Tìm lối ra cho ngành vật liệu xây dựng miền Trung - Tây Nguyên

Thứ sáu, 24/04/2015 10:05

(Cadn.com.vn) - Trong khuôn khổ Triển lãm 40 năm thành tựu và phát triển KT-XH TP Đà Nẵng và Quốc tế xây dựng Vietbuild 2015 (từ ngày 22 đến 26-4), BTC đã tổ chức Hội thảo với chủ đề “Phát triển vật liệu xây dựng (VLXD) khu vực miền Trung-Tây Nguyên năm 2015”.

Hội thảo thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên lĩnh vực này cũng như các doanh nghiệp tham gia. Đây được xem là cách tiếp cận xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và tác động của xu thế này đối với ngành VLXD Việt Nam.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Vẫn còn bỏ ngỏ tiềm năng

Miền Trung - Tây Nguyên là vùng đất có nhiều tiềm năng về nguyên liệu sản xuất VLXD như đất sét, cát trắng, cao lanh sunfat, đá vôi, đá granite... Hiện nay, theo số liệu thống kê mới nhất, sản lượng xi- măng giữ ở mức 10 triệu tấn, trong đó có 4 dây chuyền xi-măng lò quay Sông Gianh, Văn Hóa, Đồng Lâm, Thành Mỹ công suất 7 triệu tấn/năm, gạch ốp lát đạt 30 triệu viên/năm, thép đạt 500-1.000 tấn/năm, gỗ MDF đạt 120.000m3/năm được sản xuất trên các dây chuyền công nghệ hiện đại của Châu Âu... Theo kỹ sư Trần Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung-Tây Nguyên thừa nhận, tuy ngành VLXD khu vực nói riêng đã có bước phát triển đáng khích lệ nhưng để đáp ứng được nhu cầu thị trường và phát triển bền vững thì còn nhiều việc phải làm. Đó là, cần phải tập trung nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa trong sản xuất vật liệu.

Trong lĩnh vực ốp lát cần đầu tư sản xuất các loại gạch ốp lát có kích thước lớn, đa dạng chủng loại sản phẩm, màu sắc, có khả năng chống mài mòn cao. Đầu tư đổi mới công nghệ, khai thác đá khối tự nhiên phục vụ sản xuất đá xẻ ốp lát cho tiêu dùng, xuất khẩu; tiếp tục đầu tư phát triển gỗ MDF, đặc biệt là gia công chế biến hậu MDF đủ sản xuất các loại gỗ ốp lát trang trí nội thất. Ông Đính vẫn băn khoăn khi thấy rằng có một thị trường còn bỏ ngỏ, đó là vôi công nghiệp trong khi miền Trung có nguồn đá vôi lớn nhất, nhì cả nước nhưng hiện nay việc đầu tư một dây chuyền sản xuất công nghiệp tiêu chuẩn cao chưa được đầu tư một cách nghiêm túc.

Nhiều ý kiến cho rằng, đối với phát triển gạch xây lát không nung theo chủ trương của Chính phủ và ngành Xây dựng là chủ trương đúng với lý do giảm thiểu được ô nhiễm môi trường, tiết kiệm nguồn đất công nghiệp ngày càng cạn kiệt, tăng chất lượng, hạ giá thành trong các công trình xây dựng bền vững. Thực tế là thời gian qua, ở miền Trung-Tây Nguyên đã có hơn 10 dây chuyền sản xuất gạch không nung với công suất hơn 700 triệu viên tiêu chuẩn/năm ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, TT-Huế, Quảng Ngãi, Đăk Lăk, TP Đà Nẵng... Sản phẩm các nhà máy sản xuất được thị trường chấp nhận, bước đầu tiêu thụ tốt nhưng so với nhu cầu vẫn còn quá ít, cá biệt có địa phương chưa có nhà máy nào sản xuất gạch không nung.

Áp lực hội nhập

Ông Bùi Xuân Lịch, Phó Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung - Tây Nguyên khi đề cập đến tác động của các Hiệp định thương mại tự do đến ngành VLXD Việt Nam đã nhấn mạnh rằng, năm 2015, Việt Nam cam kết giảm 93% số dòng thuế có mức thuế 0% và 7%. Hầu hết tất cả các mặt hàng sắt, thép và các sản phẩm làm bằng sắt hoặc thép thuộc chương 72, 73 thuế nhập khẩu là 0%, một số mặt hàng áp dụng thuế suất 5% từ năm 2015 đến 2017, sau đó năm 2018 sẽ trở về 0%. Cơ hội là vậy nhưng ông Lịch cũng nêu ra một số thách thức. Đó là, thực trạng cung vượt cầu, tranh mua tranh bán trong nước; tiềm lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, chưa đầu tư được các thiết bị tốt so với các nước láng giềng; chất lượng sản phẩm VLXD nội địa bị hàng ngoại áp đảo trên thị trường nhà.

Đối với các doanh nghiệp, nhiều ý kiến cũng đã tập trung làm rõ thêm cơ hội cũng như thách thức đặt ra cho ngành VLXD. Giám đốc Cty TNHH máy, thiết bị xây dựng Hồng Phát Sơn Đông Lê Minh Đức cho biết, đơn vị ông đã sản xuất từ 10 đến 21 loại máy xây dựng và sản xuất gạch tiêu thụ trong nước và xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Ông khẳng định mục tiêu của Cty là “Dùng chất lượng để làm nên thương hiệu, dùng phục vụ để nâng cao thương hiệu”.

Bà Trần Xuân Lan, Tổng Giám đốc Cty CP Secoin Đà Nẵng với 26 năm kinh nghiệm đã chia sẻ và thông tin về hệ thống 6 nhà máy sản xuất gạch, ngói không nung lớn nhất Việt Nam với thiết bị hiện đại và là một trong số ít đơn vị góp phần tạo ra ngành công nghiệp VLXD không nung trong nước. Ngược lại, ông Phạm Minh Đức, Giám đốc Cty CP Thiết bị Cơ khí Thần Tháp Việt Nam đã giới thiệu về dây chuyền sản xuất gạch không nung xi-măng cốt liệu. Cty TNHH MTV Hợp Quốc nêu kinh nghiệm và những ưu điểm vượt trội khi sử dụng gạch không nung công nghệ tĩnh so với gạch nung...

Nói như kỹ sư Trần Xuân Đính, hội thảo lần này đã mở ra cơ hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, đặc biệt là đối với những công nghệ sản xuất gạch không nung và những công nghệ sản xuất VLXD hiện đại và cao cấp khác. Đây còn là cơ hội tạo mối liên kết, giao thương giữa các doanh nghiệp nhằm khích lệ, động viên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nắm bắt, mạnh dạn đầu tư, đưa ngành VLXD miền Trung-Tây Nguyên đổi mới, phát triển một cách bền vững.

Phương Kiếm