Tìm các giải pháp căn cơ để TP phát triển bền vững

Thứ năm, 10/12/2015 07:00

* Bà Phan Thị Thúy Linh được bầu làm Trưởng Ban kinh tế ngân sách TP

(Cadn.com.vn) - Trong các phiên tranh luận, chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra ngày 9-12, các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi, vấn đề cử tri quan tâm với mong muốn cuộc họp sẽ tìm ra được những giải pháp căn cơ, góp phần xây dựng TP Đà Nẵng ngày một phát triển bền vững hơn.

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ điều hành phiên thảo luận.

Bàn chuyện xây cầu giải quyết ùn tắc giao thông

Bên cạnh bàn các giải pháp nâng cấp lại cơ sở hạ tầng giao thông, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi xung quanh việc nên hay không nên xây các dự án cầu để giải quyết ùn tắc giao thông. Đại biểu Nguyễn Đăng Hải cho rằng, trong công tác đảm bảo TTATGT, thời gian qua ngành CA đã ra quân rất quyết liệt, nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT, do chỉ mới ngành CA làm quyết liệt chứ toàn dân, cả hệ thống chính trị chưa vào cuộc. Vì vậy, thời gian tới bên cạnh công tác tuyên truyền, cần tăng cường khâu lắp đặt hệ thống camera, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm từ hình thức phạt nóng đến phạt nguội, vì ý thức của người tham gia giao thông chưa cao. Bên cạnh đó, nên thực hiện các giải pháp như thu nhỏ các bùng binh quá rộng, lắp đặt lại tín hiệu giao thông như cấm xe giờ cao điểm. Chuyện ách tắc khu vực cầu sông Hàn, cầu Rồng là do đèn xanh, đèn đỏ trên đường Trần Phú quá dày, TP cũng nên cân nhắc, điều chỉnh lại cho phù hợp.

Bàn chuyện xây cầu, đại biểu Lê Vinh Quang có ý kiến: Việc làm cầu vượt để giải bài toán ùn tắc giao thông sẽ rất tốt, tuy nhiên ảnh hưởng đến giá đất của các hộ xung quanh nên cũng cần cân nhắc thật kỹ. Riêng cầu qua sông Hàn, đại biểu Quang cho là rất cần thiết. “Trước đây, khi TP quyết định xây cầu Rồng, Trần Thị Lý cũng có rất nhiều tranh cãi nên hay không nên. Nhưng khi triển khai xây các cây cầu này, đã thực sự có tiến triển lớn về nhiều mặt. Không chỉ thúc đẩy sự phát triển kinh tế các vùng của TP mà bài toán đảm bảo TTATGT, giảm tải cho lượng xe qua cầu sông Hàn đã được nhân dân rất đồng tình ủng hộ” – đại biểu Quang nói. Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đăng Hải đồng tình với việc TP nên xem xét và đồng ý xây dựng các dự án cầu, vì cầu vượt là xu thế tất yếu của một đô thị lớn trên đường phát triển, trong khi đó cầu qua sông Hàn cũng rất cần, kể cả là làm cầu chui để giảm tải ùn tắc giao thông.

Trong khi đó, nhiều đại biểu khác lại cho rằng, xây cầu phải tính toán lại vì nguồn vốn của TP đang hạn hẹp, trước mắt nên làm tốt các giải pháp phân làn, phân tuyến, phân xe theo giờ cho hợp lý để tránh kẹt xe...

Đại biểu Lê Vinh Quang phát biểu thảo luận tại kỳ họp.

Xấu hổ vì “vấn nạn”  ô nhiễm môi trường

Như các kỳ họp HĐND trước đây, nhiều đại biểu vẫn lo lắng cho chuyện ô nhiễm môi trường tại một số điểm trên địa bàn TP. Đại biểu Thái Thanh Hùng, Q. Thanh Khê đặt câu hỏi: Chẳng hiểu sao đã hết nhiệm kỳ HĐND TP khóa VIII, nhưng vấn đề môi trường của TP chẳng có gì chuyển biến? Rồi ông nói: Có đời nào được xem là TP môi trường, nhưng biết bao nhiêu điểm ô nhiễm nghiêm trọng vẫn tồn tại. Nào là bãi rác Khánh Sơn, âu thuyền Thọ Quang, sông Phú Lộc... “Vấn đề này chúng tôi đã bao lần nêu ý kiến, cử tri sống xung quanh các khu vực này cũng bức xúc nhiều, nhưng việc cải thiện chẳng chuyển biến gì nhiều. Ý kiến hoài, ý kiến mãi đến chán nản, giờ không muốn ý kiến nữa. Chúng tôi thấy thực sự xấu hổ với người dân” – ông Hùng nói.

Đại biểu Hùng nói thẳng: Chuyện ô nhiễm môi trường, TP phải đứng ra chủ công xử lý, chứ không nên giao hết cho tư nhân. Theo đại biểu Hùng, những năm qua TP đã giao cho tư nhân xử lý ô nhiễm tại khu vực âu thuyền nhưng họ làm không được. Mà xử lý không xong, người dân kêu quá trời nên Cty xử lý đã “bỏ của chạy lấy người". “Chúng ta đi kiểm tra, giám sát thấy mùi hôi chịu không nỗi, huống chi người dân sống quanh năm, cả đời ở đó” – đại biểu Hùng nói.

Kiên quyết thu hồi dự án sân vận động

Tại kỳ họp này, HĐND TP đã trình bày tờ trình về việc miễn nhiệm chức danh Trưởng Ban kinh tế ngân sách TP khóa VIII đối với ông Mai Đức Lộc, đồng thời giới thiệu và bầu bổ sung bà Phan Thị Thúy Linh giữ chức danh này với 43/43 phiếu đồng ý (đạt 100% số đại biểu có mặt và 91,48% tổng số đại biểu HĐND TP).

Liên quan đến “số phận” của dự án Sân vận động Chi Lăng, cử tri đặt câu hỏi UBND TP có giải pháp gì để lấy lại? Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP, quan điểm của TP là sẽ kiên quyết thu hồi theo đúng quy định của pháp luật. UBNDTP giao Sở TN-MT căn cứ vào quy định của Luật Đất đai 2013 đề xuất các giải pháp, phương án cụ thể để thực hiện thu hồi dự án. TP cũng làm việc với tập đoàn Thiên Thanh yêu cầu thực hiện theo đúng cam kết sau 12 tháng, hoặc 24 tháng mà không thực hiện cam kết theo luật sẽ thu hồi dự án chứ không cần kết luận của cơ quan điều tra, để phục vụ lợi ích của nhân dân TP, trước mắt là vẫn phục vụ giải bóng đá quốc gia 2016. Và song song với thu hồi dự án, vẫn kiến nghị quy hoạch một tổ hợp khác” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn nói.

Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ cũng yêu cầu lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng sớm làm việc với chủ đầu tư để xử lý dứt điểm những vấn đề liên quan đến dự án này, bởi đây là vấn đề cử tri rất quan tâm. “Bây giờ chủ đầu tư không làm nữa thì phải trả lại đất để TP Đà Nẵng xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, phục vụ nhân dân. Quan điểm của lãnh đạo TP là như thế"- ông Trần Thọ nói.

Liên quan đến việc cải thiện môi trường đầu tư, đại biểu Mai Đức Lộc có nhiều ý kiến xác đáng: "Cần phải có hội nghị tổng kết đánh giá về chủ trương đầu tư các KCN trên địa bàn và đánh giá toàn diện về công tác xúc tiến đầu tư của TP. Quan trọng hơn, cán bộ, bộ phận làm các thủ tục hành chính, cấp phép đầu tư cho nhà đầu tư triển khai dự án phải có chuyển biến, thay đổi cung cách phục vụ, phải xem đó như lời cảm ơn nhà đầu tư chứ không phải là ban phát ân huệ cho họ". Đại biểu Mai Đức Lộc cũng đặt vấn đề cần công khai, minh bạch việc chủ trương quy hoạch, đầu tư các dự án lớn nhạy cảm và hai bên bờ sông Hàn là hết sức cần thiết.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại kỳ họp, có rất nhiều nội dung các đại biểu tham gia chất vấn, trả lời chất vấn cũng đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân. Điển hình như việc sẽ điều chỉnh giá tiền thuê nhà cho hộ giải tỏa lên mức 1,8 triệu đồng/hộ chính và 1,5 triệu đồng/hộ phụ thay vì 1,5  triệu đồng và 1,2 triệu đồng hiện tại. Hay việc Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ có ý kiến nên giảm giá bán nhà ở xã hội vì các dự án này đang bán hàng trăm căn, nhưng chỉ mới 99 người đăng ký mua và mới bán được 41 căn.

Cả phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Trần Thọ, Chủ tịch HĐND TP tỏ ra rất hài lòng với việc tham gia thảo luận, tranh luận thẳng thắn của các đại biểu. Đồng chí cho rằng, việc tranh luận, thảo luận thẳng thắn ấy khẳng định tinh thần hết sức cầu thị của đại biểu trước toàn thể cử tri TP và đã có những hiến kế hay để góp phần xây dựng TP ngày càng phát triển bền vững hơn.

Công Hạnh – Kim Thanh