Tiếp tục tranh luận về tổ chức HĐND
(Cadn.com.vn) - Sáng 24-11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đa số đại biểu nghiêng về phương án ở đâu có quyền lực, ở đó có cơ quan giám sát quyền lực, đã là chính quyền địa phương phải có HĐND và UBND.
Dẫn quy định tại Điều 111 của Hiến pháp, các đại biểu Danh Út, Triệu Là Pham cho rằng: Hiến pháp 2013 đã quy định rất cụ thể về chính quyền địa phương tại Chương 9 gồm 7 điều (từ điều 110 - 116). Đây là những nguyên tắc để xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương.
Sau rất nhiều cuộc tranh luận, câu chuyện bỏ hay không bỏ HĐND quận, huyện, phường đã khép lại - đại biểu Danh Út khẳng định; đồng thời đề nghị dự thảo Luật cần phải tuân thủ Hiến pháp 2013 vì HĐND cùng với UBND được chế định trong Hiến pháp là hai bộ phận cấu thành của cấp chính quyền.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đề nghị chính quyền nông thôn theo lộ trình vẫn giữ 3 cấp chính quyền. Chính quyền đô thị, đã đến lúc cần thay đổi theo điều kiện đặt ra là địa bàn hẹp, dân cư tập trung với những phát sinh hàng ngày rất lớn, việc tổ chức một chính quyền 2 cấp là phù hợp, theo nghĩa có HĐND, có UBND được tổ chức ở cấp thành phố và cấp chính quyền cơ sở phường, xã. |
Theo đại biểu Danh Út, hai tổ chức này cùng tồn tại khi và chỉ khi có cấp chính quyền, đương nhiên không thể tồn tại nếu không có cấp chính quyền. HĐND và UBND đều không có thiết chế tồn tại độc lập, không có chế định nào của Hiến pháp quy định về sự tồn tại riêng của HĐND hay UBND trong bộ máy chính quyền địa phương.
Theo đại biểu, dự thảo Luật đưa ra phương án ở quận, phường không có HĐND, chỉ có UBND mà gọi là chính quyền địa phương là không đúng với khoản 2 điều 111 của Hiến pháp 2013 và không đúng với quy định nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội, thông qua HĐND và thông qua các cơ quan khác.
Chung quan điểm trên, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là bỏ đi thiết chế dân chủ gần và gắn bó nhất với người dân trên địa bàn. Điều đó đi ngược lại với quan điểm tăng cường quyền làm chủ của nhân dân. Ở đâu có UBND mà không có HĐND là ở đó mất đi công cụ pháp lý hữu hiệu. Đại biểu đặt ra một loạt câu hỏi: Nếu không tổ chức HĐND ở đơn vị hành chính là cấp quận, phường, tính đại diện của cử tri sẽ được thực hiện như thế nào?
Việc giám sát hoạt động của UBND ở nơi đó ra sao? Việc quyết định các vấn đề ở địa phương có đảm bảo tính dân chủ không? Sự khác nhau về mặt tổ chức thực hiện quyền lực Nhà nước ở địa phương khi cùng một cấp đơn vị hành chính nơi có HĐND, nơi lại không tổ chức HĐND. Đại biểu khẳng định vị trí, tính chất, thẩm quyền của UBND khác nhau sẽ tạo ra sự không thống nhất trong nhận thức và thực hiện.
Đại biểu Triệu Là Pham nhận định ban soạn thảo đưa ra phương án bỏ HĐND quận, phường làm đảo lộn bộ máy hành chính, làm thay đổi các văn bản pháp luật mà chưa rõ hiệu quả ra sao. Cần cải tiến cơ chế chính sách để HĐND thể hiện đầy đủ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước, không thể cắt bỏ HĐND một cấp vì không đem lại lợi ích đáng kể cho nhân dân mà chỉ gây xáo trộn hệ thống chính quyền địa phương đang ổn định, đồng thời làm mất đi chỗ dựa, mất đi công cụ chính trị quan trọng để nhân dân thông qua cơ quan đại diện của mình góp phần tạo bộ máy chính quyền tốt hơn.
Ngược lại với các ý kiến trên, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng Hiến pháp chỉ quy định về mặt nguyên tắc tổ chức chính quyền địa phương, mở rất rộng dư địa để Luật tổ chức một chế định mới là chính quyền địa phương mà không có giới hạn nào. Đây là lần đầu tiên hiến định chế định chính quyền địa phương. Do đó, cần nhìn nhận trên quan điểm xây dựng Luật tổ chức chính quyền địa phương mới chứ không phải Luật tổ chức HĐND và UBND sửa đổi. Luật này giải quyết 4 vấn đề tồn tại trong mô hình tổ chức mà Hiến pháp đã mở ra.
Chính quyền địa phương về cơ bản lâu dài cần hai cấp, cấp tỉnh và cấp cơ sở, nhưng chúng ta đang trong thời kỳ quá độ, cần tính đến chuyện thiệt hơn trong lúc quá độ. Đại biểu nêu dẫn chứng, Nhật Bản chuyển chính quyền địa phương từ 3 cấp thành 2 cấp từ năm 1921, họ để 5 năm quá độ, Việt Nam cần từ 10 đến 15 năm. Những nơi lớn có thể để 3 cấp nhưng phải theo hướng tăng cường mở rộng xã lên, các thị trấn đô thị phải là cấp chính quyền đầy đủ. Đại biểu kiến nghị ban soạn thảo ra lại đầu bài, làm rõ từng vấn đề, tập trung từ gốc.
Nhiều đại biểu băn khoăn khi lựa chọn phương án mô hình tổ chức chính quyền địa phương, đề nghị ban soạn thảo phân tích phương án nào hiệu quả nhất, thể hiện được điểm đổi mới. Đại biểu Hồ Thị Cẩm Đào (Sóc Trăng), Nguyễn Đăng Tiến (Bắc Giang) đề nghị Quốc hội nghiên cứu kỹ ý kiến của các đại biểu Trần Du Lịch và Nguyễn Thị Quyết Tâm. Về phân định chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, trách nhiệm của chính quyền địa phương, nhiều đại biểu cho rằng vấn đề này cần được nghiên cứu kỹ lưỡng nhằm tránh chồng chéo, bất cập như hiện nay.
Thu Thủy – TTXVN