Tổ quốc trên những thân tàu

Thứ sáu, 29/07/2016 12:43

* Bài 1: Những phút sinh tử

(Cadn.com.vn) - Từ ngàn đời nay, Hoàng Sa – Trường Sa, vùng biển truyền thống bao đời của ngư dân Việt Nam, đã mang lại kế mưu sinh và cơm áo cho hàng triệu gia đình. Thế nhưng, trên vùng biển này cũng luôn ẩn chứa nhiều hiểm nguy, mà ở đó, ngư dân không chỉ đối mặt với bão tố, mà còn bị cướp bóc, phá hoại. Chúng tôi đã gặp nhiều ngư dân miền Trung để ghi lại nhiều câu chuyện dặm dài theo sóng nước biển khơi.

Thuyền trưởng Võ Văn Lựu (thứ 2 từ trái sang) cùng các ngư dân khác được đưa vào bờ sau khi bị tàu chấp pháp Trung Quốc đâm chìm tàu cá. Ảnh: Hữu Đức

Ra biển ngày càng rủi ro

 Nghề biển bao đời vốn đã rủi ro bởi thiên tai song những năm gần đây ngư dân miền Trung phải “gánh” thêm nỗi lo bị tàu Trung Quốc và tàu không xác định quốc tịch  đâm chìm, cướp bóc, phá hoại ngư cụ. Sau mỗi lần như vậy, ngư dân gần như kiệt quệ. “Sau khi bị tàu Trung Quốc đâm chìm rồi bỏ đi, tôi nghĩ mình đã nằm lại biển Hoàng Sa”, ngư dân Võ Văn Lựu (52 tuổi, ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi) kể. Nối nghiệp cha, hơn 30 năm gắn bó với ngư trường Hoàng Sa, ông Lựu thuộc lòng những con nước, luồng cá hay hướng gió mỗi khi biển trở mình. Nhưng, kinh nghiệm chỉ giúp ông thoát nạn thiên tai chứ không thoát được cú rượt đuổi, tông chìm của tàu Trung Quốc hôm 9-7. Người đàn ông nước da đen sạm dạn dày sóng gió biển cả kể rằng, đã đối mặt với nhiều cơn bão, kể cả lúc tàu chìm, nhưng ông vẫn  tin mình còn cơ hội được sống. Và kể cả nếu có bị bão tố nhấn chìm thì âu cũng là cái nghiệp biển cả, đã dấn thân vào phải chấp nhận. Nhưng nếu bị tàu Trung Quốc đâm chìm trên vùng biển của mình rồi bỏ mạng, ông Lựu thấy ức lắm…

Thuyền trưởng tàu cá QNg 90479 TS kể, sáng 9-7, khi tàu đang mải mê đánh cá, không quan sát gì, thì bất thình lình tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 46102 lao tới, ông Lựu liền cho tàu tăng tốc tránh truy đuổi. Hơn 1 giờ sau, tàu Trung Quốc đã áp sát, 6 người Trung Quốc từ ca nô nhảy lên tàu ông Lựu, trong đó có 1 người nói tiếng Việt, tay cầm dùi cui điện. Nhóm người này khống chế các thuyền viên,  lục soát, đập phá nhiều đồ đạc trên tàu cá rồi ép thuyền viên phải nổ máy tăng tốc đuổi theo một tàu cá khác của Quảng Ngãi. Chạy được khoảng 30 phút thì tàu ông Lựu bị tàu 46102 của Trung Quốc tông, nước ùa vào, chìm dần. Lúc đó 6 người Trung Quốc mới xuống ca nô về lại tàu 46102 bỏ mặc 5 thuyền viên trên tàu ông Lựu, đều là bà con ruột thịt, bấu víu trên con tàu thân gỗ đương chìm, chới với cầu cứu. Thời điểm đó, một tàu cá khác của Quảng Ngãi chỉ cách vài hải lý, biết tàu ông Lựu bị đâm chìm nhưng không dám tới ứng cứu vì tàu Trung Quốc vẫn còn neo đậu gần đó, sợ cũng bị đâm chìm hoặc bắt bớ. Khoảng 7 tiếng sau, khi tàu Trung Quốc bỏ đi thì tàu cá Quảng Ngãi mới dám tới cứu, lúc này các thuyền viên trên tàu ông Lựu gần như đã kiệt sức.

Nước mắt của ngư dân trên tàu ông Phạm Phú Thành, khi được trở về đất liền. Ảnh: C.K

Ký ức kinh hoàng

10 năm trước, ngư dân Phạm Phú Thành thôn Bình Tân, Bình Minh, Thăng Bình, Quảng Nam đã trải qua những phút giây đối mặt với tử thần trong cơn bão Chanchu. Trong hàng trăm ngư dân xấu số đã bỏ mạng giữa biển khơi, có những người nay vẫn không tìm được xác, gia đình phải lập mộ gió để hương khói thì ông Thành may mắn được sống sót. Nhưng 10 năm sau, ông Thành lại gặp nạn và cũng suýt mất mạng, không phải vì bão tố mà vì bị tàu lạ đâm chìm. Mở cho chúng tôi xem đoạn phim quay chiếc tàu đang chìm còn mình đang cố cứu vớt những gì còn lại, ông Thành bảo đó là hình ảnh để đời, bởi suốt thời gian đi biển chưa bao giờ trải qua thời khắc sợ hãi như vậy. Khuya 3-5, như mọi ngày ông Thành neo chiếc tàu QNa 95959 TS tại vùng biển Hoàng Sa, rồi thả thuyền thúng cho 31 ngư dân trên tàu tỏa đi các hướng để câu mực. Trên tàu lúc này chỉ còn ông Thành cùng con trai Phạm Phú Nhân và thuyền viên Võ Thanh Trung. “Khi tôi đang ở trong tàu thì bất thình lình nghe ầm một cái và sau đó tàu bắt đầu chìm. Tôi chỉ kịp nhìn một chiếc tàu vỏ sắt đâm vào tàu, rồi bỏ chạy. Lúc đó tôi hoảng loạn, hét lên gọi tên con trai” – ông Thành nhớ lại. Tàu phá nước chìm nhanh, trong đêm đen mịt mù giữa biển cả, ông Thành vừa cố thoát khỏi con tàu, vừa tìm 2 thuyền viên còn lại. May mắn thay, anh Nhân và anh Trung đều nhảy thoát khỏi tàu nhưng anh Nhân bị thương. Chỉ vài phút sau cú đâm trực diện của chiếc tàu lạ, tàu của ông Thành chìm hẳn. Giây phút cuối, qua bộ đàm, ông Thành kêu cứu và thông báo nhanh với những ngư dân đang câu mực. Sau đó, ánh điện cuối cùng trên tàu vụt tắt, ông Thành và 2 ngư dân còn lại cố bám víu vào phần mũi tàu chưa chìm hẳn. Ông kể: “Lúc đó tôi nghĩ chắc chết, vì không nghĩ bạn thuyền nghe được mình thông báo, mà có nghe được thì không thể trở về đất liền bằng thuyền thúng”. Hơn 3 giờ bám víu vào những gì còn nổi trên biển, cả 3 người trông chờ một phép mầu. Và rồi, những chiếc thúng câu mực cũng nghe được thông báo để quay lại cứu họ. Giây phút đó ông Thành bật khóc vì biết mình và 2 bạn nghề được sống… Hình ảnh ông bơi bên cạnh chiếc tàu chìm được bạn thuyền ghi lại đã khiến người xem xúc động về những hiểm nguy mà ngư dân phải đối mặt. Từng ngang dọc Hoàng Sa – Trường Sa, vượt qua cơn đại nạn Chanchu, ông Thành nếm trải đủ hiểm nguy, nhưng mối họa từ những con tàu lạ thì ông không lường được.

Thuyền trưởng Võ Văn Lựu trên chiếc tàu của mình trước lần ra khơi và bị tàu chấp pháp đâm chìm. Ảnh: H.A

Chúng tôi tìm tới nhà ngư dân Trương Văn Bảy ở xã Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi để thắp cho ông một nén hương. Cuộc đời đi biển của ông đã khép lại bằng cái kết đau lòng. Ngư dân Bùi Văn Cam cũng ở Bình Châu, người chứng kiến cảnh tượng ông Bảy bị những đối tượng lạ mặt bắn chết vẫn còn bàng hoàng khi nhớ lại câu chuyện. Chiều tối 26-11-2015, ông Cam neo tàu đánh bắt tại khu vực phía tây nam đảo Cỏ May, bắc đảo Tiên Nữ và phía đông đảo Vành Khăn (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) thì bị một nhóm người đi trên hai chiếc ca-nô truy đuổi. Phát hiện các đối tượng kia mang súng, biết có chuyện chẳng lành nên ông Cam nói ông Bảy chặt dây neo để bỏ chạy nhưng không kịp nữa. Một đối tượng nhảy được lên tàu và bắn ông Bảy chết. “Nó bắn hai phát vào người anh Bảy. Thấy vậy, tôi thả tay lái lao ra giằng co với nó, tôi giật được súng, liệng xuống biển rồi đẩy tên kia xuống biển luôn. Hai tên còn lại cùng nhảy xuống bơi về ca-nô rồi cả nhóm bỏ chạy. Nếu lúc đó tôi không giằng được súng và vứt xuống biển, có lẽ cũng bị chúng bắn”-ông Cam nhớ lại.

Trở về sau chuyến đi biển dài ngày, ngư dân Trần Văn Vốn (43 tuổi, trú Thanh Khê- Đà Nẵng) đến “ngắm” lại con tàu “lịch sử” ĐNa 90152TS của mình. Như một thói quen, sau mỗi chuyến đi biển bình an trở về, ông Vốn lại tới thăm con tàu cũ bị tàu cá Trung Quốc đâm chìm năm 2014. Bởi lẽ, con tàu đã gắn bó với nghiệp đi biển, với gia đình ông cả một quãng đời nhiều ký ức. Lúc vay mượn đóng tàu khởi nghiệp, lúc cùng tàu ngang dọc ngoài biển khơi bão bùng, lúc tàu cập cảng ăm ắp cá mú, và cả phút giây kinh hoàng tàu bị tông chìm, mạng sống của thuyền viên treo đầu ngọn sóng.

Hải Hậu- Hoàng Anh
(còn nữa)