“Tín dụng đen” bủa vây buôn làng (Kỳ 2: Mất đất, mất bò vì... cái ăn)

Thứ ba, 17/04/2018 17:00

Khi chấp nhận vay kiểu “tín dụng đen”, người dân không hay biết rằng đã rơi vào “hố sâu” nợ nần khó mà rút chân ra được. Không chỉ vay nợ để sản xuất mà vay vì cái ăn cho gia đình nhưng tài sản trong nhà cứ “đội nón đi” vì khoản lãi suất nên tương lai của họ rơi vào cái vòng luẩn quẩn “vay - trả, trả - vay và nợ chồng nợ”.

Ông Nay Nam vẫn phải đi vay gạo để ăn sau khi đã gán cả đất rẫy và bò.

Nợ chồng nợ

Tìm đến nhà ông Nay Nam (trú buôn Ơi Múi, xã Chư Gu, H. Krông Pa, Gia Lai) cũng là lúc ông từ nhà chủ nợ trở về sau khi vay thêm 2 bao gạo. “May lắm 2 bao gạo này đủ cho 10 miệng ăn của gia đình trong tháng này. Mình cứ vay đã, có ăn mới sống chứ, còn nợ thì cứ nợ tiếp đã” - ông Nam buồn rầu. Ngồi ôm gối nơi góc nhà, H’Chuông (con gái ông Nam) kể: Mình có vay chủ nợ 4 triệu đồng để trang trải chi phí sinh hoạt cộng với số tiền nợ mà bố mình đã vay để đầu tư vào cây mỳ. Cộng cả gốc và lãi đến nay số tiền nợ đã gần 200 triệu đồng. Gia đình mình gán hơn 4.000m2 đất rẫy nhưng cũng không đủ nên đầu năm nay chủ nợ đã siết thêm 9 con bò. “Nhà mình giờ chẳng còn gì nữa, bò cũng hết rồi, năm nay mà không trả hết nợ chắc người ta lấy mất căn nhà này” - H’Chuông bật khóc.

Không chỉ gia đình ông Nay Nam đã cơ cực càng cơ cực hơn khi vay “tín dụng đen”, gần đó là căn nhà xiêu vẹo của Nay Chua, đã mấy con trăng này bếp không đỏ lửa. Bởi sau khi bị chủ nợ đến dắt mất con bò, Nay Chua phải bán tháo 7 sào mỳ đang xanh tốt lấy tiền trả nợ rồi cùng vợ lên núi tìm đất làm rẫy, 3 đứa con nheo nhóc gửi lại cho người em gái chăm. Nguyên do cũng bắt đầu từ việc vay gạo ăn dần chờ đến vụ thu hoạch mỳ rồi trả. Thế nhưng, đến nay số tiền đã lên đến 100 triệu đồng. Tương tự, cũng ở buôn Ơi Múi này, hộ anh Ksor Phú vay 59 triệu đồng, bị chủ nợ đến dắt đi 3 con bò, anh này trốn lên rẫy và ở luôn trên đó, đến nỗi chủ nợ phải gửi đơn nhờ xã can thiệp. Hay như trường hợp của gia đình ông Rmah Rit trước đây cũng bị siết 4 con bò vì trót vay vài bao gạo, đến thời vụ chưa kịp trả. Từ phản ánh của người dân và qua tìm hiểu của P.V, buôn Ơi Múi có 185 hộ thì có đến hơn 100 hộ đang là con nợ.

Cũng vay để sản xuất và mua nhu yếu phẩm hằng ngày, gia đình ông Nay Phim (buôn H’Ngôm, xã Chư Đrăng, H. Krông Pa) rối bời vì món nợ chồng nợ. Ông Phim buồn rầu: “Gia đình tôi vay tiền để mua gạo, mắm muối, phân bón, tiền cày đất. Mỗi năm chưa kịp trả hết, chủ nợ tính lãi suất gấp đôi nên mãi không trả nổi. Giờ đây, chủ nợ đã siết 4ha đất, giờ gia đình phải đi làm thuê kiếm sống trong khi nợ vẫn chưa trả hết”. Gần đó, vợ chồng ông Nay Moa ứng tiền mua gạo, mắm muối, tiền cày từ 25 triệu đồng ban đầu, sau 5 năm không trả được, gia đình anh bị chủ nợ cộng gộp tính tiền gốc lẫn lãi lên đến 110 triệu đồng và bị siết hơn 1ha đất rẫy.

Ông Ksor Nhói - Trưởng CAX Chư Gu, nhận định: Đây là kiểu kinh doanh trá hình. Đầu tiên, họ cho người dân lấy gạo ăn rồi đến cuối vụ quy ra tiền, nếu không trả được thì 1 bao gạo trị giá 500 ngàn đồng tăng lên thành 1 triệu đồng, chủ nợ bắt người dân ký nhận vay 1 triệu đồng. “Tính từ lúc trồng mỳ đến khi thu hoạch, nhà đông người sẽ ăn hết 10 bao gạo (khoảng 7 triệu đồng), cộng thêm việc ứng phân bón, mượn tiền lúc ốm đau, rồi lãi mẹ đẻ lãi con, người dân không trả nổi, dồn thành một cục nợ. Nhiều gia đình phải bỏ rẫy, khó lại càng khó, không lối thoát” - ông Nhói nêu thực tế.

Chị H’Chuông (con gái ông Nam) tính những khoản nợ mà chưa biết đến bao giờ trả nổi.

Căn nhà của vợ chồng Kpă Lah, một trong số nạn nhân bị lừa vay vốn sang nhượng bìa đỏ.

Bị chủ nợ chiếm đoạt cả đất

Cũng từ việc đi vay mượn, một số hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở xã Hbông (H. Chư Sê, Gia Lai) đã bị chủ nợ “bày trận” rồi chiếm đoạt luôn cả đất... Để có thêm khoản tiền trang trải cho gia đình, đầu tư sản xuất và trả khoản vay ngân hàng trước đó, ông Kpă Lah (làng Kte 2, Hbông) đã vay của bà Nguyễn Thị Thu (thôn Ia Sa, xã Hbông) 65 triệu đồng với thời hạn 5 năm, lãi suất 9.000 đồng/triệu/tháng. Bà Thu ra điều kiện ông Lah phải đưa giấy chứng nhận quyền sử dụng đất gồm 1,5ha đất vườn, rẫy và sau đó đến Văn phòng công chứng lăn tay vào giấy tờ cho mượn thì mới giao tiền. Thế nhưng, ông Lah không hề hay biết rằng đã xác nhận vào giấy chuyển nhượng toàn bộ đất cho bà Thu.

Tương tự, ông Rmah Ưih (làng Kte 2) cũng chẳng chút do dự khi giao giấy tờ mảnh đất hơn 3,2ha cho bà Thu để vay 40 triệu đồng, lãi suất 9.000 đồng/triệu/tháng. Ông Ưih cho hay, bà Thu cũng cho người chở vợ chồng ông lên Văn phòng công chứng ở TT Chư Sê để làm thủ tục lăn tay trước khi nhận tiền. Giờ đây, cũng như ông Lah, mảnh đất của ông Ưih đã... thuộc quyền sở hữu của bà Thu, dù ông vẫn còn giữ tờ giấy viết tay ghi nhận nội dung bà Thu có giữ bìa đỏ đất của ông, trong đó ghi rõ thời hạn trả lãi vay là 6 tháng.

Theo Thiếu tá Đỗ Văn Chính - Đội trưởng Đội CSĐTTP về Kinh tế - Ma túy CAH Chư Sê: Từ tháng 7-2016, Nguyễn Thị Thu và Nguyễn Thị Hồng (trú tổ dân phố 5, TT Chư Sê, em ruột của bà Thu) cho vay tiền bằng hình thức thế chấp bìa đỏ, nhưng thực chất là lừa chuyển nhượng đất của 16 hộ dân trên địa bàn xã Hbông. Trong số này, có 12 bìa đỏ của các hộ dân đã hoàn thành thủ tục sang tên đổi chủ cho bà Nguyễn Thị Thu và nhiều người khác (được nhờ đứng tên). CQĐT xác định, đã có 5 bìa đỏ của các hộ ông: Kpă Lah, Kpă Diang,  Rmah Thân, Ksor Đôn, Ksor Huen sau khi sang qua tên người khác đã bị bà Thu đem giấy tờ thế chấp ngân hàng vay 4,45 tỷ đồng. Mặc dù các mảnh đất nói trên đã không còn thuộc quyền sở hữu của những người dân này nhưng họ vẫn phải nai lưng ra làm để trả lãi vay cho bà Thu theo mức cam kết 0,9%/tháng.

May mắn, vụ việc được sớm phát hiện và tố cáo của người dân, qua quá trình điều tra, CQĐT CAH Chư Sê đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà Nguyễn Thị Thu để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Hiện toàn bộ hồ sơ đã được chuyển lên Văn phòng CQĐT CA tỉnh Gia Lai để xử lý theo thẩm quyền.

(còn nữa)

M.TÂN - M.TRIỀU

Theo kết quả khảo sát “Tình hình cho thuê, chuyển nhượng đất sản xuất trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” ngày 24-11-2017 của HĐND tỉnh Gia Lai, có 2.433 hộ đồng bào DTTS chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 1.126ha và 2.000 hộ cho thuê đất sản xuất với diện tích 1.847ha. Vì vậy, phát sinh tình trạng một bộ phận người dân tại chỗ thiếu đất sản xuất, trở thành người làm thuê hoặc phải phá rừng làm rẫy.