“Tối hậu thư” từ Saudi Arabia

Thứ năm, 08/06/2017 09:03

(Cadn.com.vn) - Việc ngay lập tức cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Iran cũng được cho là một trong những điều kiện mà Saudi Arabia đưa ra để bình thường hóa quan hệ với Qatar.

Hành khách bị hủy chuyến bay nằm chờ tại Sân bay Quốc tế Hamad (HIA) ở Doha, Qatar.
Ảnh: Reuters

Ngày 7-6, Saudi Arabia nêu điều kiện bình thường hóa quan hệ với Qatar và cho Doha 24 giờ để thực thi những điều kiện này.

Theo đó, một số điều kiện Saudi Arabia đặt ra với Qatar gồm: trục xuất toàn bộ thành viên của nhóm khủng bố Anh em Hồi giáo (MB) và phong trào Hamas của Palestine khỏi Qatar, đóng băng các tài khoản ngân hàng của những thành viên này và ngừng mọi quan hệ với những nhóm này. Việc ngay lập tức cắt đứt các quan hệ ngoại giao với Iran cũng được cho là một trong những điều kiện của Riyadh. Ngoài vấn đề trên, Saudi Arabia còn yêu cầu Qatar ngay lập tức thay đổi các chính sách của hãng tin Al Jazeera của Qatar cũng như đội ngũ nhân viên hành chính của hãng này để hãng không còn phản đối các lợi ích của các quốc gia Vịnh Persian và thế giới Arab nữa.

Qatar chưa có phản ứng chính thức nào trước yêu cầu này. Tuy nhiên, một quan chức Qatar cho rằng,  “tối hậu thư” của Saudi Arabia và các đồng minh trong việc đòi các công dân của nước này rời đi là vi phạm các quyền con người và Doha muốn có sự can thiệp của LHQ. Ali bin Smaikh al-Marri, Chủ tịch Ủy ban nhân quyền quốc gia Qatar, cho biết, động thái của Saudi Arabia vượt xa cuộc tranh chấp ngoại giao đơn giản, phá vỡ các gia đình và phá vỡ nền tảng giáo dục của giới trẻ. “Chúng tôi đã có thông tin, những người Qatar học ở Saudi Arabia, UAE và Bahrain, họ được yêu cầu rời khỏi trường ngay lập tức vì không được phép tiếp tục kỳ thi học kỳ cuối cùng”, ông nói thêm.

Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain tuyên bố chấm dứt quan hệ ngoại giao với Qatar với cáo buộc Doha hỗ trợ các nhóm khủng bố và can thiệp vào công việc nội bộ các nước trong khu vực. Điều gây tranh cãi là Saudi Arabia, UAE, Bahrain và Ai Cập cho người Qatar ở các nước này thời hạn 14 ngày để rời đi. Ông Marri cho biết, một đứa trẻ sơ sinh có quốc tịch UAE đã bị cấm rời khỏi đất nước với mẹ người Qatar khi bà ấy muốn bay đến Doha để thăm gia đình.

Giới phân tích cho rằng, việc cô lập ngoại giao Qatar có thể là sự khởi đầu của một cuộc chiến mới. Trên thực tế, các quốc gia Hồi giáo dòng Sunni từ lâu tìm cách gây chiến với Iran. Vấn đề Qatar có lẽ chỉ là cái cớ họ quyết định sử dụng. Theo ông, hiện chúng ta có khả năng đang đứng trước ngưỡng cửa một thời khắc lịch sử, có thể so sánh với vụ ám sát hoàng tử Áo Franz Ferdinand tại Sarajevo vào năm 1914. Sự kiện này như một cái cớ chính thức cho sự bùng nổ Thế chiến I. Trong trường hợp này, mục tiêu hình thức của Saudi Arabia và UAE không phải Iran mà là Qatar, quốc gia từ lâu đứng ngoài thỏa thuận chung của các nước Arab Vùng Vịnh liên quan đến mối quan hệ với Tehran.

Trong bối cảnh khủng hoảng bùng nổ, Iran đã ngỏ ý hỗ trợ và sẵn sàng cung cấp 3 cảng của mình cho Quatar sử dụng khi Riyadh quyết định đóng cửa biên giới và các cảng của Saudi Arabia với Qatar. Riyadh và Abu Dhabi coi động thái này là sự xác nhận của mối quan hệ “nguy hiểm” giữa Doha và Teheran. Ngoài một số nước Arab nhỏ khác như Oman hay Kuwait, Mỹ được cho là đóng vai trò quan trọng trong việc xoa dịu tình hình có khả năng bùng nổ này. Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ở một vị trí thuận lợi, vì trước khi nhậm chức, ông đã lãnh đạo ExxonMobil - Cty nước ngoài chính hoạt động trong lĩnh vực năng lượng ở Qatar.

Nhưng bối cảnh hiện nay cho thấy, Mỹ xem ra cũng không mặn mà với vai trò này và có thể sẽ để các nước Arab tự giải quyết.

Khả Anh

Nga bác cáo buộc liên quan khủng hoảng Qatar

Ngày 7-6, Moscow bác cáo buộc rằng, các tin tặc Nga gây ra cuộc khủng hoảng ngoại giao ở Qatar, sau khi hãng tin CNN dẫn nguồn từ giới chức Mỹ cho rằng, phía Nga gài thông tin giả.

Cố vấn về an ninh mạng của Điện Kremlin Andrei Krutskikh trả lời hãng tin Interfax: “Chúng tôi mệt mỏi vì những cáo buộc vô căn cứ. Đây là cáo buộc cũ rích và như thường lệ không hề có bằng chứng”. CNN hôm 6-6 đưa tin, các quan chức tình báo Mỹ cho rằng giới tin tặc Nga đã gài thông tin sai lệch vào hãng thông tấn nhà nước Qatar khiến cho Saudi Arabia và các nước đồng minh cắt quan hệ với nước này.