Toàn cảnh "Rừng Toàn cầu" (3)

Thứ sáu, 07/03/2014 11:20

* Bài cuối: Cần làm rõ thực lực RTC

(Cadn.com.vn) - Báo chí không có quyền kết tội, do đó bài báo không phải bản án của Tòa. Nhưng căn cứ vào quy định của pháp luật, nhà báo có quyền đưa ra chính kiến và kiến nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật. Trường hợp rừng toàn cầu (RTC), theo chúng tôi đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, có hệ thống, kéo dài... Do đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc ngay để ngăn chặn!

Đóng góp cổ phần bằng mua giấy chứng nhận cổ phần; làm từ thiện bằng ghi giấy chứng nhận cổ phần... đó là cách làm phổ biến hiện nay của RTC mà sôi động nhất là tại Cty "mẹ" Hiển Vinh. Cách làm đó không đơn thuần nhằm khuyếch trương thanh thế để tìm cách tiếp cận vốn vay ngân hàng và trước mắt là huy động vốn và thu lệ phí. Đó là chưa nói đến "toan tính" lâu dài còn những tiềm ẩn khó lường.                               

Hành vi huy động vốn Hiển Vinh được thông qua bán "Giấy chứng nhận sở hữu cổ phần" (GCNSHCP) và thu phí khi ký hợp đồng cấp vốn. Mặc dù chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cho phép, nhưng sau khi chính thức triển khai hoạt động từ tháng 4-2010, Cty Hiển Vinh đã mở chiến dịch quảng bá và tháng 8-2010 đã công khai huy động vốn bằng cách bán cổ phần.

Cty Hiển Vinh lập ra trang mạng, thông qua các hội nghị, hội họp, quảng bá về các dự án (DA) trồng rừng và phát triển rừng bền vững, từ đó rao bán cổ phần. Lúc đầu cổ phần có mệnh giá 65 triệu VND, sau đó hạ xuống 30 triệu VND để "tạo điều kiện cho người mua" đông hơn. Kết quả năm 2010 Cty Hiển Vinh bán cho 15 người tổng cộng 43,5 cổ phần với số tiền 5.427.500.000 VND, trong đó có một cổ đông vì do bà Cẩn nợ 2,6 tỷ VND không đòi được nên phải lấy cổ phần.

Sau khi thu tiền, Cty Hiển Vinh cấp cho người mua một tấm GCNSHCP tự in và phiếu thu với lý do: "Góp vốn để chi phí hợp tác đầu tư". Trong lúc đó, GCNSHCP lại có nội dung mập mờ: "Người góp vốn được hưởng đầy đủ quyền lợi theo nội dung biên bản cuộc họp ngày 14-8 và 20-8-2010 của RTC". Tìm hiểu cuộc họp nói trên, được biết nội dung: "Số tiền này là để chi phí ban đầu của RTC cho các DA giai đoạn 2010 - 2020 với diện tích 13 triệu ha".

Ông Xứng, bà Cẩn giải thích cho các cổ đông: "DA được các tổ chức phi chính phủ tài trợ 19.500 tỷ VND. Do đó người tham gia đầu tư chỉ cần mua một suất giá trị 65 triệu VND, khi giải ngân sẽ được hưởng 16,250 tỷ VND". Những người mua cổ phần nghi ngờ, hỏi lại: "Tổ chức nào tài trợ và lúc nào được giải ngân" thì bà Cẩn lấy lý do "bí mật kinh doanh" để từ chối tên tổ chức tài trợ; còn thời gian giải ngân thì bà hứa đến tháng 8-2013 sẽ giải quyết toàn bộ. Các cổ đông tưởng thật, càng yên tâm tiếp tay cho vợ chồng bà Cẩn, ông Xứng. Để thu hút nhiều người mua cổ phần hơn, năm 2012, Cty Hiển Vinh thay đổi phương thức bán cổ phần. Họ không ổn định mệnh giá nữa mà bán tự do, ai có bao nhiêu tiền thì bán bấy nhiêu cổ phần y như... ghi số đề vậy.

Tuy nhiên, khi được cấp GCNSHCP thì số tiền được ghi trong giấy tăng lên 20 lần! Việc bán cổ phần của Hiển Vinh được tổ chức quy mô, bài bản, tương tự như bán hàng đa cấp. Cty sử dụng ngay người mua trước, làm tư vấn, quảng bá, giới thiệu cho người mua sau để được hưởng hoa hồng môi giới. Nhờ vậy, đến hết năm 2013, Cty Hiển Vinh đã ký được 67 hợp đồng, bán hàng trăm cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân. Lần này nhiều trường hợp Cty không chờ cổ đông nộp đủ mà yêu cầu chi trước mỗi hợp đồng 27,5 triệu VND. Riêng số tiền này Hiển Vinh đã thu được 1,8 tỷ VND.

Giấy chứng nhận cổ phần do Cty TNHH Hiển Vinh cấp cho khách hàng.

Về "công tác từ thiện": Mục tiêu của Hiển Vinh và RTC là lôi kéo giới Phật tử, các hội từ thiện xã hội như: Chất độc màu da cam; Hội khuyến học; Quỹ vì trẻ thơ; Quỹ người nghèo; đồng bào vùng bão lụt; thậm chí cả trường học, nhà trẻ, trạm xá... đến càng đông càng tốt vừa khuyếch trương thanh thế vừa làm bình phong. Xin nêu một vài ví dụ để dẫn chứng: Ở Phúc Thọ (Hà Nội), có 2 cơ sở tôn giáo là BQL di tích chùa Liên Hoa Tự và chùa Già Tây Tự mỗi cơ sở được RTC tặng từ 10,45 đến 10,5 tỷ VND; nhưng chỉ là tờ  GCNSHCP do ông Xứng, bà Cẩn in.

Ở Quảng Ngãi, ngoài Hội chất độc màu da cam được cho hàng chục tỷ VND, tỉnh này còn có 10 tổ chức, đơn vị cũng nhận được tài trợ của RTC. Đó là: Chùa Tú Sơn, 10 tỷ VND; Chùa di tích Trường Bà, 29 tỷ VND; Trường mầm non Tịnh An, 5 tỷ VND; Trạm Y tế Long Hiệp, 3 tỷ VND; Tịnh xá Ngọc Nghĩa, 9 tỷ VND. Ở Thanh Hóa, ở Khánh Hòa và nhiều địa phương khác, nơi có chi nhánh của Hiển Vinh, danh sách tổ chức, cá nhân mắc bẫy của Cty Hiển Vinh và RTC còn kéo dài hơn.

Những hành vi vi phạm pháp luật trong các hoạt động đã nêu trên của RTC đã quá rõ ràng. Đó là nhận định và đánh giá của chúng tôi. Điều này được tóm lại: Phát hành cổ phiếu nhưng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. DA đầu tư hỗ trợ trồng rừng giai đoạn 2010 -2020 chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hai hành vi đó là làm trái quy định Nhà nước. Quảng cáo các tổ chức phi chính phủ tài trợ 19.500 tỷ VND nhưng không chỉ ra được tổ chức nào tài trợ! Huy động vốn và làm từ thiện bằng CNSHCP tự in là gian dối.

Việc sử dụng vốn không rõ ràng, minh bạch, không đưa vào sổ sách kế toán để theo dõi hạch toán là trái quy định pháp luật về tài chính... Từ thực tế nói trên, chúng tôi kiến nghị các bộ, ngành và các địa phương có hoạt động của RTC vào cuộc để nhanh chóng làm rõ thực trạng, chặt ngay cái vòi bạch tuộc của RTC, đừng để họ cài bẫy và gây họa cho những người nhẹ dạ cả tin, gây hậu họa cho nền kinh tế đất nước.

   Phóng sự điều tra của Nguyễn Xuân