Tỉnh ủy trên... rừng

Thứ năm, 30/04/2020 23:30

Trụ sở của Tỉnh ủy thường nằm ở vị trí trung tâm ở các tỉnh, thành. Còn trước năm 1975, trụ sở Tỉnh ủy nằm ở những cánh rừng sâu nhất. Công tác chỉ đạo từ Tỉnh ủy về đồng bằng là công văn mật hoặc điện đài.

Cụ Phạm Thanh Biền - nguyên Ủy viên Liên khu 5, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi.

V ào một ngày cuối tháng 5-1967, không khí làm việc ở Tỉnh ủy Quảng Ngãi vẫn diễn ra đều đặn trong một cánh rừng rậm. Thỉnh thoảng trên bầu trời vang lên tiếng ù ù của máy bay trinh sát OV 10 - Pronco. Kế hoạch trong ngày được phổ biến là anh Thưởng (ông Phạm Thanh Biền), Ủy viên Liên khu 5, Bí Thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi sẽ đến làm việc với anh Thuần (ban tổ chức Tỉnh ủy). Tất cả các phòng ban ở Tỉnh ủy đều có mật danh riêng và đặt tên của một người. Những lối đi lắt léo tới "anh Thuần" đều có lính gác, thỉnh thoảng có một hầm kèo chữ A.

Liên khu 5 thời đó bao gồm các tỉnh Quảng Nam Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum, Gia Lai. Bà Phạm Thị Hồng Cúc (quê ở xã Hành Đức, H. Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) nhớ lại, lần đầu tiên lên Tỉnh ủy Quảng Ngãi công tác, gặp anh em Liên khu 5 đi từ Quảng Nam vào, từ Bình Định ra, hỏi ai cũng trả lời đi đến thăm "bà Hảo". Vì còn là một cô gái trẻ mới lên rừng với vẻ ngây ngô, hỏi người đi bên cạnh rằng "nhà bà Hảo chắc rất rộng và đông con, vì sao thấy ai cũng đi về phía núi và nói tới nhà bà Hảo?".

Trước năm 1975, ít có khi nào bọn địch dám lên vùng rừng núi Quảng Ngãi "san phẳng" một vùng trắng rồi mang một lực lượng lớn bộ binh lên núi cắm chốt, chặn đường như cuộc hành quân Hạ Lào (Chiến dịch Lam Sơn 719), hoặc lập căn cứ như Khe Sanh ở Quảng Trị, nhằm cắt đứt tuyến đường của Bộ đội Bắc Việt. Vì vậy tuyến đường mòn đông Trường Sơn từ Quảng Nam vào Quảng Ngãi vẫn thông suốt. Bà Cúc nhớ lại, máy bay trinh sát nó rà liên tục trên đầu, trụ sở Tỉnh ủy đã mấy lần bị bom và thiệt hại nhất là khi máy bay B52 rải thảm làm rừng sạt hết một đường, tốp thứ 2 tiếp tục bay qua.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi tại rừng Minh Long, tháng 5-1968.  Ảnh tư liệu

Cuộc sống của những cán bộ công tác tại Tỉnh ủy trong rừng thời chiến có thể hình dung qua buổi làm việc và bữa cơm của Bí thư Tỉnh ủy. Đó là mỗi lần đến họp Ủy viên Liên khu 5 lại thông báo tình hình chiến trường từ Quảng Nam - Đà Nẵng, đến Bình Định, Kon Tum, Gia Lai và Quảng Ngãi. Sau buổi làm việc, cả cơ quan tập trung ăn bữa cơm trưa đạm bạc trên chiếc bàn dài kê bằng cành cây. Bàn ăn không có ghế nên tất cả mọi người đều đứng. Món ăn ngon nhất đậm hương vị của núi rừng được dọn ra, đó là rau xanh nấu với ốc đá. Mâm cơm có cả gạo trắng lẫn gạo đỏ, củ lang, củ mì.

Bữa cơm trưa đãi Bí thư Tỉnh ủy trong rừng, thỉnh thoảng mới có được món ngon nhất của miền xuôi đưa lên, đó là cá nục khô, cá cơm khô. Nhưng nếu ai bắt đầu hâm hấp nóng, sắp lên cơn sốt rét rừng thì những món ngon đều trở thành vị đắng ngắt. Từ Bí thư Tỉnh ủy đến anh em nhân viên, ai cũng đều trải qua 3-4 trận sốt rét rừng. Câu chuyện trong bữa cơm có khi là truyền nhau những vị thuốc Nam giúp chữa sốt rét, như: lá mãng cầu, hy thiêm thảo, lá ngải cứu, ké đầu ngựa...

Anh Thưởng (cụ Phạm Thanh Biền), hiện nay vẫn còn sống ở TP Quảng Ngãi. Năm nay cụ gần tròn 100 tuổi. Những cuộc phỏng vấn cụ về ký ức Tỉnh ủy trong rừng dần dần trở lên khó khăn, vì sức khỏe của cụ như ngọn đèn đang cháy cạn những nhiên liệu trong bầu. Tuy nhiên, cách đây chưa lâu, cụ vẫn có thể kể rành mạch mọi chuyện, nhớ cả ngày, giờ diễn ra các sự kiện từ năm 1945. Cụ là người 2 lần giữ chức Bí thư Tỉnh ủy trong chiến tranh, nhiều năm giữ cương vị Ủy viên Liên khu 5. Năm 1974, cụ được giao trọng trách đại diện Khu 5 ra Hà Nội để chuẩn bị hậu cần cho Tổng tiến công giải phóng miền Nam.

Những lần nhớ về Tỉnh ủy trên rừng, cụ Phạm Thanh Biền lại chỉ tay về phía Tây Quảng Ngãi, nơi có những dãy núi mờ sương và nói rằng, đó là những nơi anh em đều đặt chân tới. Có khi quân chủ lực ngoài Bắc hành quân qua đông quá thì rau rừng ăn cũng cạn, cả Tỉnh ủy phải cử người đi hái rau xa hơn, còn gần khu vực Tỉnh ủy thì tổ chức trồng thêm củ lang, củ mì, canh tác mọi cây có thể sử dụng để làm lương thực. Do cơ quan Tỉnh ủy liên tục di chuyển giữa những dãy núi Cà Đam, qua khu Ba Giông Tranh ở H. Minh Long, có khi đóng trong những hang động lạnh cắt da ở H. Ba Tơ, vì vậy anh em đều trải qua những trận sốt rét, Bí thư Tỉnh ủy cũng từng bị sốt rét đến 3 lần.

Cứ đến kỷ niệm Ngày giải phóng đất nước, cụ Biền lại được các địa phương mời đến dự mít-tinh và người lính trận mạc một thời thường nhìn về phía những dãy núi cao, nơi còn nhiều đồng đội nằm xuống vì bom đạn, sốt rét và cả những lần bị thú dữ tấn công. Còn năm nay, cụ chỉ ngồi lặng, đặt tay lên tờ báo mới, trong mắt hiện ra dòng ký ức.

LÊ VĂN CHƯƠNG