Tình yêu trẻ mãi không già

Thứ sáu, 14/02/2014 11:20

(Cadn.com.vn) - Cùng công tác trong quân y, cùng giúp nhau học tập để trở thành bác sĩ, cùng vượt bao khổ ải để sống “trọn với tình yêu”. Đến tận bây giờ, ở ngoài cái tuổi “bát thập đắc hi hỉ”,  nhưng ông bà vẫn “nắm tay nhau” đi trên mọi nẻo đường làm công tác tình nguyện.

Hai vợ chồng luôn sát cánh bên nhau.

CHÀNG, BÁC SĨ TÀI HOA; NÀNG Y TÁ... VIẾT, ĐỌC CHƯA THẠO!

Đến P. Hòa Cường Bắc, Q. Hải Châu (TP Đà Nẵng), không khó để tìm được tổ ấm của ông Nguyễn Chuẩn (87 tuổi) và bà Trần Thị Kim Phi (82 tuổi). Ông Chuẩn bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng giai điệu hào hùng của ca khúc “Tiểu đoàn 307”. Những động tác phụ họa “điêu luyện”, mạnh mẽ. giọng ca đầy khí thế hệt như ở độ tuổi đôi mươi. Vợ chồng ông bà như đang dẫn dắt chúng tôi ngược dòng thời gian, quay lại cái thời họ cùng sống, chiến đấu trong quân ngũ sau đó là gặp và dành trọn cuộc đời mình cho nhau.

Sinh ra và lớn lên trên miền quê nghèo của tỉnh Bà Rịa (tên gọi cũ của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngày nay), cô bé Bảy Cao (tên lúc nhỏ của bà Phi) học đến lớp 2 thì phải nghỉ học. Năm 12 tuổi, Bảy Cao rời quê hương, tham gia cách mạng. Lúc đó, đơn vị cho Bảy đi học y tá. Tuy chưa đọc thông viết thạo, nhưng bù lại cô y tá Kim Phi rất siêng năng, chịu khó. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn, nhanh nhẹn với mái tóc húi cua, tay làm còn miệng luôn lẩm nhẩm những vật dụng y tế đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chàng bác sĩ nổi tiếng hào hoa Nguyễn Chuẩn.

Đến tận bây giờ, khi đã nên duyên vợ chồng, sánh bước bên nhau gần nửa thập kỷ, nhưng khi nhắc về những ngày tháng ấy, gương mặt bà Phi vẫn y nguyên sự ngượng ngùng, hạnh phúc như những ngày đầu tiên: “Ổng ở trong Viện 103 được nhiều cô theo lắm. Ổng hát hay, đàn giỏi, mà còn nhiệt tình, vui tính. Tui thì người ốm nhách, tóc tai như con trai làm sao bì lại với mấy cô kia. Bởi rứa, tui cứ đứng từ xa mà nhìn ổng đàn, hát thôi”.

Bà Phi kể thêm: “Chiều chiều tôi vẫn hay ngồi dưới tán cây cạnh hàng rào học chữ. Ổng thấy tôi thì lân la làm quen, nói chuyện. Cứ thế, ngày nào chàng trai Nguyễn Chuẩn cũng đến để “phụ đạo”thêm kiến thức y khoa cho Phi. Từ cô y tá gần như “mù chữ”, Kim Phi đã có thể nắm vững toàn bộ thuật ngữ chuyên ngành và những kỹ năng của một người y tá. Cũng chẳng biết tự lúc nào, tình cảm của hai người cũng lớn dần theo thời gian.

Năm 1957, họ chính thức thành vợ thành chồng. Bà Phi kể: “Cả hai đều không có người thân ở bên, tôi ở miền Nam, ổng ở miền Trung (Bình Định). Khi tôi sinh đứa con đầu lòng, sữa cũng không có cho con uống. Vay mượn cũng chẳng biết tìm ai”. Tuy nhiên, trong những khó khăn vất vả đó, hai ông bà luôn “sát cánh bên nhau”.

Ông Chuẩn trải lòng: “Khó khăn mấy, khổ mấy tôi cũng vượt qua được, chỉ  cần thấy bả và con là mọi mệt nhọc trong tôi đi mô hết. Có thời gian bả đi công tác ở Viện 103 ngoài Phú Thọ, mình tui ở nhà vừa đi làm vừa chăm con. Rồi đợt bả đi học bác sĩ, tôi tình nguyện “quán xuyến” nhà cửa, con cái để bả chuyên tâm lấy tấm bằng”. Nhờ sự thấu hiểu và chia sẻ của chồng, năm 1972, bà Trần Thị Kim Phi chính thức nhận bằng bác sĩ. Từ đó hai vợ chồng cùng công tác tại Viện 108.

Ảnh cưới của ông bà Nguyễn Chuẩn- Kim Phi.

TÌNH YÊU TRẺ MÃI KHÔNG GIÀ

Thấm thoắt mà đã gần 60 năm kể từ khi họ thành vợ thành chồng. Ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng hai người vẫn luôn dành cho nhau những tình cảm như thuở ban đầu, gọi tên nhau ngọt ngào bằng hai tiếng “anh”, em”. Rảnh rỗi họ lại cùng nhau làm thơ, chép nhạc, cùng tham gia những hoạt động ở địa phương. Ông Chuẩn chỉ  cho chúng tôi những bài thơ vợ mình sáng tác, ông tự hào: “Từ một người không biết chữ, mà bây giờ thơ của bả được chọn đi in trong tập san người cao tuổi ở phường.

Về phần mình, ông Chuẩn có thói quen chép những bài hát vào một cuốn sổ. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên chính là, cựu bác sĩ này viết chữ rất đẹp. Bà Phi cười, nụ cười hạnh phúc: “Người đời có câu không phải chữ xấu không phải bác sĩ nhưng cũng là một người bác sĩ mà ông ấy viết chữ đẹp lắm, họ nói “nét chữ nết người” mà, hồi trước tôi yêu ổng cũng vì ổng rất tốt bụng, thương người. Khi nào ổng cũng muốn giúp đỡ người ta để họ bớt khổ...”.

Có lẽ vì tâm niệm đó mà khi về hưu, cặp vợ chồng bác sĩ mang quân hàm cấp Tá vẫn chưa chịu nghỉ ngơi .Ông bà cùng đăng ký tham gia Hội tình nguyện chùa Pháp Lâm.Tại những miền quê xa xôi, nghèo khó trên địa bàn Quảng Nam, Đà Nẵng chưa nơi nào chưa có dấu chân của họ. Thậm chí là những nơi xảy ra thiên tai họ cũng chẳng nề hà mà theo chùa Pháp Lâm đến chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí.

Mỗi lần như thế, ông Chuẩn bà Phi lại gom góp toàn bộ số tiền hưu của mình để mua thêm gói mì tôm, tấm áo mới cho các em nhỏ. Ông Chuẩn bật cười, hóm hỉnh nói: “Nói thiệt chớ chưa hết tháng là hết tiền rồi. Toàn phải nhờ sự “viện trợ” của mấy đứa con. Điều hạnh phúc nhất là các con đều lớn hết rồi, nên chúng đều hiểu và ủng hộ việc làm của chúng tôi”.

Những năm gần đây, do tuổi ngày càng cao, ông Chuẩn-bà Phi lui về khám chữa bệnh miễn phí cho người dân địa phương. Người nào hoàn cảnh khó khăn, ông bà tìm đến tận nơi thăm hỏi, cho thuốc, đôi lúc còn “dúi” thêm ít tiền để họ trang trải cuộc sống.

Nhắc đến gia đình ông bà Nguyễn Chuẩn – Trần Thị Kim Phi, nhiều người dân ở P. Hòa Cường Bắc luôn cảm thấy ao ước, ngưỡng mộ. Họ ước ao có được một mái ấm gia đình hạnh phúc, con cái thành đạt, ngưỡng mộ sự đức độ của hai ông bà. Và thiên tình sử của hai cựu bác sĩ đi gần trọn cuộc đời thường được mang ra làm gương cho những cặp vợ chồng trẻ hay những đôi trai gái yêu nhau...

Bài, ảnh: Hồng Phượng – Nguyễn Hưng