Tìm lại men rượu cần ngày xưa
(Cadn.com.vn) - Những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án 61 của Thành ủy Đà Nẵng, chủ công là Hội Nông dân các cấp trong chương trình xây dựng “Nông thôn mới”, người dân Cơ Tu ở thôn Phú Túc, Hòa Phú, Hòa Vang đã được hỗ trợ khôi phục làng nghề sản xuất rượu cần, bước đầu mang lại hiệu quả đáng mừng...
Già làng Lê Văn Dờ (90 tuổi), ở thôn Phú Túc phấn khởi: “Làng mình bây giờ lại có rượu cần để tế lễ thần linh, cúng mừng lúa mới, mừng đám cưới, tiếp khách phương xa, lại còn có bán để làm quà cho ai có dịp ghé qua thăm làng mình... vui quá là vui...”. Già làng Dờ cho biết, cũng như bao tộc người trên dải Trường Sơn, Tây Nguyên, người Cơ Tu ở Phú Túc ngày xưa cũng rất giỏi làm rượu cần. Nhưng mấy chục năm sống trên sườn núi Ô Ray, căn cứ địa của chiến khu Quảng Đà, Khu ủy Hòa Vang, người Cơ Tu ở Phú Túc một lòng theo Đảng, theo cách mạng phục vụ kháng chiến, hết đánh Pháp lại đánh Mỹ, cứ di dời làng hết sườn núi này, sang triền núi khác, cuộc sống du canh, du cư làm cho nghề làm rượu cần mai một đi.
Sau kháng chiến, cuộc sống vẫn chưa ổn định, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đồng bào từ bỏ lối sống du canh, du cư, chuyển hẳn về định canh ở thôn Phú Túc hiện nay. Tuy vậy, trình độ kỹ thuật sản xuất canh tác nông nghiệp chưa cao, diện tích đất sản xuất không nhiều, sản lượng lương thực làm ra chỉ đủ ăn, không có dư để sản xuất rượu cần, vậy là nghề làm rượu cần bị quên lãng. Chỉ còn vài người như già Dờ là còn nhớ cách làm, còn nhớ hương vị rượu cần...
Chị Nguyễn Thị Lý-Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú cho biết, vấn đề đặt ra bằng mọi cách phải bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa đồng bào người Cơ Tu thôn Phú Túc là rất quan trọng. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, chính quyền địa phương nhận thấy, cần phải khôi phục và phát triển một làng nghề sản xuất rượu cần nơi đây. Cùng với sự bảo tồn phát triển văn hóa, làng nghề rượu cần vừa tạo thương hiệu, vừa tạo thu nhập cho đồng bào Cơ Tu. Khi phương án xây dựng làng nghề rượu cần hình thành cũng là khi Đảng bộ, chính quyền, ban ngành các cấp thành phố đang triển khai mạnh mẽ Đề án 61 về xây dựng nông thôn mới. Đầu năm 2013, thôn Phú Túc được UBND, Hội Nông dân thành phố hỗ trợ kinh phí ban đầu hơn 70 triệu đồng, UBND H. Hòa Vang, UBND xã Hòa Phú hỗ trợ 50 triệu đồng thành lập Hợp tác xã sản xuất rượu cần với 10 hộ đồng bào tham gia, do anh Lê Văn Hoàng, một cán bộ TBXH, cũng là đồng bào người Cơ Tu làm Tổ trưởng.
Anh Lê Văn Hoàng giới thiệu sản phẩm rượu cần Phú Túc. |
Việc đầu tiên, UBND xã tổ chức cho các xã viên đi tham quan, học tập phương thức làm rượu cần tại một số cơ sở sản xuất rượu cần truyền thống của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên ở Đắc Lắc trong thời gian một tháng. Đồng thời, UBND xã hợp đồng với làng gốm Bát Tràng, Gia Lâm, Hà Nội sản xuất hàng loạt ché đựng rượu bằng loại men da lươn, họa tiết khắc chìm theo kiểu dáng riêng, thích hợp với việc ủ rượu cần bằng men lá, uống bằng cần trúc, cần dây nhựa, không độc hại khi sử dụng; hợp đồng với các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ mây tre, cung cấp cho Hợp tác xã hàng loạt các dụng cụ hong phơi gạo, bắp, cũi mây để đựng ché, tem nhãn thương hiệu...
Mỗi hộ xã viên được hỗ trợ nồi nấu lúa, men rượu mua từ làng Vân, Bắc Ninh và do đồng bào tự sản xuất từ nguyên liệu như lá rừng, củ riềng, vỏ quế, hạt tiêu rừng... Tiếp đó, một lớp tập huấn được triển khai, hướng dẫn cho các xã viên sản xuất rượu cần theo đúng quy trình, đảm bảo chất lượng. Anh Lê Văn Hoàng cho biết, trong đợt sản xuất mẻ rượu đầu tiên vào Tết âm lịch năm 2014, hơn 500 ché rượu cần đạt chất lượng tới hơn 80%, được các già làng sành rượu cần đánh giá không thua kém gì rượu cần các địa phương truyền thống như Tây Nguyên, Hòa Bình...
Mỗi ché rượu cần thành phẩm 7kg giá khoảng 80 nghìn đồng, xuất ra thị trường 150 nghìn đồng. Kết quả vô cùng khích lệ: “Hợp tác xã đã bán hết veo hơn 500 ché rượu các loại, trừ kinh phí sản xuất, mỗi xã viên thu nhập hơn 20 triệu đồng... chỉ trong một dịp tết”-anh Hoàng phấn khởi. Ngoài sản xuất cung cấp ra thị trường trong năm, Tết năm 2015 này, Hợp tác xã đã chuẩn bị sản xuất và đưa ra thị trường hơn 1.000 ché rượu cần các loại.
Được biết cuối năm nay, UBND xã Hòa Phú sẽ đề nghị các doanh nghiệp có các cơ sở du lịch sinh thái trên địa bàn như Khu sinh thái Ngầm Đôi, Nước nóng Suối Đôi, Suối Hoa, Lái Thiêu và Hòa Phú Thành hỗ trợ cho Hợp tác xã làng nghề rượu cần Phú Túc về việc bao tiêu sản phẩm, bởi các khu sinh thái này lượng khách du lịch rất đông, cũng là điều kiện thuận lợi để giới thiệu thương hiệu sản phẩm rượu cần Phú Túc tới các địa phương trên cả nước. Hiện nay việc mở rộng, phát triển làng nghề đang có chiều hướng thuận lợi được bà con hưởng ứng nhiệt tình nhưng rất thiếu kinh phí. Đề nghị chính quyền cùng các ngành chức năng thành phố, H. Hòa Vang quan tâm hỗ trợ, nhất là việc kiểm định chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu độc quyền “rượu cần Phú Túc”, để hương thơm rượu cần của đồng bào Cơ Tu thành phố biển miền Trung có dịp bay xa hơn nữa.
Hồng Thanh