Tìm giải pháp cải thiện môi trường đầu tư Đà Nẵng
Mặc dù kết quả thu hút đầu tư vào Đà Nẵng quý 1 năm 2019 gấp đôi cả năm 2018, song môi trường đầu tư của TP cũng đang gặp nhiều tồn tại cần sớm có giải pháp cải thiện. Đây là nội dung cơ bản được đề cập tại tọa đàm trực tuyến Đà Nẵng - điểm đến của các nhà đầu tư ngày 9-5.
Dự án sản xuất linh kiện máy bay của UAC đầu tư vào Khu CNC Đà Nẵng mở ra cơ hội thu hút làn sóng đầu tư từ Hoa Kỳ. |
Sẽ rà soát, công khai quỹ đất Trong năm đẩy mạnh thu hút đầu tư 2019, ông Lê Minh Tường cho biết, TP sẽ rà soát, công khai quỹ đất, các lô đất đưa ra đấu giá, đấu thầu để chủ động kêu gọi các dự án đầu tư ngoài KCN. TP cũng tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo Danh mục các khu đất đưa ra bán đấu giá đã ban hành trong năm 2018; hoàn thành Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai; xây dựng hệ thống Cổng thông tin đất đai nhằm minh bạch hóa thông tin đất đai đến tổ chức, công dân và DN trên địa bàn TP. Với các dự án giao thông, ông Tường cho biết, TP sẽ chủ động phối hợp với các bộ ngành xây dựng phương án triển khai xây dựng cảng Liên Chiểu, di dời ga đường sắt, xây nhà ga T3 sân bay Đà Nẵng nâng công suất lên 30 triệu khách/năm. |
Hiệu quả sau thu hút đến đâu?
Mặc dù kết quả thu hút đầu tư khả quan, song môi trường đầu tư Đà Nẵng lại đang đặt ra nhiều trở ngại. Cụ thể là chất lượng và hiệu quả của các dự án sau khi được thu hút, cấp phép. Nếu dự án treo, kém hiệu quả, giá trị gia tăng thấp, ô nhiễm môi trường... sẽ tác động tiêu cực tới môi trường đầu tư, làm các nhà đầu tư (NĐT) có tiềm lực thực sự “ngại” tiếp cận.
Ông Lê Minh Tường, Phó ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng cho biết, đầu tư nước ngoài vào Đà Nẵng (FDI) tồn tại 4 hạn chế, nổi bật nhất là qui mô nhỏ (chỉ có 2 dự án trên 100 triệu USD và gần 90% dự án có vốn đăng ký dưới 2 triệu USD trong giai đoạn 2011 – 2018). Kế tiếp, việc chuyển vốn đăng ký sang vốn thực hiện của một số dự án còn chậm so với tiến độ cam kết, nhất là trong lĩnh vực bất động sản – du lịch, dẫn đến tỷ lệ vốn thực hiện thấp, chỉ trên 50%. Ngoài ra, tác động liên kết và lan tỏa công nghệ của khu vực đầu tư nước ngoài đến khu vực DN trong nước chưa cao, chưa kể một số dự án đầu tư nước ngoài hoạt động kém hiệu quả, có sai phạm trong kê khai và nộp thuế, nợ lương, bảo hiểm xã hội.
Nhiều dự án đăng ký đầu tư nhưng chậm triển khai, không có khả năng triển khai, “treo” suốt thời gian dài cũng là trở ngại cho môi trường đầu tư Đà Nẵng. Với các trường hợp này, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng cho biết, TP đã giao cho Sở KH&ĐT, TN&MT rà soát các dự án chậm triển khai để gia hạn (24 tháng) theo luật định, đồng thời giao Cục thuế yêu cầu các chủ đầu tư chậm triển khai phải nộp thêm tiền thuê đất trong thời gian 24 tháng được giãn tiến độ theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách. Hiện TP đã ban hành 28 quyết định gia hạn thời gian sử dụng đất đối với 33 trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng, Cục Thuế đã ban hành thông báo nộp tiền bổ sung trong thời gian dự án được gia hạn với tổng số tiền phải nộp là hơn 216 tỷ đồng. Ông Tuấn cho biết, việc gia hạn, dãn tiến độ nhằm tạo điều kiện để chủ đầu tư tìm kiếm nguồn vốn triển khai dự án, nếu quá thời hạn không triển khai sẽ làm các thủ tục thu hồi theo luật định.
Để “kéo” nhà đầu tư về Đà Nẵng
Ông Lê Minh Tường cho biết, một trong những vấn đề được nhiều NĐT quan tâm nhất là chính sách đất đai và cơ sở hạ tầng. Hiện quỹ đất sạch có sẵn rất hạn chế nhất là quỹ đất có diện tích trên 5ha nằm ngoài KCN. Hiện rất khó tìm đất để giới thiệu cho NĐT. Trong khi, quỹ đất trong KCN hầu như đã lấp đầy, số còn lại bị phân tán manh mún không đáp ứng nhu cầu đầu tư. Về hạ tầng NĐT kiến nghị nhiều vì thiếu đồng bộ. Cụ thể cơ sở hạ tầng, giao thông nội bộ, cảnh quan trong các KCN đầu tư thiếu đồng bộ, khoảng cách ly với khu dân cư chưa phù hợp, không gian phát triển CNTT chưa đáp ứng nhu cầu cho sự phát triển của DN phần mềm. Cũng theo ông Tường, do quỹ đất hạn hẹp nên việc chọn dự án, ngành nghề sao cho đạt hiệu quả cao nhất, hợp với chiến lược phát triển bền vững hiện rất khó khăn. Do vậy, bên cạnh những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và một số chính sách ưu đãi, TP sẽ tập trung công tác quy hoạch trên cơ sở xây dựng danh mục dự án trọng điểm phù hợp với chiến lược phát triển của TP qua đó góp phần thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đạt được những mục tiêu, định hướng của TP trong thời gian đến.
Để kéo NĐT đến với Đà Nẵng trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Tuấn cho rằng TP phải có nhiều bước đột phá hơn nữa. Cụ thể, triển khai sớm đề án quản lý liên thông về thủ tục đầu tư, các thông tin sẽ được công khai, NĐT chỉ cần liên hệ, làm việc với 1 cơ quan đầu mối từ lúc nộp hồ sơ đến khi triển khai dự án; hoàn chỉnh qui hoạch quỹ đất ngoài KCN chuẩn bị sẵn quỹ đất sạch để thu hút một số dự án đầu tư trọng điểm, giúp nhà đầu tư rút ngắn thời gian đưa ra quyết định đầu tư; triển khai nhanh một số khu cụm công nghiệp mới phục vụ DN nhỏ và vừa như KCN Hòa Cầm - giai đoạn 2 (119 ha), KCN Hòa Ninh (400 ha) và KCN Hòa Nhơn (393,57 ha).
Đặc biệt, ông Tuấn cho rằng, đối với những dự án đã được TP thông báo cho phép nghiên cứu đầu tư, các Tổ chức tín dụng ban hành Quyết định cho vay, Thỏa thuận cho vay vốn, TP cần tập trung hỗ trợ cho các NĐT để nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cần thiết triển khai dự án.
HẢI QUỲNH