Tìm sinh kế cho người dân sau thảm họa môi trường

Thứ tư, 13/07/2016 09:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 12–7, tại TT Cửa Việt (H. Gio Linh), Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Chính chủ trì Hội nghị bàn biện pháp chuyển đổi sinh kế cho nhân dân tại 16 xã, thị trấn vùng biển Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng bị ảnh hưởng sau sự cố cá biển chết bất thường.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính nhấn mạnh yêu cầu giải pháp đưa ra phải có tính bền vững, phù hợp với từng địa bàn, khu vực. Trước ngồn ngộn khó khăn hiện nay, đổi nghề gì, trồng cây nào, nuôi con gì... không phải là bài toán dễ, nhất là khi tâm tư của người dân đa phần không muốn ly hương, nguyện vọng mãi bám biển. Vậy cơ hội nào cho họ?

CAH Vĩnh Linh ủng hộ, đóng góp 60 triệu đồng hỗ trợ ngư dân sau thảm họa môi trường. 

Quảng Trị có hơn 8 ngàn hộ dân với gần 45 ngàn nhân khẩu bị ảnh hưởng sau thảm họa môi trường. Số tàu thuyền bị ảnh hưởng là 2.829 chiếc, trong đó tàu khai thác ven bờ là 2.628 chiếc với hơn 10 ngàn lao động. “Chúng tôi đời nối đời bám biển, đang bàn tính cải hoán nâng công suất tàu để vươn khơi xa, hiện đã có chủ trương hỗ trợ, chúng tôi sẽ mạnh dạn đầu tư”, ngư dân Nguyễn Văn Độ (trú TT Cửa Việt) bày tỏ. Trước mong muốn này của nhiều ngư dân, ông Võ Văn Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT Quảng Trị cho biết mục tiêu từ nay đến năm 2020 sẽ chuyển đổi 50% tàu thuyền khai thác công suất dưới 90CV lên trên 90CV và đóng mới thêm 100 tàu cá khai thác trung bờ và xa bờ.

Thực hiện theo phương án trên, các hộ đóng mới tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần phục vụ hoạt động khai thác hải sản có công suất từ 90CV trở lên được hỗ trợ 1 lần bằng 50% giá trị tàu đóng mới. Thời gian thực hiện từ ngày 1-7-2016 đến 30-6-2019. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân cải hoán tàu khai thác lên trên 90CV, được hỗ trợ 2 triệu đồng cho 1 CV tăng thêm. Thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu cá có công suất 90CV trở lên được hỗ trợ 100% cho phí đào tạo cấp chứng chỉ; nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho tàu khai thác xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ và bảo hiểm tai nạn cho thuyền viên đối với tàu công suất 90CV trở lên.

Tuy nhiên, không phải ngư dân địa bàn ven biển nào cũng thuận lợi để cải hoán, nâng công suất tàu. Theo ông Ngô Thế Thanh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thái, địa bàn có 85% hộ dân đánh bắt ven bờ, không có tàu đánh bắt xa bờ, thì hiện mới có 8 trường hợp đề xuất đăng ký để hỗ trợ cải hoán tàu. Ngư dân không mặn mà là có lý do bởi Vĩnh Thái chưa có nơi neo đậu tàu công suất lớn, nếu di chuyển đến nơi khác sẽ chi phí tốn kém nhưng họ cũng không muốn ly nông, ly hương. Vậy cơ hội nào cho nhân dân Vĩnh Thái? Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND H. Vĩnh Linh cho biết tại địa bàn Vĩnh Thái đã quy hoạch cho du lịch 508 ha, huyện sẽ chuyển đổi một phần sang quy hoạch sản xuất trồng trọt, áp dụng công nghệ tưới thông minh trên vùng đất cát, qua đây đẩy mạnh xu hướng du lịch xanh.

Cá được đánh bắt ngoài 20 hải lý về cảng Cửa Việt.

Bên cạnh đó, H. Vĩnh Linh đã chủ động trong tìm sinh kế, tổ chức cho ngư dân tham quan các tỉnh phía Bắc để học hỏi các mô hình trồng trọt, sản xuất. Từ đây, ngư dân tỏ ra phấn khởi, có thể áp dụng ngay tại địa bàn mình. Nuôi trồng thủy sản, cụ thể là tôm thẻ chân trắng hay phát triển mô hình trang trại chăn nuôi, đầu tư các loại cây giá trị kinh tế cao hứa hẹn mở ra cho ngư dân những cơ hội phát triển bền vững tại Triệu Phong và Hải Lăng. Bà con làm trang trại sẽ được vay tối đa 200 triệu đồng/ trang trại với lãi suất ưu đãi 0%, thời hạn vay tối đa là 5 năm. “Ngay cả giống cũng được hỗ trợ, chính vì rứa bà con tui thấy hấp dẫn với kế hoạch mở trang trại, không cần phải rời xa quê hương”, ngư dân Hồ Thanh Hồng chia sẻ. “Vấn đề vốn đầu tư đã được tháo mở, ngư dân mạnh dạn hay không mà thôi”, ông Thanh nói thêm. Tại hội nghị, Tổng công ty Thương mại Quảng Trị cũng giới thiệu mô hình sản xuất trồng sả trên cát, thêm một lối đi nhiều hứa hẹn cho nhân dân.

Một nhân tố khác không thể bỏ qua chính là thu hút đầu tư, mở rộng vào các KCN trên địa bàn để mở ra nhiều việc làm cho nhân dân. Lao động tại chỗ đáp ứng tốt nhu cầu cho nhiều nhà máy may mặc, chế biến thủy sản... điều đó đã được chứng minh thời gian qua. “Cũng cần kích cầu cho ngành du lịch, dịch vụ bãi biển để giải thoát sự “thầm lặng” thời gian qua”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Mặc dù đổi nghề là chuyện hệ trọng, khó khăn của đời ngư dân song với phẩm chất kiên cường, chịu khó của người Quảng Trị cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành, bà con sẽ chọn được những ngành nghề phù hợp. Vượt qua hoang mang do thảm họa môi trường, đến nay người dân Quảng Trị đã bắt đầu vững tin nắm bắt cơ hội đang đến.

Bảo Hà