Tổ quốc trên những thân tàu (3)
Bài 3: Tiếng gọi từ biển cả
(Cadn.com.vn) - Quen ăn sóng nằm gió nên dẫu trải qua những rủi ro, phải lên bờ nhưng nhiều ngư dân luôn không nguôi khát vọng trở lại biển khơi. Với họ, được ra biển, như cá về với nước...
Sau nhiều ngày bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm, thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng, ngư dân Trần Văn Vốn (43 tuổi, Thanh Khê- Đà Nẵng) vẫn nghĩ khó gượng dậy làm nghề được. Nhiều bạn tàu của ông cũng chưa hết tâm lý kinh hãi. Sinh ra trong gia đình có truyền thống 3 đời vươn khơi, ông Vốn theo cha đi biển từ lúc 20 tuổi nên nắm rõ tường tận ngư trường Hoàng Sa. Ông bảo, trước đây, mỗi lần ra Hoàng Sa, tàu cá ông thường gặp tàu cá Trung Quốc, nhưng việc ai nấy làm, chẳng hiểu sao vài năm trở lại đây họ hung hăng vậy, gặp tàu mình là đuổi đánh, cướp phá tài sản, ngư cụ. Khó là vậy, nhưng ông bảo dường như mình sinh ra là dành cho biển cả. Khi con tàu cơ nghiệp bị chìm, tưởng rằng khó lòng gượng dậy, phải bỏ nghề, nhưng rồi ở trên bờ một thời gian ông lại nhớ biển cồn cào. Đêm nằm thao thức, vẳng nghe trong gió rì rào tiếng gọi từ biển, tâm trạng bồn chồn lắm. Gặp bạn tàu, họ cũng bảo đi biển quen rồi, giờ lên bờ rất khó kiếm việc làm phù hợp nên chi phải tìm cách ra khơi, dù biết ngoài đó nhiều rủi ro, hiểm nguy.
Anh Nguyễn Văn Cu đang hoàn thiện chiếc tàu mới để tiếp tục ra khơi. Ảnh: H.A |
Nhận tiền bảo hiểm, tiền hỗ trợ của Nhà nước được hơn 3 tỷ đồng, ông Vốn lại ngược xuôi vay mượn, thế chấp các tài sản mình có để đóng tàu mới gần 6 tỷ đồng. 3 tháng sau khi tàu cũ bị đâm chìm, con tàu mới của ông Vốn hạ thủy, thẳng tiến ngư trường Hoàng Sa. Ông cũng thú thật: "Vẫn sợ chứ, nhưng vì yêu biển, yêu nước nên đi thôi. Nói chung có tàu cá của mình đi ra đi vô nó cũng ngại. Chứ mình mà bỏ, tàu cá nước ngoài tràn vào chiếm dần ngư trường của mình, sau này con cháu mình không có chỗ mà khai thác". Tất nhiên sau "sự cố" để đời, ra khơi lại, ông Vốn quyết trang bị cho mình những thiết bị hiện đại để tự tin hơn. Trong số đó có máy dò "tàu lạ". Từ khoảng cách 17 hải lý đổ lại nếu có "tàu lạ" thì thông số sẽ hiện lên màn hình máy dò, lúc đó phải lập tức cho tàu tăng tốc để né tránh. "Tàu họ to như con voi còn tàu mình nhỏ như con kiến, làm sao chống cự được, cho nên phải chủ động né tránh"- ông Vốn thổ lộ. Cũng theo lời ngư dân này, khai thác hải sản ngày càng khó khăn, ở gần thì tôm cá cạn kiệt, phải đi xa từ 200-400 hải lý mới có thể buông lưới, mà xa thế mỗi lần gặp bão tố rất cực, phải chạy lòng vòng ngoài biển. Đấy là chưa kể vào mùa biển lặng từ tháng 2 đến tháng 6 thì họ cấm, còn mùa bão tố từ tháng 6 trở đi họ để mình ra đánh bắt rồi dí đuổi, phá lưới.
Dù trải qua hiểm nguy, khó khăn đến sạt nghiệp, song các ngư dân vẫn thể hiện quyết tâm can trường bám biển. Ngư dân Phạm Phú Thành cho biết đang chờ bên bảo hiểm định giá cho con tàu chìm của mình để bồi thường rồi làm thủ tục vay tiền ngân hàng, tổ chức xã hội, người quen... để đóng tàu mới ra khơi. Ông Thành bảo đó là lối thoát duy nhất để trả nợ nần, tạo việc làm cho mình và cho bạn tàu. Mấy chục năm ngang dọc biển khơi, sóng gió nên có hiểm nguy thế nào cũng quyết ra khơi. "Tôi phải ra khơi đi ngang qua nơi con tàu đắm của mình, ngang qua nơi những bạn tàu đã nằm lại sau bão Chanchu, có cảm giác tiếng ai đó gọi từ biển"-ông Thành tâm sự. Còn thuyền trưởng Võ Văn Lựu cho biết sẽ quyết tâm trở lại ngư trường Hoàng Sa. "Sau mỗi lần bị cướp phá tôi được các hội, đoàn thể giúp đỡ kinh phí, cho vay vốn và động viên tinh thần để mua sắm trang thiết bị tiếp tục vươn khơi bám biển. Lần này tàu bị đâm chìm, thiệt hại nặng quá, chưa biết thế nào, nhưng tôi cũng phải quay lại biển khơi?"...
Vợ chồng ông Trần Văn Vốn bên con tàu mới. Ảnh: V.T |
Với ngư dân miền Trung, biển khơi chính là quê hương, dù bão tố, hiểm nguy đến đâu cũng không cản được quyết tâm bám biển của họ. Ngư dân Nguyễn Văn Cu (thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, H. Bình Sơn, Quảng Ngãi) nhớ lại: đầu tháng 5- 2016, 13 lao động trên tàu của ông đang khai thác thì gặp lốc xoáy, tàu bị phá, nước tràn vào chìm nhanh chóng. 13 ngư dân cố bám víu vào những can nhựa và mặc cho sóng biển đẩy đi vô hướng. Đói và khát, nhiều người nghĩ đến cái chết nên buộc thân mình vào những chiếc can nhựa. "Chúng tôi trôi trên biển 37 giờ đồng hồ nên ai cũng nghĩ khó sống. Lúc đó ba thuyền viên trong nhóm tách ra để mong gặp tàu cá, tôi không cho vì nếu có chết thì cùng chết nhưng anh em vẫn quyết đi"-ông Cu kể. Quyết định liều lĩnh của thuyền viên may thay lại là quyết định đúng, khi họ được tàu cá tỉnh Bình Định cứu sống. Tai nạn kinh hoàng tưởng phải bỏ biển, nhưng hơn 1 tháng sau, người ta lại thấy vợ chồng ông tất bật đóng con tàu mới. "Tôi đang hối thúc thợ nhanh hoàn thành để sớm trở lại Hoàng Sa"- ông Cu quyết tâm. Còn vợ ông, chị Bùi Thị Huệ nói: "Nhiều lần tui bàn bạc, khuyên can ổng tìm một nghề khác bởi nghề biển hiểm nguy khôn lường. Mà nào ổng có nghe đâu, vẫn quyết tâm đóng tàu khác tiếp tục đi biển. Ổng bảo, cha ông mình đã sống dựa vào biển, nghề biển cũng ở trong máu thịt rồi nên không bỏ được".
Nhiều ngư dân khác mà chúng tôi tiếp xúc đều quả quyết dẫu có lo lắng, sợ hãi sau mỗi lần sự cố trên biển, nhưng trong tâm trí họ lúc nào cũng hướng về biển, dường như trong huyết quản họ lúc nào cũng có vị mặn của biển Đông.
Hải Hậu- Hoàng Anh
(còn nữa)