Kỷ niệm 40 năm giải phóng Quảng Nam:

Tiếp tục phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường

Thứ tư, 25/03/2015 08:49

(Cadn.com.vn) - Tối ngày 24-3, tại khuôn viên Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (xã Tam Phú, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), tỉnh Quảng Nam long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng tỉnh (24-3-1975 – 24-3-2015), 85 năm ngày thành lập Đảng bộ tỉnh Quảng Nam (28-3-1930 – 28-3-2015) và khánh thành Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng (MVNAH).

Đến dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Huỳnh Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Quốc hội; Hà Thị Khiết, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban dân vận T.Ư cùng các lãnh đạo bộ, ngành và gần 10.000 đại biểu, khách mời, người dân trong, ngoài tỉnh đến dự.

Đồng chí Lê Hồng Anh phát biểu tại buổi lễ.

Đảng bộ tiên phong trong thời lửa đạn

Phát biểu trong buổi lễ, ông Lê Phước Thanh, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã ôn lại quá khứ cách mạng hào hùng từ khi Đảng bộ Quảng Nam ra đời. Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập được 2 tháng, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam ra đời, vào ngày 28-3-1930. Đây là sự kiện lịch sử rất trọng đại và nổi bật trong đời sống chính trị của nhân dân Quảng Nam nửa đầu thế kỷ XX, đánh dấu một mốc quan trọng trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân Quảng Nam. Từ đây, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo các phong trào cách mạng trên địa bàn tỉnh đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Nghi thức cắt băng khánh thành Tượng đài MVNAH.

Trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968, quân và dân Quảng Nam đã đồng loạt nổi dậy, tấn công vào tỉnh đường và các quận lỵ trên toàn tỉnh. Quân giải phóng đã làm chủ tỉnh đường Quảng Tín, thị xã Hội An và một số huyện, lỵ khác. Sau đó địch phản kích vây hãm, hàng trăm chiến sĩ cách mạng đã anh dũng hy sinh. Mặc dầu bị bao vây giữa lòng địch, nhưng các đảng viên, chiến sĩ cách mạng quyết không hạ vũ khí đầu hàng, chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng, lấy máu đào tô thắm thêm ngọn cờ quang vinh của Đảng, tạo thế chiến lược sau này cho hàng loạt chiến thắng của quân và dân, đã góp phần làm thất bại Chiến lược chiến tranh cục bộ, Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của đế quốc Mỹ và tay sai, buộc kẻ thù phải ký vào Hiệp Định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Đặc biệt trong chiến dịch mùa Xuân năm 1975, chiến thắng Tiên Phước diễn ra cùng thời với chiến thắng Buôn Mê Thuột ngày 10-3-1975 đã cổ vũ toàn Đảng bộ, quân và nhân dân giải phóng Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam vào ngày 24-3-1975, cắt đứt đường bộ phía sau lưng căn cứ quân sự Đà Nẵng, tạo điều kiện giải phóng TP Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975, góp phần quan trọng để T.Ư quyết định mở chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong suốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc kéo dài suốt 30 năm, Quảng Nam có hơn 65.000 liệt sĩ và nhiều người con ưu tú ở mọi miền đất nước đã ngã xuống trên đất Quảng Nam. Toàn tỉnh đến nay đã có 11.234 Bà mẹ VNAH và hàng trăm tập thể, cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu AHLLVTND; hàng chục ngàn người là thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng. Đó là những bông hoa bất tử trong thời đại Hồ Chí Minh sẽ mãi lưu tồn trong lịch sử hào hùng của dân tộc.

Hàng nghìn người dân đến dự buổi lễ.

Đổi thay trên mảnh đất anh hùng

Sau ngày thống nhất đất nước năm 1975, Đảng bộ tỉnh đã tập trung lãnh đạo khắc phục hậu quả chiến tranh. Được sự hỗ trợ của T.Ư Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư, Đảng bộ, quân và nhân dân tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng đã giành được những thành tựu quan trọng. Trong quá trình thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Quảng Nam - Đà Nẵng đứng trước những thời cơ, vận hội mới để phát triển, đồng thời không ít những khó khăn, thách thức. Năm 1997, với sự kiện lịch sử chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc T.Ư là tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng đã mở ra thời kỳ phát triển mới đối với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam.

Khi mới tái lập, Quảng Nam là một tỉnh nông nghiệp thuần túy, là một trong những tỉnh nghèo. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 1997 chỉ đạt 607,3 tỉ đồng, bằng 1/2 giá trị sản xuất nông nghiệp. Kết cấu hạ tầng KT-XH kém, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, thiếu trường học và bệnh viện. Nhưng với tinh thần quyết tâm đổi mới, trước hết là đổi mới tư duy chủ động, sáng tạo, tập trung trí tuệ tháo gỡ khó khăn, phát huy lợi thế, huy động nội lực, thu hút đầu tư, tranh thủ sự giúp đỡ của T.Ư, sự hỗ trợ của các tỉnh, TP trong cả nước, của bạn bè quốc tế, nhất là chung sức, đồng lòng của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đến nay, sau hơn 18 năm tái lập tỉnh, đã tạo nên sự chuyển biến tích cực về kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng tạo tiền đề vững chắc để Quảng Nam phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.



Tiết mục văn nghệ với chủ đề “Huyền thoại mẹ”.

Từ một nền kinh tế hầu như chưa phát triển và là một trong các tỉnh nghèo nhất của cả nước, thu ngân sách trên địa bàn thấp, ở mức 127 tỷ đồng, hoàn toàn lệ thuộc vào trợ cấp kinh phí từ T.Ư; đến nay, tổng thu ngân sách trên địa bàn trên 9.000 tỷ đồng, gấp hơn 50 lần năm 1997, đứng vào hàng các tỉnh phát triển khá trong khu vực và cả nước…

Phát biểu tại buỗi lễ, đồng chí Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng đề nghị Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân Quảng Nam phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực hơn nữa, phát huy nội lực, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, tạo nên bước chuyển biến mạnh mẽ và vững chắc trong phát triển kinh tế - xã hội. Phát động và tổ chức tốt các phong trào thi đua yêu nước, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại; đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và đầu tư công để nâng cao chất lượng, hiệu quả  và sức cạnh tranh, đưa kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững…

“Kỷ niệm 85 năm Ngày Thành lập Đảng bộ tỉnh và 40 năm Ngày giải phóng quê hương là dịp để chúng ta ôn lại những trang sử hào hùng, vẻ vang của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà và của cả dân tộc. Trong thời gian tới, tôi đề nghị Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc tỉnh nhà tiếp tục phát huy truyền thống Quảng Nam “Trung dũng, kiên cường”, đi đầu trong kháng chiến chống xâm lược và tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975, phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”- đồng chí Lê Hồng Anh nhấn mạnh.

Khánh thành tượng đài Mẹ VNAH

Dịp này UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp với Bộ TTVH&DL, Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức khánh thành công trình Tượng đài MVNAH - công trình văn hóa cấp quốc gia, biểu tượng cao đẹp của người Mẹ Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Với tình cảm thiêng liêng và trách nhiệm với lịch sử, lòng kính trọng, tri ân đối với sự cống hiến, hy sinh to lớn của những Bà mẹ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, tỉnh Quảng Nam đã đề nghị và được sự quan tâm của T.Ư Đảng, Chính phủ, các Bộ, ngành T.Ư, UBND tỉnh và Đài Tiếng nói Việt Nam đã phối hợp tổ chức cuộc vận động xây dựng Tượng đài Mẹ VNAH lấy nguyên mẫu Mẹ Thứ.

Sau hơn 6 năm xây dựng, công trình đã hoàn thành với khu tượng đài trang nghiêm, đạt chất lượng cao về mỹ thuật và nghệ thuật, thể hiện khí phách anh hùng, tinh thần bất diệt, ý chí kiên cường và nhân phẩm rạng ngời của người phụ nữ Việt Nam anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang. Đây là công trình vừa có ý nghĩa tri ân, giáo dục sâu sắc về lịch sử cho mọi tầng lớp nhân dân, đồng thời, là điểm danh thắng, kiến trúc văn hoá đặc sắc phục vụ nhân dân và du khách trong và ngoài nước đến thăm quan và tưởng niệm.

Sau lễ kỷ niệm và lễ khánh thành công trình Tượng đài Mẹ VNAH là chương trình nghệ thuật chào mừng với chủ đề “Huyền thoại mẹ” do Bộ VHTT&DL phối hợp với UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức. Kết thúc chương trình là màn bắn pháo hoa tầm thấp rực rỡ sắc màu.

Trần Tân - Đồng Dao