Tiểu đoàn 2 (V25): Rạng rỡ chiến công Hè Thu 1968
Tiểu đoàn 2 (V25), đơn vị đặc công hóa ở chiến trường Quảng Đà thời chống Mỹ, đảm nhiệm cơ động chiến đấu, thọc sâu, đánh hiểm, tiến công tiêu diệt các căn cứ địch trong nội thành, nội thị. Nhắc đến Tiểu đoàn 2, chúng ta vẫn không thể quên chiến công vang dội trong trận đánh vào Đà Nẵng ngày 23 và 24-8-1968.
Lễ khánh thành Bia chiến tích Tiểu đoàn 2 (V25) tại Q. Cẩm Lệ. |
Đến nay, nhiều cựu chiến binh và nhân dân Quảng Nam – Đà Nẵng vẫn còn nhớ rõ bao chiến công lẫy lừng của Tiểu đoàn 2 trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Các địa danh Bình Long, Núi Lở, Điện Hòa, Gò Cấm, Tân Hạnh, Cồn Dầu, Lỗ Giáng và nhiều nơi khác còn ghi dấu chiến tích oai hùng của những người lính đặc công hóa năm xưa. Nhiều chiến công của đơn vị đã đi vào thơ ca, hò vè và trở thành niềm tự hào bất tử với thời gian. Trong đó, 3 trận tấn công địch tại Hiếu Nhơn và trận tập kích giải thoát gần 1.300 tù chính trị ở nhà lao Hội An mãi mãi sáng ngời trong trang sử chống ngoại xâm của dân tộc: “Ai về thăm lại Hiếu Nhơn/ Ba lần ngùn ngụt lửa hờn dâng cao/ Một đêm chớp giật nhà lao/ Hội An rung chuyển cờ sao sáng ngời”...
Bước vào Chiến dịch Hè Thu năm 1968 (mật danh X2), Tiểu đoàn 2 (V25) có hơn 350 cán bộ, chiến sĩ, do đồng chí Nguyễn Thanh làm Tiểu đoàn trưởng, đồng chí Nguyễn Văn Lợi làm Chính trị viên. Từ vùng B Đại Lộc, đơn vị hành quân về Gò Nổi (Điện Bàn), làm công tác chuẩn bị để đánh vào Đà Nẵng. Đêm 21-8, đơn vị vượt qua hàng rào điện tử Macnamara và nhiều đồn bốt địch, về trú quân tại xã Điện Hòa (Điện Bàn) và tối 22-8, tiếp tục hành quân đến xã Hòa Châu (Hòa Vang). 3 giờ ngày 23-8, đơn vị bí mật tiếp cận bờ nam sông Cẩm Lệ và khẩn trương tổ chức vượt sông. Địch phát hiện, dùng đại liên, ĐKZ từ cầu Đỏ bắn xuống, cầu Cẩm Lệ bắn lên, đồng thời máy bay và pháo cối địch bắn xối xả hòng ngăn chặn đường tiến quân của ta. Dù gặp nhiều khó khăn, đơn vị vẫn quyết tâm vượt sông, vừa dùng ghe thuyền của nhân dân địa phương, vừa dùng ni-lông bọc ba lô làm phao bơi qua sông.
Đến 4 giờ 30 ngày 23-8, Đại đội mũi nhọn gồm 30 đồng chí, do đồng chí Lê Văn Chỉ (mũi trưởng) chỉ huy và Đại đội 1 gồm 46 đồng chí do đồng chí Thái Thanh Hùng (Chính trị viên Đại đội 1) chỉ huy đã vượt được sông, đánh thẳng vào ấp chiến lược Bình Thới thuộc xã Hòa Thọ, H. Hòa Vang (nay là P. Hòa Thọ Đông, Q. Cẩm Lệ). Đồng chí Thái Thanh Hùng, hiện ở P. Hải Châu 1 (Q. Hải Châu, Đà Nẵng), vẫn còn nhớ như in, sau 30 phút chiến đấu, ta đã diệt gọn trung đội dân vệ, đánh chiếm toàn bộ khu phố Cẩm Lệ. Ngày 23-8, bộ đội kiên cường chiến đấu, bẻ gãy nhiều đợt phản kích của địch. Trận chiến diễn ra vô cùng khốc liệt, nhất là khu vực ngã tư Cẩm Lệ. Địch điên cuồng bắn phá, hò hét phản kích. Trung đội trưởng Nguyễn Hữu Do gan góc chờ mục tiêu đến gần, bắn cháy 3 xe tăng địch. Chiến sĩ vô tuyến điện Nguyễn Hữu Sơn vừa làm nhiệm vụ thông tin, vừa trực tiếp chiến đấu, cùng đồng đội kiên quyết ngăn chặn địch, bảo vệ trận địa. Toàn thể cán bộ, chiến sĩ hiên ngang chiến đấu quyết tử với quân thù cho đến khi nhận được lệnh lui quân vào tối 23-8. Trong khi đó, lực lượng tiểu đoàn chưa kịp vượt sông phải chuyển sang phòng ngự tại khu vực xã Hòa Châu và Hòa Xuân suốt ngày 23-8.
Hôm sau, 24-8, bộ binh, xe tăng và các loại máy bay địch từ nhiều hướng đánh vào trận địa ta tại thôn Giáng Đông, xã Hòa Châu. Toàn đơn vị chiến đấu ngoan cường, ngăn chặn nhiều đợt phản kích của địch, nhưng cũng bị nhiều tổn thất (45 đồng chí hy sinh, 86 đồng chí bị thương)... Qua hai ngày 23 và 24-8, đơn vị đã tiêu diệt gần 200 tên địch, bắn cháy 5 xe tăng, bắn rơi 1 máy bay, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.
Hiện nay, cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn còn hơn 250 người, cư trú tại Đà Nẵng, Quảng Nam và nhiều địa phương khác. Các cựu chiến binh Tiểu đoàn 2 hằng mong ước có một tấm bia ghi dấu chiến công đánh vào Đà Nẵng của đơn vị trong Chiến dịch Hè Thu 1968 và niềm mong ước ấy đã trở thành sự thật. Theo đề nghị của Ban Liên lạc truyền thống cựu chiến binh Tiểu đoàn 2, Thành ủy-UBND thành phố Đà Nẵng đã tạo mọi thuận lợi để xây dựng Bia chiến tích của Tiểu đoàn 2 tại Q. Cẩm Lệ, ngay khu vực mà các chiến sĩ đặc công hóa đã vượt sông năm xưa. Bia chiến tích thiết kế theo hình búp sen hồng, đồng thời cũng thể hiện đôi bàn tay nâng niu trang sử vàng truyền thống. Trên trang sử này khắc ghi tóm tắt chiến công của Tiểu đoàn 2. Phía trên có phù điêu hình tròn nền đỏ với ngôi sao vàng năm cánh tượng trưng lá cờ Tổ quốc. Những chiến công hào hùng của Tiểu đoàn 2 năm ấy, như còn vang mãi đâu đó trong tâm khảm, luôn là niềm tự hào của lớp lớp thế hệ trẻ hôm nay.
LÊ VĂN THƠM