Tìm lối ra cho cá ngừ đại dương

Thứ hai, 21/07/2014 08:28

(Cadn.com.vn) - Nhìn chiếc tàu cá đang neo tại cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn, Bình Định), ngư dân Bùi Thanh Ninh thở dài: Giá nhiên liệu tăng, giá cá giảm, nguy hiểm chực chờ... Sắp tới, sẽ phải tính toán, gắng gượng làm sao đây? Tự vấn mình xong, ông Ninh bước xuống con tàu đang neo trên bến đốc thúc ngư dân nhanh tay đưa cá vào bờ...

Giá cá ngừ giảm mạnh

Ông Yukio Kikuchi - Giám đốc Dự án hãng Yanmar tại Việt Nam (tập đoàn sản xuất máy móc ngư, nông cụ của Nhật Bản): kỹ thuật khai thác và bảo quản sản phẩm sau thu hoạch chưa chuẩn nên kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam chỉ đạt 560 triệu USD/năm. Trong khi đó, nếu xử lý kỹ thuật đúng thì có thể bán được tối thiểu 1,5 tỷ USD.

Hãng Yanmar đang đầu tư, giới thiệu nhiều giải pháp khai thác cá ngừ bền vững tại Việt Nam, như: tập huấn cho ngư dân theo công nghệ, kỹ thuật khai thác của Yanmar để nâng giá bán sỉ từ 2 USD/kg lên 9 USD/kg; tiết kiệm nhiên liệu bằng công nghệ tàu composite và tổ chức khai thác tổ đội; tham gia các nhãn chứng chỉ quốc tế như MSC để cá ngừ Việt Nam đạt chuẩn thế giới...

Dự kiến, từ nay đến năm 2015, Yanmar sẽ đầu tư thí điểm 180 tàu composite khai thác cá ngừ theo mô hình công ty cổ phần của Nhật. Ngư dân được mua cổ phần đến 100% giá trị tàu. Yanmar sẽ tư vấn, đào tạo kỹ thuật, quản lý tổng thể chất lượng cá, bao tiêu xuất khẩu với giá cao. 

Ngư dân Nguyễn Văn An (62 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, H. Hoài Nhơn, Bình Định), là chủ của 2 chiếc tàu cá BĐ 96776 và BĐ 95648 chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương cho biết: “Những chuyến biển gần đây giá cá ngừ câu vàng chỉ ở mức 130.000 đồng/kg, cá ngừ đại dương câu tay chỉ từ 84.000-85.000 đồng/kg.

Nếu trúng biển, mỗi chuyến một tàu đánh bắt được 40-50 con cá thì mỗi bạn được chia vài ba triệu đồng. Nếu đánh bắt được ít hơn thì cả chủ tàu lẫn những ngư dân đi bạn đành chấp nhận không có thu nhập”.

Bấm đốt ngón tay, ông An tính toán sơ bộ: Mỗi chuyến đi biển tốn trung bình 110 triệu đồng. Chuyến biển trước, tàu cá BĐ 96776 đánh bắt được 29 con, cá loại to từ 45-50kg/con, về bờ cân được 1,5 tấn. Chiếc BĐ 95648 đánh bắt được 32 con, về cân được 2,2 tấn. Với giá cá chỉ từ 84.000-86.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi ngư dân đi bạn còn được chia một vài triệu đồng.

Chuyến này dù tàu chưa cập bờ nhưng thông tin từ 2 chiếc tàu đưa về cho biết, tình cảnh sẽ còn thảm hại hơn. Ra khơi đã 20 ngày, thế nhưng do gió Nam mạnh và đi trúng vùng biển không có cá nên mỗi chiếc tàu chỉ mới đánh bắt được có 5 con cá ngừ đại dương nho nhỏ. Chỉ còn vài ngày nữa là đến mùa trăng, tàu phải cập bờ, chuyến này lỗ là cái chắc.

Giá cá thấp, đánh bắt thất bát, nhiên liệu liên tục tăng, lo lắng dồn nặng lên vai những chủ tàu. Để ngư dân tiếp tục bám biển, các chủ tàu phải “gồng mình” lấy tiền nhà cho ngư dân ứng trước, những chuyến biển sau nếu đánh bắt bội thu, bạn được chi phần cao thì trừ nợ dần. Chủ tập đoàn tàu cá 16 chiếc ở xã Tam Quan Bắc, ngư dân Bùi Thanh Ninh, cho biết đã  ứng tiền nhà cho ngư dân trước hơn 1 tỷ đồng nên 16 chiếc tàu của gia đình vẫn liên tục bám biển, chia thành 4 tổ, mỗi tổ 4 chiếc.

Giá cá ngừ phập phù lên xuống khiến ông Ninh đứng ngồi không yên. Ông nói: “Chưa khi nào cá ngừ sọc dưa lại hạ thấp như năm nay. Thời điểm này năm ngoái, cá ngừ sọc dưa 25.000 đồng/kg thì chuyến biển cách đây 1 tháng rớt xuống còn 14.000- 17.000 đồng/kg. Với giá này, cả chủ tàu và thuyền viên đều gặp khó”.

Theo tính toán của ông Ninh, nếu trước đây mỗi chuyến biển, 1 tàu cá trong tập đoàn do ông quản lý khai thác được bình quân 10 tấn cá, bán với giá 25.000 đồng/kg, thu được 250 triệu đồng, sau khi trừ tổn phí 150 triệu đồng, còn lại 100 triệu đồng được chia cho 22 phần, mỗi người được trên 4 triệu đồng. Còn nay, cũng với 10 tấn cá mà mỗi thuyền viên nhận chưa được 1 triệu đồng.

Bán cá ngừ sang Nhật

Theo Sở NN&PTNT Bình Định, hiện sản lượng đánh bắt thủy sản hàng năm từ 180.000 đến 200.000 tấn, trong đó cá ngừ đại dương đạt 10.000 tấn. Cá ngừ đại dương nếu chất lượng tốt, giá trị sẽ rất cao.

Trước nay, chất lượng cá ngừ đại dương của Bình Định rất thấp, chỉ tiêu thụ trong nội địa và xuất khẩu dưới dạng phi lê nên giá trị đạt được rất thấp. Vì vậy, nâng cao chất lượng để tăng cao xuất khẩu cá ngừ đại dương là mục tiêu mà lãnh đạo tỉnh Bình Định hướng đến để giúp ngư dân đánh bắt cá ngừ mang lại hiệu quả kinh tế cao.

“Những năm gần đây, các tàu khai thác cá ngừ đã chuyển từ phương pháp câu vàng sang câu tay kết hợp ánh sáng. Phương pháp mới này mang lại chất lượng tốt hơn cho cá ngừ đại dương. Tuy vậy, cách thức đánh bắt, bảo quản ngay trên biển của ngư dân còn thủ công, thời gian mỗi chuyến biển dài ngày nên chất lượng rất thấp” – ông Lê Hữu Lộc, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết.

Theo ông Lộc, với quyết tâm tăng giá trị thu nhập, tỉnh Bình Định đang chọn bước đi đột phá: Đưa trực tiếp cá ngừ đại dương sang thị trường Nhật Bản với sự trợ giúp kỹ thuật đánh bắt, kỹ thuật bảo quản của các doanh nghiệp và các địa phương của Nhật Bản.

Vừa qua, được sự hỗ trợ của một số doanh nghiệp thủy sản của Nhật Bản, tỉnh Bình Định triển khai thí điểm mô hình đánh bắt cá ngừ đại dương theo tổ đội 5 tàu cá tại xã Tam Quan Bắc, H. Hoài Nhơn.

Qua đó, hỗ trợ hơn 1,5 tỷ đồng cho 5 tàu cá (mỗi tàu 300 triệu đồng, 200 triệu đồng mua sắm các thiết bị, 100 triệu đồng cho sửa chữa hầm bảo quản theo công nghệ của Nhật Bản). Trong 5 tàu được hỗ trợ đợt này, có một tàu thay phiên nhau đưa cá vào bờ hoặc làm dịch vụ hậu cần cho các tàu khác.

Trước mắt, để ổn định đầu ra cho sản phẩm, UBND tỉnh đã giao công ty CP thủy sản Bình Định chịu trách nhiệm thu mua cá ngừ với giá cao hơn 20% (sau khi bán được giá cao hơn sẽ mua giá cao hơn) xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đảm bảo thời gian từ khi đánh bắt cá đến khi cá có mặt tại Nhật Bản từ 10-12 ngày (giá cá ngừ hiện ngư dân bán từ 70.000-75.000 đồng/kg, giá tại thị trường Nhật Bản từ 250.000 -260.000 đồng/kg).

Hà Minh – Đình Vũ