Tình huynh đệ ở núi Ngũ Hành

Thứ ba, 10/11/2020 18:57

CCB Mai Thanh Đông - nguyên Chủ tịch UBMTTQVN Q. Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) là người có duyên với hai nhà văn chiến trường Chu Cẩm Phong và Nguyễn Chí Trung. Đặc biệt với Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, ông có tình huynh đệ lâu bền, hiếm có.

CCB Mai Thanh Đông bên kỷ vật Lời tuyên thệ ra quân của Đội Quyết tử (được phục chế), trưng bày tại nhà truyền thống Hòa Hải (tháng 3-2019).

Nhân vật trong cuốn nhật ký

Là người một thời nổi tiếng, gắn liền với Đội Quyết tử trụ bám của xã Hòa Hải, cựu Đội trưởng khiêm nhường khi kể về mình nhưng lại dễ xúc động khi nhắc đến hai cố nhà văn chiến trường mà ông được vinh dự gặp gỡ, công tác.

Sau Tết Kỷ Dậu, tháng 2-1969, hai nhà văn Chu Cẩm Phong và Nguyễn Chí Trung về thâm nhập Khu 3 - Hòa Vang trong giai đoạn khó khăn, gian khổ nhất của cuộc cách mạng. Khu 3 lúc này có 6 xã. Một phần ba dân số bị địch kiểm soát, còn lại sống trong vùng tranh chấp giữa ta và địch. Chúng xúc dân vào các khu dồn, kiểm soát ráo riết, hòng cắt mọi nguồn liên lạc với “Cộng sản”. Toàn bộ chiến trường Khu 3 còn vỏn vẹn khu rừng Trà Lộ, chừng 5ha nhưng có lúc giấu cả trung đoàn quân giải phóng. Làm sao để kéo nhân dân về làng cũ, vừa sản xuất vừa bảo vệ cách mạng? Đó là lý do “Đội Quyết tử trụ bám” ra đời làm nòng cốt vận động. Đảng bộ Khu 3 và Hòa Hải chọn Mai Thanh Đông, hay gọi là Tám đang là cán bộ văn phòng Khu 3 kiêm Phó Bí thư Đoàn xã Hòa Hải làm Đội trưởng. Điều thú vị là trong nhật ký của Chu Cẩm Phong, để giữ bí mật, Mai Thanh Đông được viết là Rụ. Đội có 53 thành viên, trong đó hơn một nửa là thiếu niên độ tuổi từ 10-15: Đây là những dòng trong nhật ký còn lưu lại: “Thứ Hai 31-3-69: Buổi lễ tuyên thệ ra quân của các đội Trung dũng đi đầu diệt Mỹ của vùng 5. Có ba đội, một đội của thiếu nhi do Rụ làm đội trưởng, Re làm đội phó, đội của thanh niên do N. làm đội trưởng, đội của lão thành mẹ chị do bác Lộ làm đội trưởng.

Lời tuyên thệ ra quân của các đội chiến sĩ bám trụ viết bằng mực đỏ trên vải dù trắng.

1- Sống thì sống trên đất Hòa Hải, chết thì chết trên đất Hòa Hải, trên góc giang sơn mà Đảng giao trụ bám.

2- Khắc sâu mối thù với giặc Mỹ và bọn tay sai, quyết đánh đến cùng, mỗi ngày ít nhất phải tiến công chúng một trận.

3- Không sợ hy sinh, không sợ ác liệt, dù gian khổ tra tấn, tù đày cũng quyết giữ trọn lòng trung với Đảng, chí hiếu với dân.

4- Đoàn kết một lòng sống chết có nhau, tình sâu nghĩa nặng.

Phía dưới các chiến sĩ bám trụ ký tên. Ký đầu tiên là các em thiếu nhi, sau đó đến các bà, các cụ. Các ông ký bằng chữ Hán, các bà và các em bé như thằng Cu lăn tay…”.

Trong ký ức của ông Mai Thanh Đông, đó là buổi chiều lịch sử không thể nào quên. Đội Quyết tử trụ bám tổ chức lễ tuyên thệ tại nhà mẹ Chàng ở vùng 5. Đội trưởng Tám là người đứng lên đọc 4 lời thề này. Hai nhà văn Chu Cẩm Phong và Nguyễn Chí Trung đều có mặt. Lời tuyên thệ do nhà văn Nguyễn Chí Trung trực tiếp viết. Và cũng chính ông mang tấm dù được ký bằng máu ấy ra miền Bắc báo cáo với Bác Hồ và được Quân đội lưu giữ trang trọng.

Những ngày ở Khu 3, hai nhà văn thi thoảng đến ăn cơm gia đình nhà ông Tám. Khi biết Nguyễn Chí Trung không còn cha mẹ thân thích, mẹ ông Tám đã nhận nhà văn làm con nuôi và muốn con trai mình kết nghĩa huynh đệ. Cố nhà văn đã tổng hợp thành tích để Đội thiếu niên xã Hòa Hải (nay là phường, thuộc Q. Ngũ Hành Sơn) được Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam tặng Huân chương Giải phóng hạng Nhất (5-1969) và cán bộ, nhân dân Hòa Hải được tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVTND đầu tiên của tỉnh Quảng Đà (11-1969).

Ân tình trọn đời

CCB Mai Thanh Đông kể rằng, sau 5 tháng ở Khu 3, hai nhà văn chiến trường vào Quảng Nam và Chu Cẩm Phong đã hy sinh hai năm sau đó. Cuốn “Nhật ký chiến tranh” với những câu chuyện về Hòa Vang, trong đó có Mai Thanh Đông càng làm cho cựu Đội trưởng thêm bồi hồi mỗi khi lật từng trang sách. Ông nói: “Tôi vẫn nhớ như in những ngày anh Phong trụ bám. Một con người can trường, cứ lao vào nơi hòn tên mũi đạn. Tiếc là, những nhân vật của Chu Cẩm Phong viết hầu hết đã hy sinh, một số hiện nay đã qua đời vì tuổi già sức yếu. Riêng 53 đội viên Đội Quyết tử còn chưa đến 10 người. Hàng năm vào ngày giải phóng Đà Nẵng, anh chị em đều đến dâng hương tại Đài tưởng niệm và ôn lại chiến công. Năm 2019, Ban liên lạc truyền thống đã có buổi gặp mặt cảm động kỷ niệm 50 năm lịch sử”.

Dẫn khách đến Khu tưởng niệm Đội Quyết tử trụ bám; nhà truyền thống Khu 3 và nhà truyền thống Hòa Hải, ông Mai Thanh Đông tự hào về cơ ngơi vô giá này và cho biết thành quả này có công lớn của Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung. Quả thật, một quần thể quá hữu tình. Khuôn viên rộng rãi, các hạng mục đều được xây dựng trang trọng, bề thế. Phía trước là sông Cổ Cò mát xanh, gió lộng. Cựu Đội trưởng Đội Quyết tử bồi hồi: “Anh Trung có hai lần gặp mặt đáng nhớ với các đội viên và bà con Hòa Hải. Đó là mấy tháng sau giải phóng, anh đưa tiền cho tôi mua con heo liên hoan với bà con trong Đội và thức trọn một đêm náo nhiệt bên núi Ngũ Hành. Lần thứ hai anh về thăm với cương vị Thiếu tướng và bắt tay cùng địa phương xin lãnh đạo thành phố Đà Nẵng làm đài tưởng niệm Đội Quyết tử”. Nói là làm, với sự hỗ trợ của địa phương và các ban ngành, quần thể khu tưởng niệm được xây dựng như mong đợi. Năm 2014, nhà văn đã về chụp ảnh chung với mọi người tại đây và đó cũng là lần cuối cùng của ông.

Ngăn dòng lệ chực trào, CCB Mai Thanh Đông nghẹn ngào kể về giây phút cùng Huỳnh Văn Hết, cựu thành viên Đội Quyết tử, tiễn biệt nhà văn Nguyễn Chí Trung đi xa. Đó là ngày 11- 6-2016: “Từ khi anh Trung bệnh nặng cho đến khi anh mất, suốt hai năm, tôi nhiều lần bay ra Hà Nội, sau này là vào thành phố Hồ Chí Minh thăm anh. Tôi - đứa em kết nghĩa đã trọn vẹn cùng anh chặng đường gần 50 năm đáng nhớ”.

Hồi sinh sau trận ốm dài, ở tuổi 72, cựu Đội trưởng Mai Thanh Đông cho rằng, ông quá may mắn khi được sống và chứng kiến sự đổi thay hàng ngày của quê hương và càng biết ơn các nhà văn đã sống và chiến đấu trên chiến trường Hòa Hải năm xưa. 

HỒNG VÂN