Tình hình trước cuộc chiến

Thứ tư, 05/05/2010 00:00

(Cadn.com.vn) - LTS: Nhân kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9- 5- 2010), Ngài Yu.Materiy – Tổng Lãnh sự quán Nga tại Đà Nẵng đã viết riêng cho Báo Công an TP Đà Nẵng loạt bài nói về thắng lợi quan trọng này của nhân dân Liên Xô trước đây (nước Nga ngày nay) trước chủ nghĩa phát xít Đức.

Ngày 9-5 hằng năm trở thành ngày lễ kỷ niệm quan trọng mang ý nghĩa tượng trưng sâu sắc của toàn thể nhân dân Nga với Chiến thắng Vệ quốc Vĩ đại trong Thế chiến thứ II.

Đây là dịp để mọi người hồi tưởng những sự kiện bi thảm dẫn đến thảm họa có quy mô lớn nhất thế giới, để thấu hiểu nguyên nhân gây ra cuộc chiến tranh thế giới thứ II và những bài học kinh nghiệm. Ngày này còn là dịp để tôn vinh chiến công của những người chiến thắng, để nghiêng mình trước hàng chục triệu người lính, sĩ quan của khối liên minh chống Hitler đã hy sinh.

 Trong ảnh: Ngoại trưởng Liên Xô Molotov ký Hiệp ước Xô - Đức không tấn công lẫn nhau với người đồng cấp Đức Ribbentrop (đứng sau lưng). Ảnh: Wikipedia

Nguyên nhân xảy ra Thế chiến II có thể kể đến: việc xây dựng thiếu hoàn chỉnh của Hòa ước Versailles, đã đặt nước Đức vào thế cô lập và bị hạ thấp; hậu quả khủng hoảng kinh tế thế giới năm 1929-1932. Phương tiện đơn giản nhất nhằm giải quyết vấn đề là chiến tranh. Ngoài ra, bản chất hiếu chiến của chủ nghĩa quốc xã, mà các nhà lãnh đạo Châu Âu đã không nhận ra hoặc cố tình không muốn nhận ra và dung túng cho những kế hoạch xâm lược của Đức, Italia và Nhật. Trong khi đó, bầu không khí thiếu tin cậy và ngờ vực lẫn nhau đang ngự trị lúc đó ở Châu Âu đã tạo điều kiện cho việc triển khai các kế hoạch của Đức quốc xã.

 Ông Yu.Materiy

Kết quả là, thay vì cùng nhau đánh trả kẻ thù, các nước Châu Âu chỉ mải lo cho những quyền lợi hẹp hòi của mình. Chính cách đó đã dung túng những kế hoạch xâm lược của Hitler và Mussolini. Trước chiến tranh, chính sách đối ngoại của Liên Xô là một bộ phận của sự chắp nối chính trị Châu Âu. Hòn đá tảng của chính sách này là hướng tới hình thành sự đối phó chung với quân xâm lược và tổ chức hệ thống an ninh tập thể.

Tuy nhiên những nỗ lực này không được các nước phương Tây - những nước đã đi theo con đường “vỗ về” Đức hưởng ứng. Đỉnh điểm của chính sách dung túng quân xâm lược là Hội nghị 4 bên tại Munich (Đức) từ ngày 29 và 30-9-1938 ra “Hiệp định Munich” quyết định: 1/5 lãnh thổ Tiệp Khắc cũ (Cộng hòa Czech hiện nay) cùng với gần 1/4 dân số nước này thuộc về Đức. “Hiệp định Munich” trở thành sai lầm chiến lược của Anh và Pháp, một minh chứng của sự bất lực và thảm bại hoàn toàn về chính sách của những nước này trước sự ngày càng lớn mạnh của xâm lược.

Thế chiến thứ II để lại nỗi đau đớn và xót xa vô hạn cho toàn thể các dân tộc Châu Âu và toàn thế giới. Để giành thắng lợi trong cuộc chiến chống Đức quốc xã, tất cả đã thực sự phải trả giá quá lớn. 72 quốc gia đã bị lôi cuốn vào cuộc chiến. Hơn 55 triệu người đã hy sinh, trong đó có 27 triệu người dân Liên Xô.
Trước bối cảnh đó, Moscow phải đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Mùa hè năm 1939, lãnh đạo Liên Xô nắm tin về kế hoạch và thời gian Đức tấn công Ba Lan. Điều đó có nghĩa là quân Đức khi tiến công vào Ba Lan đã không vấp một cản trở nào để có thể tiến đến biên giới Liên Xô, trực tiếp tăng nguy cơ chiến tranh đối với Moscow.

Khi thực tế lâm vào tình huống một chọi một với Đức, Liên Xô buộc phải tìm kiếm những con đường tối ưu nhất nhằm đảm bảo an ninh và đưa ra những quyết định phù hợp. “Hiệp ước Xô - Đức” không tấn công lẫn nhau ký ngày 23-8-1939, cũng như Biên bản phụ lục bí mật về việc phân chia các lĩnh vực về quyền lợi đã thành một bước bắt buộc đối với Liên Xô, cũng như các phản ứng đối với các cuộc tiếp xúc Đức – Ba Lan trong năm 1938, đầu năm 1939. Hiệp ước cho phép Nga được thêm gần 2 năm để củng cố khả năng quốc phòng và chuẩn bị cho cuộc đụng độ quân sự với Đức.

Biên giới phía Tây của Liên Xô đã bị đẩy lùi vào trung bình thêm 300km. Trong khi đó, Anh và Pháp cũng đã có những hiệp ước tương tự với Đức.

(còn nữa)
Tổng Lãnh sự Nga tại Đà Nẵng
YU.MATERIY