Tình người lấp lánh

Thứ bảy, 26/04/2014 11:00

(Cadn.com.vn) - Ngôi nhà của ông Trần Minh (55 tuổi, tổ 5, thôn Thuận Yên Đông, xã Tam Sơn, H. Núi Thành, Quảng Nam) trở thành ngôi nhà chung của những người già cả, tàn tật trong thôn... Ở đó, tình người ấm nồng nơi sơn cước lạnh lẽo.

Một lần “liều”

Người dân vùng núi Tam Sơn vẫn nhớ thân phận quá đỗi u buồn của cụ ông nghiện rượu Nguyễn Nẫm. Nhà cụ Nẫm ở thôn Thuận Yên Đông (xã Tam Sơn), cụ không vợ không con, họ hàng thân thích đều vô Nam lập nghiệp, cụ không có nổi một miếng đất cắm dùi. Mỗi ngày, cụ kiếm ăn bằng cách tới từng nhà, bảo với chủ nhà hãy cho tôi rượu để uống và cơm để ăn, tôi sẽ trả công bằng cách chủ nhà hãy sai bất cứ chuyện gì cho tôi làm. Cứ vậy, cụ lê lết suốt các nẻo đường Tam Sơn để độ nhật. Nhưng, qua thời gian, cụ ngày càng yếu, chuyện vặt cũng khó làm nổi.

Khổ nhất là trong những tháng đông, việc đồng áng rảnh rỗi, ít nhà nào có chuyện để  cụ làm. Một lần, chừng năm 1995, cụ Nẫm mò mẫm vô nhà ông Minh. Thấy thân hình rách rưới tiều tụy của cụ, ông Minh đề nghị cụ ở lại nhà ông để ông nuôi, cho ăn và cho uống rượu. Ông Minh còn nhớ ánh mắt ái ngại của vợ khi ông đề nghị chuyện này. “Nhưng rồi vợ tôi cũng liều như tôi, đồng ý. Ngày hôm sau tôi đem cụ về”, ông Minh nói.

Người ta bảo ông Minh đã “liều” khi nhận nuôi cụ Nẫm. Bởi, như nhiều người dân Tam Sơn, gia đình ông làm nông chỉ với 2 sào ruộng và một ít rẫy trồng quế; lại lo cuộc sống 1 mẹ già, 1 vợ, 3 đứa con đang ăn học. Những năm tiếp theo khi ông nhận nuôi thêm nhiều cụ già nữa, lắm lúc phải chạy vạy khắp nơi để lo tiền thuốc thang, độ nhật...

Ông Minh bên cụ bà (bị mù và liệt chân) Hồ Thị Bé.

“Cuộc sống vốn công bằng”

Một chiều cuối đông năm 1997, khi đã nuôi cụ Nẫm được 2 năm, một cụ bà mù lòa đến gõ cửa nhà ông Minh xin ông... xây cho bà một căn nhà, bởi nhà bà vừa bị bão cuốn sạch. Cụ bảo nghe mọi người nói ông nuôi cụ Nẫm, mà nếu nuôi được cụ Nẫm thì sẽ... xây được nhà cho mình. Cụ bà mù này tên là Hồ Thị Bé, nhà ở thôn Đức Phú (xã Tam Sơn), cũng sống cô độc, không họ hàng thân thích, bắt ốc hái rau sống qua ngày. Kiếm đâu ra tiền để xây nhà? Ông Minh nghĩ: nuôi thêm một người nữa, có sao đâu? Ông làm thiệt. Từ đó, cái nghĩ suy tìm những người già cả, cô độc đem về nuôi như ám ảnh. Ông không chờ người khác tới nhà mình xin nữa, mà tự đi kiếm người.

2 năm sau, năm 1999, ông “kiếm” được cụ bà Nguyễn Thị Đích. Nhà cụ ở thôn Phú Hòa (Tam Sơn), cũng cô độc, không chồng không con. Như vậy, từ năm 1999, gia đình gồm 6 nhân khẩu của ông Minh có thêm 3 nhân khẩu; ông chuyển hộ khẩu các cụ về hộ mình, coi như người trong nhà, làm chung, ăn chung, ở chung. Lắm lúc ông chạy vạy khắp nơi để nuôi sống cái gia đình đông đúc. Khác máu nhưng không tanh lòng. Trong những tiếng xưng hô “ông”, “bà” ngỡ vô tình nhưng là cả một sự tận tụy, ông đã coi các cụ như cha mẹ. “Gia đình tôi vẫn sống bình thường đấy thôi. Giúp người thì mình sẽ được may mắn. Cuộc sống vốn công bằng lắm”, ông Minh nói.

Năm 2007, trong một lần em và cháu của ông Nẫm từ Bà Rịa Vũng Tàu về Tam Sơn thăm quê, đã đưa cụ Nẫm về Vũng Tàu nuôi dưỡng. Trong thời gian cụ Nẫm ở Vũng Tàu, ông Minh nhiều lần vô thăm. Cụ Nẫm mất ở Vũng Tàu năm 2009, khi đã 84 tuổi. Còn bà Đích thì mất năm 2008, khi 85 tuổi. Vậy là, trong số 3 cụ già mà ông Minh chăm sóc, giờ chỉ còn lại cụ Bé (82 tuổi). Cầm những muỗng cháo đút cho cụ Bé nằm liệt giường, ông Minh nói rằng, cách 2 năm, cụ bị té liệt chân, nhưng với độ tuổi 80 của cụ, bác sĩ bảo không thể chữa lành được. Tận mắt chứng kiến cảnh chăm sóc một người già bệnh tật mới thấm thía được sự vất vả, không chỉ một ngày, mà nhiều tháng, nhiều năm.

Thế nhưng, ông Minh vẫn định “kiếm” thêm người. Người mà ông Minh sắp nhận nuôi là anh Nguyễn Tấn Định (52 tuổi, tổ 6, thôn Thuận Yên Đông, Tam Sơn) và mẹ của anh là bà Nguyễn Thị Sương (87 tuổi). Anh Định bị cụt hai tay, mù hai mắt, mót củi bán kiếm tiền để nuôi mình và nuôi mẹ già. 2 năm trước, khi anh Định có ý định bán đất, ông Minh đã mua đất nhưng mua xong thì cho không lại anh Định. Còn bây giờ, ông Minh nói:  “Tôi phải nuôi họ thôi, chứ họ khổ quá rồi, tay cụt mắt mù làm được gì trên đất ấy”.

Mai Thành Dũng