Tịch thu phương tiện giao thông là cần thiết?

Thứ năm, 12/03/2015 07:54

(Cadn.com.vn) - Phát biểu tại Hội thảo “Giảm thiểu tai nạn giao thông bằng chế tài mạnh: Tịch thu phương tiện - pháp lý và thực tiễn”, do Trung tâm Truyền thông Giáo dục cộng đồng phối hợp với Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải tổ chức ngày 11-3, tại Hà Nội, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết: Ủy ban đưa ra kiến nghị chế tài xử lý nặng chưa từng có ở Việt Nam, hướng đến mục tiêu chuyển tải được thông điệp đủ sức tạo nên lời cảnh báo thường xuyên cho người điều khiển phương tiện, trước khi tham gia giao thông là "đã uống rượu, bia thì không lái xe".

Hơn 5 năm Ủy ban ATGT Quốc gia phối hợp thực hiện nhiều dự án thí điểm cho thấy, 36% nạn nhân bị tai nạn xe máy có liên quan đến nồng độ cồn trên ngưỡng cho phép, 67% lái xe ô-tô vi phạm nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép. Ủy ban ATGT Quốc gia triển khai đợt cao điểm kiểm soát nồng độ cồn trong tháng 2-2015 đã đi đến kết luận, chưa bao giờ trong 1 tháng có tới 17.500 người bị xử phạt vi phạm về nồng độ cồn khi tham gia giao thông.

Ông Phạm Sĩ Cương, đại biểu Quốc hội, ủng hộ sử dụng chế tài mạnh để lập lại TTATGT, bởi hiện trạng vi phạm ATGT trở nên phổ biến, tràn lan. Ông Ngô Dương, Viện Nhà nước và Pháp luật cho rằng tịch thu phương tiện không nên đưa thành hình thức phạt chính mà nên đưa vào hình thức xử lý bổ sung, phạt có hệ thống theo dõi.

Chuyên gia về GTVT, Tiến sĩ Trần Hữu Minh, Trường Đại học Giao thông Vận tải cho rằng, tịch thu là một lựa chọn nhưng chỉ dùng trong trường hợp đặc biệt, tái vi phạm ở lần 2,3 hoặc ở mức độ cồn cực kỳ nguy hiểm, hoặc chống người thi hành công vụ.

Ghi nhận những ý kiến của đại biểu, ông Khuất Việt Hùng – “tác giả” của đề xuất cho rằng, sửa đổi quy định pháp luật là giải pháp căn cơ nhất trong thời điểm hiện nay của Việt Nam. Song lộ trình cho từng giải pháp của đề xuất sẽ được cân nhắc hợp lý.

T.T