 cây thủy tùng còn lại, bởi chỉ có 28 cây thủy tùng nhưng lại phân bố rải rác trên 51,6ha rừng rậm và sình lầy, có nơi phải vất vả lắm mới lội vào được. Mặc dù khu vực này đã được chôn trụ bê-tông và rào thép gai xung quanh nhưng hễ đêm tối là lâm tặc lại tìm cách đột nhập, phá hoại.
Theo ông Nguyễn Văn Kiểm, có một điều bất cập là hầu hết những vụ khai thác thủy tùng trái phép đều là những vụ đào bới thủy tùng từ dưới bùn, nước, đầm lầy hoặc từ ruộng của người dân đem lên nên rất khó xử lý theo quy định. Năm 2005, Hạt đã từng khởi tố một vụ đào bới thủy tùng từ ruộng của dân nhưng VKSND huyện đã hủy hồ sơ vụ án do không có yếu tố cấu thành tội hình sự. Sau một thời gian lúng túng, tháng 8-2009, Kiểm lâm Krông Năng đã tham mưu cho huyện chỉ đạo xử lý hành chính các vụ trục vớt, vận chuyển “xác” thủy tùng như đối với nhóm gỗ 2A. Nhờ vậy, đã hạn chế phần nào nạn đào bới rừng đặc dụng.
Hiện tại, một dự án làm đường tuần tra chống lâm tặc, xây dựng đập nước (chống cháy, khôi phục môi trường đầm lầy) đang được gấp rút triển khai ở Trấp K’sơr để bảo vệ thủy tùng. Ở Khu bảo tồn Ea Ral, giải pháp xây tường bê-tông bao quanh để cách ly cũng được đưa ra. Mỗi chiến sĩ kiểm lâm còn được giao khoán để bảo vệ một số cây nhất định. Ngoài ra, kiểm lâm Krông Năng còn thực hiện kết nghĩa với nhân dân địa phương để bảo vệ những cây nằm trên phần đất nông nghiệp của nhân dân...
Chẳng biết những nỗ lực trên có bảo vệ được loài cổ vật hạt trần quý hiếm này của Việt Nam trước nguy cơ biến mất vĩnh viễn hay không, thế nhưng những vụ đột nhập đào trộm, cưa trộm thủy tùng xảy ra liên tiếp và gần đây nhất là sự kiện đêm ngày 21-12 đã chứng minh một sự thật rằng cơn sốt thủy tùng hiện nay vẫn chưa thể hạ nhiệt được và công cuộc bảo vệ loài cây này sẽ còn lắm gian nan.
Lục Hà