Tơ lụa Việt, nhìn từ vụ Khaisilk
Khaisilk là một doanh nghiệp kinh doanh lụa Việt có tuổi đời 30 năm. Thương hiệu lụa này nổi tiếng với dòng hàng cao cấp trong nước và là niềm tự hào của tơ tằm Việt. Thế nhưng, vừa qua sự việc một lô hàng của Khaisilk có 1 chiếc khăn có đến hai nhãn mác: xuất xứ từ Khải Silk Việt Nam và xuất xứ Trung Quốc đã là cú sốc lớn với người Việt. Sự việc trên mau chóng trở thành một vụ bê bối kinh doanh lớn nhất từ trước đến nay.
Ông Phương chỉ dẫn cho P.V đâu là lụa nguyên chất đâu là lụa pha sợi công nghiệp. |
Khaisilk không phải là cá biệt
Việc ông Hoàng Khải, chủ thương hiệu Khaisilk thừa nhận 50% khăn lụa của thương hiệu này đang bán tại Việt Nam có xuất xứ từ Trung Quốc đã khiến nhiều người tiêu dùng bất ngờ bởi gần 30 năm qua, ai cũng nghĩ thương hiệu Khaisilk hoàn toàn là “Made in Vietnam”. Thế nhưng trong khi nhiều người chỉ trích, lên án thậm chí yêu cầu xử lý Khaisilk hành vi gian lận thương mại thì ít ai để ý đến một câu chuyện khác đau lòng hơn nhưng đã dần trôi vào quên lãng.
Và cũng ít ai biết rằng trong 30 năm qua kể từ ngày Khaisilk ra đời lụa Việt đã qua bao phen điêu đứng. Chưa bàn đến cái tâm của người kinh doanh thì không có nguồn hàng, diện tích trồng dâu nuôi tằm thu hẹp đến 90%, cạnh tranh hàng Trung Quốc tăng cao là những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự suy thoái của ngành sản xuất vải lụa Việt. Đây cũng là tiền đề dẫn đến việc nhiều thương hiệu chấp nhận sử dụng sản phẩm Trung Quốc gắn mác hàng Việt Nam.
Nhắc đến nghề trồng dâu nuôi tằm thì H. Duy Xuyên (tỉnh Quảng Nam) đã nổi tiếng khắp cả nước một thời. Mặc dù đã suy thoái nhưng tại miền Trung trở vào ngoài tỉnh Lâm Đồng thì nơi đây là điểm trồng dâu nuôi tằm hiếm hoi còn sót lại. Trong 10 năm qua trước tình hình suy thoái kinh tế và cạnh tranh khốc liệt từ Trung Quốc nên nghề trồng dâu nuôi tằm nơi đây chỉ còn vài hộ bám trụ. Cái tên quê lụa vẫn gắn liền với mảnh đất này nhưng bây giờ chỉ còn là ký ức. Hơn 90% hộ trồng dâu nuôi tằm bỏ nghề, nhà máy ươm tơ Giao Thủy đóng cửa đã đặt dấu chấm hết cho nghề dệt lụa tơ tằm nơi đây.
Vừa qua, Báo Công an TP Đà Nẵng có tuyến bài 2 kỳ phản ánh thực trạng của làng lụa Mã Châu (H. Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Trong bài viết này đã đề cập đến một thực tế khốc liệt là làng lụa Mã Châu nơi một thời cung ứng lụa cho Triều đình Huế và làng lụa lớn nhất khu vực miền Trung nay chỉ có duy nhất 1 hộ theo nghề. Mặc dù muốn duy trì nghề truyền thống của gia đình nhưng chính ông Trần Hữu Phương (48 tuổi, Giám đốc HTX dệt lụa Mã Châu) thừa nhận gia đình ông vẫn sản xuất lụa tơ tằm pha sợi công nghiệp để đáp ứng phân khúc thị trường. Số lụa tơ tằm nguyên chất mà gia đình ông sản xuất chỉ để xuất lại cho những làng nghề lớn đáp ứng nhu cầu của khách hàng cao cấp và thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó lượng khách hàng trong nước vẫn thích những mặt hàng rẻ, mẫu mã phong phú mà điều này lụa nguyên chất không đáp ứng được.
Dẫn phóng viên tham quan gian hàng trưng bày lụa của gia đình, ông Trần Hữu Phương chỉ tận tay những thớ lụa nào pha sợi công nghiệp, bao nhiêu tỉ lệ tơ tằm, đâu là lụa tơ tằm nguyên chất. Tuy nhiên chỉ những người trong nghề như ông Phương mới có thể phân biệt được còn khách hàng bằng mắt thường hầu như không thể phân biệt. Ông Phương chia sẻ: “Việc sản xuất lụa sợi công nghiệp pha tơ tằm là việc bất đắc dĩ. Nếu như không làm như vậy thì chính tôi cũng không cầm cự được để duy trì sản xuất lụa nguyên chất. Lụa tơ tằm nguyên chất 100% rất đắt không phải ai cũng có điều kiện để mua vì vậy mình kinh doanh buôn bán vẫn phải nương theo thị trường. Bản thân tôi đang phải cáng đáng thêm các nhân công khác nên mình cần tạo công ăn việc làm cho họ”.
Theo thông tin từ ông Phương việc lụa Việt trà trộn lụa “made in China” không phải là chuyện hiếm. Và chuyện lụa trên danh nghĩa là lụa tơ tằm nhưng vẫn pha sợi công nghiệp là chuyện đại trà. Những cơ sở nhỏ như gia đình ông hiện nay vẫn còn phải cộng sinh với những làng lụa nổi tiếng khác để tồn tại.
Khi người trồng dâu nuôi tằm bỏ nghề
Thế kỷ XVII, tơ lụa Duy Trinh (H. Duy Xuyên) đã đóng góp không nhỏ vào “con đường tơ lụa” trên biển của xứ Đàng Trong. Trên những Châu ấn thuyền Nhật Bản qua cửa khẩu Đại Chiêm, con đường ấy có dấu ấn của người con gái đất tơ tằm Đông Yên. Với mong muốn và tâm huyết muốn phục dựng lại làng lụa truyền thống từ bao đời nay của người dân Đông Yên (xã Duy Trinh, Duy Xuyên), vừa qua, xã Duy Trinh đã kêu gọi những người dân còn tâm huyết và yêu nghề quay lại trồng dâu và phục dựng nghề nuôi tằm, ươm tơ truyền thống.
Xã khuyến khích giao đất cho dân làm, lấy 2% quỹ đất đấu giá cấp cho dân trồng dâu. Bên cạnh đó, H. Duy Xuyên và xã Duy Trinh còn hỗ trợ mua hom dâu và phân bón, với giá hỗ trợ 650 ngàn đồng/sào (500m2) để người dân yên tâm sản xuất. Thế nhưng, mặc cho những ưu đãi hấp dẫn, người dân đã không còn mặn mà với nghề.
Ông Vũ (người dân thôn Đông Yên) chia sẻ: “Trước kia có đến 80% người dân sinh sống bằng nghề trồng dâu nuôi tằm. Những bãi bồi dọc sông Thu Bồn chính là vựa dâu xanh tốt giúp làng dâu tằm Duy Trinh nổi tiếng một thời xuất hàng đi cả nước. Tuy nhiên những năm gần đây đa số người nuôi tằm đành bỏ nghề để tìm sinh kế khác. Thời tiết khắc nghiệt, con tằm lại khó nuôi, thị trường đầy rẫy sợi công nghiệp làm sao chúng tôi theo nghề được?”. Còn ông Thọ (77 tuổi) người đã có 30 năm hành nghề lấy trứng và thu mua kén cho biết hiện nay cả Quảng Nam số hộ trồng dâu nuôi tằm chỉ đếm được vài chục hộ. Từ một vùng bạt ngàn dâu xanh nay chỉ còn vài héc-ta đất trồng dâu. Người dân bỏ nghề vì công việc quá vất vả, giá kén thấp, thời tiết lại bất thường.
Quay trở lại câu chuyện lụa Việt “made in China” phải thừa nhận rằng vấn đề này không mới. Thế nhưng chỉ đến khi câu chuyện lụa bị cắt mác ở Khaisilk nóng lên thì dư luận mới quan tâm. Ngay cả trong Festival Tơ lụa Thổ cẩm Việt Nam và Thế giới diễn ra tại Hội An vừa qua cũng không tránh khỏi vấn đề này. Tại festival này có sự tham dự của những làng nghề uy tín như làng nghề tơ lụa Vạn Phúc, Hà Đông nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng lụa Trung Quốc trà trộn.
Cũng trong dịp fesstival ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch hội đồng công ty cổ phần tơ lụa Quảng Nam khẳng định sẽ không có tình trạng lụa Trung Quốc xuất hiện tại Festival tơ lụa, thổ cẩm. Ông Vũ cũng đề xuất Hiệp hội Tơ lụa sẽ phải đưa ra các giải pháp trước tình trạng lụa thật, lụa giả, đưa vào đề cương hoạt động của Hiệp hội, gửi tờ trình định hướng để tác động đến người tiêu dùng và nhờ sự giúp đỡ của các cơ quan chính quyền.
Câu chuyện lụa thật, lụa giả thực hư như thế nào có lẽ chỉ những người làm nghề là rõ nhất. Sự việc vừa qua tại Khaisilk đã làm người Việt mất niềm tin trầm trọng vào hàng Việt Nam. Thế nhưng cũng cần phải nhìn nhận nguyên nhân sâu xa dẫn đến vấn đề này đó là một bộ phận người Việt còn thích hàng rẻ mà sản phẩm Trung Quốc mang lại.
Trong khi đó căn nguyên của vấn đề, hỗ trợ phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm vẫn là câu chuyện bị bỏ ngỏ. Báo Công an TP Đà Nẵng xin được góp một góc nhìn trong câu chuyện lụa thật lụa giả mà rộng hơn là cuộc cạnh tranh hàng Việt Nam và Trung Quốc đang diễn ra. Biết đến bao giờ người Việt mới có thể an tâm cầm hàng hóa trên tay mà không phải hoài nghi về nguồn gốc xuất xứ của nó? Bởi không đầu tư cho nghề dệt, không nâng niu những giá trị truyền thống thì sẽ còn nhiều câu chuyện như Khaisilk nữa diễn ra.
HÀ DUNG