Tiếp tục nỗ lực kéo giảm TNGT cả 3 tiêu chí
(Cadn.com.vn) - Chiều 2-10, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia chủ trì hội nghị trực tuyến đánh giá kết quả TTATGT trong 9 tháng năm 2015, triển khai nhiệm vụ công tác những tháng cuối năm. Tại đầu cầu Đà Nẵng, Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì hội nghị...
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo hội nghị. |
TNGT đường bộ giảm tốt, đường sắt và đường thủy tăng
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nêu rõ: Từ việc thực hiện nhiều giải pháp hay, tình hình TTATGT trong 9 tháng năm 2015 đã đạt được nhiều kết quả đáng mừng, TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và bị thương); ý thức chấp hành Luật GTĐB của người tham gia giao thông được nâng cao. Tuy nhiên bên cạnh những thành công, vẫn còn nhiều tiềm ẩn khó lường, đòi hỏi phải có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành chức năng, địa phương và mỗi người dân để mục tiêu Năm ATGT 2015 đạt kết quả khả quan nhất.
Các đồng chí lãnh đạo TP, các ngành tham gia hội nghị tại đầu cầu Đà Nẵng. |
Với sự vào cuộc quyết liệt của các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể trong việc thực hiện các giải pháp cấp bách, tình hình TTATGT cơ bản được thiết lập lại trật tự. Khâu tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT có bước đột phá; đầu tư phát triển, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông được quan tâm, chú trọng; nhiều dự án giao thông, nhất là các tuyến huyết mạch đường bộ, đường sắt, đường thủy được tăng cường. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, so với cùng kỳ năm 2014, tình hình TNGT cả nước giảm 2.239 vụ, giảm 240 người chết và người bị thương giảm 2.906 người. Trong tổng số 16.459 vụ TNGT xảy ra, đường bộ chiếm 16.189 vụ, làm chết 6.305 người, bị thương 14.868 người.
Tình hình TNGT đường bộ giảm mạnh là rất đáng mừng, tuy nhiên đáng lo ngại là TNGT đường sắt và đường thủy lại gia tăng. Cụ thể, đường sắt xảy ra 179 vụ, làm chết 156 người, bị thương 48 người (so với cùng kỳ 2014 tăng 50 vụ, 45 người chết và 17 người bị thương); đường thủy xảy ra 71 vụ, làm chết 56 người, bị thương 10 người và 3 người bị thương (tăng 9 vụ, 1 người chết, 3 người bị thương). Qua phân tích, nguyên nhân dẫn đến tăng TNGT đường sắt là do mạng lưới đường sắt còn tồn tại nhiều giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ, nhất là các lối đi dân sinh tồn tại bất hợp pháp, các công trình vi phạm hành lang ATGT đường sắt chưa được giải tỏa dứt điểm. Về đường thủy, ý thức chấp hành các quy định về bảo đảm TTATGT của người điều khiển phương tiện giao thông còn hạn chế. Cùng thời gian, lực lượng CSGT đường bộ đã kiểm tra, lập biên bản hơn 3,1 triệu trường hợp vi phạm TTATGT, phạt tiền hơn 2.000 tỷ đồng, tạm giữ 29.560 xe ô-tô, 377.420 mô-tô, tước GPLX gần 270.000 trường hợp.
Tại Đà Nẵng, theo báo cáo của Ban ATGT, tuy giảm 20 vụ, giảm 47 người bị thương, nhưng số người chết lại tăng 9 người so với cùng kỳ năm 2014 (toàn TP xảy ra 109 vụ, làm chết 80 người, 76 người bị thương). Cùng với việc triển khai đồng bộ công tác tuyên truyền, giải pháp đảm bảo TTATGT, những tháng đầu năm, Đà Nẵng đã tổ chức ký cam kết đối với 100% lái xe taxi, xe buýt về việc thực hiện "9 nên và 9 không nên"; tổ chức phát loa tuyên truyền về luật giao thông và mức xử phạt tại 36 nút giao thông có tín hiệu đèn; cải tạo vỉa hè nhiều tuyến đường; đầu tư phương án phân làn hàng chục tuyến đường lớn; thực hiện thay thế mũ bảo hiểm (MBH) kém chất lượng bằng mũ đạt tiêu chuẩn cho người dân...
Với việc phân làn đường, tình trạng TNGT tại Đà Nẵng giảm đáng kể trong nhiều năm qua. |
Không được chủ quan, lơ là
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là các cơ quan, ban, ngành trực tiếp tham gia tuyên truyền, xử lý vi phạm giao thông để đạt được kết quả giảm cả 3 tiêu chí về TNGT trong 9 tháng đầu năm. Tuy nhiên TNGT đường sắt, đường thủy lại gia tăng, Phó Thủ tướng đề nghị các cấp ngành phải mổ xẻ tìm ra nguyên nhân và có giải pháp mới, nhất là việc chỉ đạo, điều hành.
Bên cạnh biểu dương các địa phương đã đóng góp nhiều kết quả nổi bật từ việc triển khai thực hiện các mô hình đảm bảo TTATGT sáng tạo, nhất là 41 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương giảm số người chết vì TNGT, trong đó 9 địa phương giảm hơn 20%, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng quyết liệt phê bình các địa phương có người chết do TNGT tăng 20%, cụ thể như tỉnh An Giang, Cà Mau, Trà Vinh, Bắc Cạn... "9 tháng qua, chúng ta đạt nhiều thắng lợi, công tác bảo đảm TTATGT có sự chuyển biến rõ nét. Kết quả này chính là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của toàn dân và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, tuy nhiên đây chỉ là kết quả bước đầu nên trách nhiệm của các cấp ngành, mỗi địa phương còn nhiều, nhất quyết không được lơ là, chủ quan. Mục tiêu chúng ta đặt ra trong Năm ATGT 2015 là nâng cao ý thức trách nhiệm, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp của người thực thi công vụ trong lĩnh vực ATGT; nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, xây dựng văn hóa giao thông trong cộng đồng và tiếp tục nỗ lực, phấn đấu kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí trong Năm ATGT 2015. Vì vậy, với tinh thần "mỗi ngày trong năm là ngày ATGT", trong những tháng cuối năm, các ngành, các địa phương đều phải vào cuộc, không thể khoán trắng cho ngành giao thông, lực lượng CA mà cả hệ thống chính trị, từng người dân đều vào cuộc quyết liệt" - Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Công Hạnh