Tiếng đàn Goong của người Gia Rai

Thứ tư, 01/11/2017 10:54

Trong ánh chiều tà,  đi dọc các buôn A, B, C của thị trấn Ea Súp, tỉnh Đắc Lắc - nơi người dân tộc Gia Rai sinh sống, ta sẽ được hòa mình vào âm hưởng du dương thánh thót, lúc cao vút, lúc trầm bổng. Trên bậc thềm ngôi nhà sàn gỗ truyền thống, gốc đàn chống vào bụng, đôi mắt lim dim chìm đắm trong bản nhạc êm ái, đó là nghệ nhân Y Coh Hra hay gọi là Ma Pho (59 tuổi, buôn C1, thị trấn Ea Súp). Dứt tiếng đàn, ánh mắt xa xăm: "Cây đàn Goong là người bạn tâm tình của người dân tộc Gia Rai chúng tôi, những cặp trai gái nên duyên vợ chồng đều nhờ đàn Goong.

Nghệ nhân Y Bung Hra chỉ cách làm một cây đàn Goong.

Vào những đêm trăng sáng trai gái thôn bản ngôi quay quần bên bếp lửa, những cô gái say sưa nghe những bản nhạc tâm tình của các chàng trai. Trong những dịp lễ hội của đồng bào nơi đây không thể thiếu tiếng đàn Goong, âm thanh ấy lúc rạo rực như tiếng chim Chơ Rao, da diết như con thú hoang gọi bầy, lúc êm đềm như buổi chiều Tây Nguyên dần tắt nắng, hiền dịu như suối chảy róc rách. Tiếng đàn Goong đã tạo nên niềm vui, sự hứng khởi, đã cố kết mọi người lại gần nhau hơn, tạo nên không khí mùa xuân, không khí lễ hội của cả buôn làng, của cộng đồng Tây Nguyên".

Cách đó vài ngôi nhà, trên bậc cửa ngôi nhà xây cấp 4, nghệ nhân Y Bung Hra, năm nay đã hơn 100 tuổi, đôi tay nhẹ nhàng lướt nhẹ bản nhạc êm ái, già chia sẻ: "Đàn Goong do ông bà mình sáng tạo ra để gửi gắm nỗi lòng vào đó. Nỗi lòng ấy là niềm vui, nỗi buồn bật thành câu hát, Goong biến những bài hát xưa cũ ấy thành tiếng đàn thánh thót. Có người nghe hiểu hết, có người lại khó cảm được. Đàn Goong độc đáo vì chuyển tải kho tàng âm nhạc của người Gia Rai một cách giản dị, tự nhiên. Đó là lời tự sự, là tiếng lòng sâu kín không dễ giãi bày nhưng mang tính giáo dục cao. Hiện nay trên địa bàn huyện chỉ có khoảng 7-8 người có thể sử dụng đàn Goong một cách thành thạo. Tuy nhiên, đàn Goong đang đứng trước nguy cơ mai một, dần rơi vào quên lãng".

LÊ NHUẬN