Tiến tới xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất
Ngày 25-6, tại Hà Nội, Cục Trẻ em, Bộ LĐ-TB&XH, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam tổ chức diễn đàn “Vận động chính sách và giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh”.
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nêu rõ: “Vì một thế hệ an toàn và khỏe mạnh” là chủ đề ngày Thế giới phòng, chống lao động trẻ em năm 2018. Đây là chủ đề có ý nghĩa thiết thực khi toàn cầu đang cam kết triển khai phòng ngừa lao động trẻ em. Việt Nam đã ban hành nhiều quy định, triển khai nhiều giải pháp phòng ngừa lao động trẻ em, nỗ lực thực hiện mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết, trong đó có mục tiêu 8.7 về xóa bỏ cưỡng bức lao động, chấm dứt chế độ nô lệ hiện đại, mua bán người và xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em nặng nhọc, nguy hiểm nhất. Tuy nhiên để giải quyết vấn đề lao động trẻ em, đặc biệt là bảo vệ các em khỏi các hình thức lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, cần có sự tham gia tích cực, sự liên kết, phối hợp chặt chẽ của tất cả các đối tác trong xã hội, các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, công đoàn, tổ chức xã hội, gia đình và cộng đồng.
Lao động trẻ em là vấn đề toàn cầu, theo ước tính của Tổ chức Lao động quốc tế, hiện có khoảng 152 triệu lao động trẻ em trên thế giới. Tại Việt Nam, Báo cáo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em năm 2012 cho thấy cả nước có khoảng 1,75 triệu lao động trẻ em, chiếm 9,6% trẻ em từ 5-17 tuổi. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã cam kết giải quyết vấn đề lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp, chính sách nhằm đảm bảo phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
P.V