Tô Văn Vũ: Từ đường phố trở thành biểu tượng mới của V.League
Trưởng thành từ đường phố với gần 10 năm tuổi thơ đi đánh giày, ngôi sao của Bình Dương, Tô Văn Vũ đã và đang trở thành biểu tượng mới cho những em nhỏ nuôi giấc mơ làm cầu thủ chuyên nghiệp ngay trong hoàn cảnh khó khăn nhất.
Siêu phẩm vào lưới Thanh Hóa ở vòng khai mạc V.League 2021 một lần nữa giúp Tô Văn Vũ chứng minh cầu thủ Việt Nam hoàn toàn có thể làm được những điều không tưởng nếu nỗ lực không ngừng nghỉ.
Tô Văn Vũ trong màu áo Becamex Bình Dương. |
Nỗ lực gấp đôi người thường
Câu chuyện về những ngôi sao bóng đá thành danh từ những ngày tháng tuổi thơ cơ cực không phải là điều mới mẻ trên thế giới, đặc biệt ở các nước Nam Mỹ và châu Phi. Đó là những khu vực mà đá bóng là một trong những con đường “thoát nghèo” nhanh nhất. Cộng thêm tố chất bẩm sinh và tình yêu với trái bóng tròn, các cầu thủ Nam Mỹ, châu Phi… trở thành biểu tượng cho sự vượt khó, nỗ lực để thành công.
Bóng đá Việt Nam cũng không thiếu những câu chuyện như thế, và người tạo cảm hứng mới nhất cho đám đông chính là Tô Văn Vũ của Bình Dương. Cầu thủ chạy cánh quê Thanh Hóa thậm chí không được chơi bóng thường xuyên và không thực sự đam mê, sống chết theo đuổi bóng đá cho đến năm 20 tuổi.
Tuổi thơ cơ cực, bố mẹ đi làm xa, sau khi học hết cấp 3, Tô Văn Vũ phải chuyển vào sống ở Đồng Nai để mưu sinh cùng gia đình. Công việc chính của anh là đánh giày. Niềm vui lớn nhất của Văn Vũ là các trận đấu phủi. Nhờ tài đá bóng bẩm sinh, Văn Vũ gây ấn tượng mạnh với các anh em chơi cùng, và cơ duyên đã giúp anh được giới thiệu cho U21 Đồng Nai khi đội bóng này thiếu quân tham dự giải U21 quốc gia.
Với kỹ năng “hoang dã” cùng tốc độ hiếm có, Văn Vũ nhanh chóng được U21 Đồng Nai ký hợp đồng chỉ sau 1 tuần thử việc. Tuy nhiên, chỉ dựa vào tài năng thiên bẩm thì Văn Vũ khó lòng tiến xa trong môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Mọi thứ đều mới mẻ và nếu không kịp thích nghi, Văn Vũ sẽ bị đào thải. Hơn ai hết, anh hiểu rõ điều này và nỗ lực gấp đôi người thường.
Trong nhiều tháng, Văn Vũ luôn ở lại sân tập khi các đồng đội đã ra về, tự mình rèn luyện tất cả, từ thể lực cho đến các kỹ năng với trái bóng trong chân, dưới ánh đèn leo lắt. Nhờ thế, từ một cầu thủ không có căn bản, Văn Vũ từng bước chen chân vào đội hình chính.
Biến cố bất ngờ và lời khuyên của bố
Ngay cả khi bén duyên với bóng đá như được số phận sắp đặt, mọi chuyện cũng không diễn ra suôn sẻ với Văn Vũ như người ta tưởng. Đúng vào thời điểm cầu thủ này nghĩ đến chuyện “ra lò”, thì Đồng Nai vướng vào bê bối bán độ. Năm 2014, một loạt cầu thủ Đồng Nai bị trừng phạt khiến đội bóng đứng trước nguy cơ giải thể, các cầu thủ trẻ cũng không còn chỗ dung thân.
Văn Vũ là một trong số ít các cầu thủ cố gắng trụ lại và chấp nhận tập với lứa trẻ kém anh 4-5 tuổi để duy trì phong độ. Trong giai đoạn khó khăn này, khi Đồng Nai xuống hạng và không rõ tương lai sẽ đi về đâu, Văn Vũ đã về quê gặp bố và đề cập đến chuyện bỏ đá bóng để kiếm việc làm. Sau cùng, điều quan trọng nhất với anh vẫn là kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình.
May mắn cho Văn Vũ khi bố anh là một người yêu bóng đá và đặc biệt kiên định. Ông hiểu rằng cầu thủ này khó có một cơ hội khác nếu cứ thế từ bỏ trái bóng. Vì vậy, ông không đồng ý. Và nhờ vậy, Văn Vũ trở lại Đồng Nai chờ tin, giữ biên chế trong đội bóng. Chiều đi đá phủi. ngày và đêm làm bốc vác kiếm thêm thu nhập, Văn Vũ sống như vậy trong suốt 2 tháng chờ phán quyết cuối cùng của Đồng Nai.
Trời không phụ lòng người. Niềm tin của Văn Vũ cùng các đồng đội khác còn sót lại được đền đáp khi Đồng Nai cho phép đội bóng trở lại tập luyện và tiếp tục thi đấu. Tuy mối lương duyên giữa anh và Đồng Nai cũng sớm kết thúc sau đó, nhưng đây chắc chắn là nơi mà Văn Vũ không thể nào quên trong cuộc đời. Tại Đồng Nai, cánh cửa V.League đã mở ra với chàng trai đánh giày người xứ Thanh.
Bỏ Cao đẳng Thể dục thể thao vì thiếu tiền Sau khi Văn Vũ vào Đồng Nai làm việc cùng gia đình, mẹ anh đã khuyên con trai đi thi đại học. Bà không muốn Văn Vũ cả đời lao động cực nhọc mà không có tương lai. Chiều lòng mẹ, Văn Vũ đăng ký thi Đại học Sư phạm Thể dục thể thao Trung ương II và đủ điểm học hệ cao đẳng. Tuy nhiên, anh quyết định không nhập học vì chi phí cho cuộc sống sinh viên quá tốn kém. Sau này, Văn Vũ nhớ lại: “Thú thực, từ lúc nộp hồ sơ đăng ký thi tôi đã nghĩ có đỗ cũng không đi học, vì nhà làm gì có tiền. Tôi thi cho mẹ vui. Tôi đỗ hệ cao đẳng nhưng không nhập học. Sau đó, tôi tiếp tục kiếm sống bằng nghề đánh giày và tranh thủ đi đá bóng phủi”. |
Biểu tượng mới của V.League
Khi còn ở Đồng Nai, Tô Văn Vũ nhận được sự giúp đỡ nhiệt thành từ HLV Trần Bình Sự, không chỉ về chuyên môn mà cả trong cuộc sống. Chính vì biết ơn HLV Trần Bình Sự, bước ngoặt lớn đã đến với Văn Vũ.
Năm 2017, Văn Vũ được thầy Sự giới thiệu ra Hải Phòng thử việc, nhưng anh từ chối cơ hội này để theo ông trở lại miền Nam. Điều thú vị là cho đến lúc gọi điện xin theo chân HLV Trần Bình Sự, Văn Vũ còn chưa biết ông sẽ dẫn dắt một CLB giàu truyền thống ở V.League như Bình Dương.
Vận may tiếp tục đến với Văn Vũ khi anh gia nhập Bình Dương đúng vào giai đoạn CLB này thay đổi cách làm bóng đá. Thay vì bạo chi chiêu mộ các ngôi sao để tranh chức vô địch, Bình Dương quyết định đặt niềm tin vào các tài năng trẻ và hài lòng với các thứ hạng thấp hơn. Tất nhiên, có cơ hội và tận dụng cơ hội đó là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Cho đến thời điểm này, Văn Vũ chưa bao giờ quên xuất phát điểm đầy khó khăn và thiếu thốn của mình, từ đó giữ nguyên tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ để cải thiện bản thân từng ngày.
Siêu phẩm vào lưới Thanh Hóa của Văn Vũ được so sánh với cú sút của siêu sao người Hàn Quốc, Son Heung-min vào lưới Arsenal ở Ngoại hạng Anh mùa này. Đó là cú dứt điểm ở đẳng cấp thế giới và rất hiếm gặp ở V.League, nhưng Văn Vũ đã làm được và chỉ có Văn Vũ mới biết anh đã từng tập kiểu sút đó bao nhiêu lần trong bóng tối. Nó đánh dấu sự trưởng thành và hoàn thiện của cầu thủ mang áo số 28. Lúc này, anh đã thực sự trở thành một biểu tượng mới của V.League, biểu tượng của sự nỗ lực, kiên trì và niềm tin.
P.V