Tọa đàm "Thơ Đà Nẵng hôm nay": Dấu hiệu của sự phản biện nghiêm túc

Thứ hai, 09/03/2015 11:06

(Cadn.com.vn) - Thật lòng, khi cầm giấy mời, tôi nghĩ buổi tọa đàm này cũng sẽ giống như nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo nhàm chán khác mà mình từng dự. Tuy nhiên, buổi tọa đàm "Thơ Đà Nẵng hôm nay" (trong giấy mời ghi: "Đà Nẵng- Thơ và sự tồn tại của thơ") do Liên hiệp các Hội VHNT, Hội đồng Lý luận phê bình, Hội Nhà văn TP Đà Nẵng phối hợp Khoa Ngữ Văn Trường ĐHSP Đà Nẵng tổ chức sáng 7-3, ít nhiều đã có dấu hiệu khởi sắc bởi có sự phản biện đa chiều, gần đúng chất của một cuộc tọa đàm, hội thảo.

Các đại biểu tham dự tại buổi tọa đàm "Thơ Đà Nẵng hôm nay". Ảnh: P.T

Dưới một góc nhìn của người "ngoại đạo" về thơ, theo tôi, cái được của buổi tọa đàm "Thơ Đà Nẵng hôm nay" là đã có nhiều người biết lắng nghe, phản biện một cách nghiêm túc, chân thành. Như sau tham luận của nhà thơ, nhà báo Trần Tuấn về "Thơ- bình thường, bất thường, phi thường", Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sính đến từ Trường ĐHSP Đà Nẵng đã có những phản biện, không đồng tình với anh ít nhất ở 3 luận điểm. "...Trước hết, cái quan niệm: hội thảo/tọa đàm mang tính "thúc đẩy nền văn học" là mang tính vô vọng" liệu có phù hợp chăng? Tôi cho rằng việc tổ chức một/nhiều hội thảo/tọa đàm về một hiện tượng văn học trong lịch sử văn học nhân loại hay văn học Việt Nam xưa nay không có gì là vô vọng.

Vấn đề ở đây là mục đích, là thái độ người tham gia hội thảo/tọa đàm. Nếu tổ chức hội thảo/tọa đàm chỉ để vuốt ve nhau, tự thỏa mãn nhau, tự PR nhau... thì quả là vô ích, vô vọng; còn hội thảo/tọa đàm để nghiêm túc đánh giá về một hiện tượng văn học nào đó trên cơ sở tranh luận quyết liệt, phản biện thật sự mang tính chuyên môn cao để làm rõ chân dung, chân tướng của hiện tượng ấy thì chẳng lẽ lại vô vọng sao? Tác giả Trần Tuấn có xếp thơ làm hai loại: thơ bình thường-thơ bất thường và yêu cầu khi định nghĩa thơ cũng phải căn cứ vào việc xếp loại này. Tôi đồng ý với cách xếp loại đó nếu đó là ý kiến riêng của tác giả. Còn thì trong các nền lý luận văn học thế giới cũng như ở Việt Nam lâu nay tôi chưa gặp một kiểu xếp loại thơ nào như thế.

Đặc biệt là khi tác giả triển khai định nghĩa trên của mình bằng luận điểm: "Thơ bình thường thì vốn dĩ đã rất... bình thường như hàng ngàn năm qua, không cần nhắc lại. Còn thơ bất thường, đương nhiên là các loại thơ mới, thơ cách tân, tân hình thức, hậu hiện đại..." thì theo tôi không ổn vì nó mâu thuẫn ngay trong lập luận", bởi "nếu coi thơ mới, thơ cách tân, tân hình thức là... thơ "bất thường" thì thực ra loại thơ này thế giới đã có từ thế kỷ XVIII (rõ nhất là thơ Pháp) và được du nhập vào Việt Nam vào đầu thế kỷ XX với những Nguyễn Xuân Sanh, Hàn Mặc Tử, Bích Khê...". Ông cũng không đồng tình khi Trần Tuấn cho rằng thơ ca Đà Nẵng "...ít dần hoặc không có những tập thơ, tác giả thơ mang tham vọng thể hiện những tư tưởng, suy tưởng lớn của thời đại và thân phận con người-loài người".

Tiến sĩ Sính đơn cử, ngoài tập thơ "Thiên Di" của Nguyễn Minh Hùng như Trần Tuấn đơn cử, tập thơ "Một giọt" của Phạm Phát với ấn tượng về "Đám tang giữa mùa lũ", với cảm giác khổ đau, hụt hẫng khi "ở trọ trong nhà mình" và những bài thơ hai-cu của Phạm Phát không phải là nói về thân phận con người đấy sao, hay "Rưng rưng phù sa" của Nguyễn Hoàng Thọ là sự tổng kết về thân phận; Nguyễn Hữu Hồng Minh với "Giọng nói mơ hồ" về một hiện thực mới, hiện thực bị thơ xa lánh hay chưa nhìn thấy... Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, so với hai đầu đất nước, vị trí thơ Đà Nẵng vẫn còn khiêm tốn cả về số lượng, tầm vóc, sự bứt phá...

Đáng chú ý hơn, sau phần bày tỏ quan điểm của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy về "Thơ và sự tồn tại của thơ" đã có sự phản biện, dù ít nhiều trong đó là sự bảo thủ hoặc không hiểu hết ý diễn giải của tác giả Như Thúy khi cô bày tỏ quan điểm cần "độc sáng" trong sáng tác nghệ thuật, đừng dẫm trên lối mòn trong sử dụng ngôn từ thơ như một thói quen dễ dãi... Hay khi nhà thơ Nguyễn Thị Anh Đào có những góp ý chân thành về chất lượng thơ được đăng trên tạp chí Non Nước, Báo Đà Nẵng cuối tuần và đề nghị cần "mạnh tay xếp vào góc biên tập những bài thơ không đủ chất lượng", cần "một sự lột xác mạnh hơn, dám chịu trách nhiệm nhiều hơn khi chọn đăng và giới thiệu những bài thơ gai góc, hoặc mở cửa đón những làn gió mới từ văn học", cũng nhận được sự phản hồi, đúng hơn là giãi bày nỗi niềm "bếp núc" của những người làm biên tập đến từ Báo Đà Nẵng.

Dù không phát biểu tại buổi tọa đàm, nhưng tham luận của nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Minh Hùng với "Phê bình thơ Đà Nẵng" đã bày tỏ quan điểm về phê bình thơ nói chung và phê bình thơ Đà Nẵng nói riêng rất sâu sắc, thẳng thắn. Nhà thơ Minh Hùng cho rằng, nguyên nhân vì sao "phê bình thơ Đà Nẵng nhiều năm qua im lìm quá" là do "thơ Đà Nẵng còn im lìm". "Thơ hay, thơ như một hiện tượng mới lạ ở Đà Nẵng nhiều năm qua còn rất hiếm, có lúc gần như không có". Và cho rằng, việc "đăng, xuất bản, tuyển thơ dễ dãi" đã "dẫn đến sự tầm thường hóa nghệ thuật khiến cái đẹp trở nên rẻ rúng"; hay việc tổ chức các cuộc thi thơ với chủ đề gượng ép, cốt chỉ để minh họa chủ trương hoặc một vấn đề thời sự, các sinh hoạt thơ hiện còn có vấn đề... Nhà thơ Minh Hùng chia sẻ với người làm thơ Đà Nẵng rằng, thơ có vẻ dễ làm nhưng khó hay. Người làm thơ không thể "bao dung" với chính mình mà cần phải nghiêm khắc hơn ai hết...Và ông mong: "thơ ngày càng ít đi. Người biết "đọc thơ" ngày càng nhiều hơn. Để thơ càng ngày càng tinh túy hơn. Và hy vọng thơ sẽ không giống nhau, không lặp lại và không cũ kỹ"...  

Tôi rất thích phần phát biểu của nhà giáo, nhà thơ Phạm Phát khi cho rằng, trong hội thảo/tọa đàm việc phản biện lẫn nhau là chuyện bình thường, có nhiều hội thảo vô bổ nhưng không phải là tất cả các hội thảo đều như thế. Nhà thơ Phạm Phát cho rằng, buổi tọa đàm hôm nay đã có không khí hội thảo ở chỗ là đã có sự "cãi nhau" giữa các nhà khoa học, giữa các nhà thơ, "chỉ tiếc là chưa bình tĩnh một chút, nếu bình tĩnh một chút thì hay hơn". Ông khen cách ứng xử của Tiến sĩ Nguyễn Khắc Sính sau khi "cãi"  với nhà thơ Trần Tuấn về "Thơ- bình thường, bất bình thường, phi thường" của anh đã sang bàn cùng trao đổi ngay-một thái độ phản biện rất hay. Việc chịu lắng nghe nhau trong buổi tọa đàm là điều rất quý. Và ông mong "ngày càng có nhiều hội thảo như vậy để bồi dưỡng lẫn nhau", ông luôn "ủng hộ những hội thảo có ích". Cũng theo nhà thơ Phạm Phát, có những bất thường tốt, có những bất thường không tốt, phải bình tĩnh loại những bất thường không tốt ra để thơ được đặc sắc hơn...

Với cách tổ chức tọa đàm có 3 diễn giả chính: Nguyễn Quang Huy, Đinh Thị Như Thúy, Trần Tuấn và sự phản biện, góp ý của các nhà thơ xung quanh nội dung mà các diễn giả đã trình bày và cùng nhau thảo luận về 2 vấn đề được nêu trong đề dẫn do chủ tọa là ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT TP trình bày về 6 nguyên nhân dẫn đến thực trạng thơ Đà Nẵng hôm nay chưa đạt ngưỡng chất lượng như mong đợi và về quan niệm thơ, có thể nói buổi Tọa đàm "Thơ Đà Nẵng hôm nay" đã không đến nỗi... vô vọng.

P.T