Tinh thần Gạc Ma

Thứ năm, 13/03/2014 09:20

(Cadn.com.vn) - Phải nhiều lần hẹn, tôi mới gặp được anh Nguyễn Văn Tấn, Trưởng ban liên lạc cựu chiến binh bộ đội Trường Sa – Đà Nẵng. Bởi những ngày tháng ba này, anh tất bật với bao nhiêu việc: tổ chức viếng và thắp nhang các liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma, lo làm thủ tục hưởng chế độ cho cựu binh anh và tổ chức gặp mặt truyền thống ngày 14-3… “Đến ngày này thì anh em đồng đội khắp nơi gọi điện hỏi thăm vì 14-3 trở thành ngày truyền thống của Ban liên lạc rồi. Ngoài gặp mặt, ai cũng mong muốn, khát khao chia sẻ, hỗ trợ nhau để sống và cống hiến sao cho xứng với tinh thần Gạc Ma ”.

Đại úy Nguyễn Văn Lanh – người anh hùng trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma
kể lại sự kiện ngày 14-3-1988 cho thế hệ trẻ.

Địa chỉ quen thuộc và thường xuyên của những cựu binh Gạc Ma tại Đà Nẵng là gia đình của 9 liệt sỹ. Không chỉ có khói nhang vương vấn, những mẩu chuyện vui về một thời lính tráng, những trang tình sử thời chập chững biết yêu… như khớp nối người đã khuất với người còn sống, nối những đứa con yêu dấu với những người mẹ, người cha, nối lịch sử với hiện tại, làm cho tinh thần Gạc Ma sống mãi.

Ngày 14-3 năm nay là lần giỗ thứ 26 của những người lính hải quân của Đà Nẵng đã hy sinh tại đảo Gạc Ma năm 1988. Hơn 26 năm trước, lần đầu tiên những chàng trai Đà Nẵng háo hức khi được sung vào lực lượng Hải quân, dù biết cuộc sống ở quần đảo Trường Sa đầy khó khăn, thử thách. Với khát khao cống hiến cho Tổ quốc, thỏa tình yêu biển đảo quê hương, họ đã kiên cường vượt qua những trở ngại thiếu nước, khan rau và bao thử thách khắc nghiệt khác của thiên nhiên, để rồi vào ngày 14-3-1988, tiếp tục xả thân bảo vệ đảo, bảo vệ quốc kỳ tung bay trên đảo Gạc Ma.

Nhớ lần trò chuyện với các bạn trẻ ở Đà Nẵng,  Đại úy Nguyễn Văn Lanh, người anh hùng trong trận chiến đấu bảo vệ đảo Gạc Ma kể: “Ngày nhận nhiệm vụ đi xây dựng ở đảo Gạc Ma, anh em đều xác định tư tưởng là dù có chuyện gì cũng không bao giờ lùi bước. Anh em chúng tôi gọi ba chiếc tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 là những chiếc tàu bất tử. Với xà beng và chiếc xẻng của những người lính xây dựng, chúng tôi chiến đấu bằng trái tim thép. Anh Trần Văn Phương ngã xuống, tôi xông lên giành lại cờ. Tôi trọng thương, đồng đội lại tiếp tục xông đến giữ cờ. Đồng đội tôi đã hy sinh anh dũng như thế”.

64 chiến sĩ hải quân ở Gạc Ma đã hy sinh, trong đó có 9 người con của quê hương Đà Nẵng. “Vào ngày hôm đó tôi cũng lên tàu đi xây dựng đảo, nhưng được điều đến đảo Tốc Tan, khi nghe tin các anh em của mình hy sinh tại Gạc Ma, chúng tôi bàng hoàng nhưng rất tự hào vì có những đồng đội anh dũng, kiên cường, bất khuất như thế”,  cựu binh Nguyễn Văn Tấn tiếc thương đồng đội.

Anh Nguyễn Văn Tấn thăm hỏi ông Trần Quỷnh, bố liệt sĩ Trần Tài.

Cùng nhập ngũ, cùng đi xây dựng đảo một ngày, 9 đồng đội mãi mãi ở lại với biển đảo, những người lính E83 thề sống, chiến đấu, sẵn sàng hy sinh trên tinh thần Gạc Ma mà đồng đội đã tạc vào lịch sử. Những công trình, công sự, nhà xưởng, trường học… tiếp tục mọc lên trên các tuyến đảo, những thế hệ E83 tiếp tục biến các cụm đảo thành thành trì vững chắc bảo vệ đồng đội, công dân, ngư dân bám biển đảo.

Rời quân ngũ, những cựu binh Trường Sa vẫn tiếp tục hành trình truyền tình yêu biển đảo, tinh thần Gạc Ma cho các thế hệ trẻ; gặp gỡ động viên, hỗ trợ gia đình những đồng đội đã ngã xuống; kêu gọi, quyên góp giúp đỡ những cựu binh Trường Sa còn khó khăn. Anh Trần Trọng (trú P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu) anh trai liệt sĩ Trần Tài từ lâu đã coi những đồng đội của em mình như máu mủ ruột rà. “Tôi mất đi một người em nhưng bây giờ lại có nhiều người em khác. Hình ảnh của em tôi vẫn hiện về trong hình ảnh, tình cảm của anh em cựu binh Trường Sa”, anh Trọng bộc bạch.

Mỗi người mỗi ngả, có người ở lại thành phố, có người về nông thôn, nhưng tình đồng đội thiêng liêng, tinh thần Gạc Ma gắn kết họ thành một khối. Tuy mới thành lập từ năm 2012, nhưng BLL cựu chiến binh Trường Sa ở Đà Nẵng trở thành địa chỉ, tên gọi thân quen, không chỉ của các cựu binh mà còn là của hàng triệu, hàng vạn người dân Đà Nẵng nói riêng, Việt Nam nói chung.

“Mới đây, chi đoàn của Trường PTTH Hoàng Hoa Thám (Đà Nẵng) đã đưa học sinh đến từng gia đình của 9 liệt sĩ hy sinh ở Gạc Ma để tặng quà và nghe kể chuyện về ngày 14-3-1988. Chúng tôi hạnh phúc vì đã gắn bó và góp phần làm nên tinh thần Gạc Ma bất tử, là một phần trong hàng ngàn điều tạo nên tình yêu yêu biển đảo quê hương. Điều chúng tôi mong ước bây giờ là có một quỹ hỗ trợ bộ đội Trường Sa vì nhiều anh em và gia đình liệt sĩ còn nhiều khó khăn Như gia đình của mẹ Lê Thị Lan (xã Hòa Châu, H. Hòa Vang), mẹ liệt sĩ Nguyễn Hữu Lộc, gian thờ liệt sĩ đã xuống cấp rất nặng, chúng tôi rất muốn giúp mẹ sửa lại nhưng lại chưa có kinh phí”.

Minh Hà