Mối liên hệ giữa Saudi Arabia và kẻ tấn công London
(Cadn.com.vn) - Vì sao mối liên hệ giữa kẻ tấn công London với Saudi Arabia lại gây lo ngại? Vấn đề là tên Khalid Masood này được cho là đã bị cực đoan hóa trong thời gian ở Vương quốc Arab này.
Thông tin Khalid Masood - kẻ đứng sau vụ tấn công London hồi tuần trước khiến 4 người thiệt mạng - từng 3 lần đến Saudi Arabia đang làm dấy lên nhiều lo ngại tại Anh.
Theo AFP, Đại sứ quán Saudi Arabia xác nhận, y đã 2 lần đến Saudi Arabia theo thị thực lao động và dạy tiếng Anh ở đây. Lần thứ nhất là vào tháng 11-2005 đến tháng 11-2006 và lần 2 từ tháng 4-2008 đến tháng 4-2009. Lần đến Saudi Arabia cuối cùng và gần đây nhất là vào tháng 5-2015 nhưng là đi du lịch theo tour để hành hương đến Thánh địa Mecca như hàng triệu người Hồi giáo làm mỗi năm.
Dù hàng triệu người nước ngoài từ khắp nơi trên thế giới đến sống và làm việc ở Saudi Arabia, thời điểm đến đây của Masood ngay lập tức đặt ra những câu hỏi về việc y có bị cực đoan hóa theo nhóm khủng bố IS tại đây hay không.
Tất nhiên, không dễ trả lời câu hỏi này. Trước khi đâm một cảnh sát đến chết và lao xe vào đám đông trên cầu Westminster vào ngày 22-3, Masood từng 2 lần bị kết án vì tội bạo lực liên quan các cuộc tấn công bằng dao. Tuy nhiên, y không có bất cứ hành vi phạm tội nào liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Nhưng cũng giống như những vụ tấn công khủng bố khác trên toàn thế giới, các nhà điều tra đang cố gắng tìm hiểu xem Masood bị cực đoan hóa như thế nào. Họ cũng đang cố gắng xác định những người mà Masood có thể liên hệ khi đến Saud Arabia.
Tên Khalid Masood được cấp cứu sau vụ tấn công ở London. Ảnh: AFP |
Cho đến nay, cảnh sát Anh đã bắt giữ 12 nghi phạm kể từ sau vụ tấn công, nhưng cho đến nay vẫn chưa rõ động cơ của kẻ tấn công. Nhóm IS nhanh chóng tuyên bố nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công London và khẳng định Masood là “chiến binh của Nhà nước Hồi giáo”. Tuy nhiên, nhóm này chưa đưa ra bất kỳ bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ với kẻ tấn công. Và giới điều tra Anh hiện vẫn không rõ liệu y có tiếp xúc trực tiếp với nhóm cực đoan này hay chỉ lấy cảm hứng từ ý thức hệ bạo lực của chúng. Hiện không có câu trả lời rõ ràng. Với nhiều động cơ và nguyên nhân đưa ra, đây là lý do tại sao thời gian ở Saudi Arabia của Masood lại gây chú ý.
Saudi Arabia cho đến nay chưa giải quyết xong những tranh cãi sau vụ khủng bố 11-9-2001 ở Mỹ. Trong vụ khủng bố chấn động thế giới này, 15 trong tổng số 19 tên khủng bố được xác định là người Saudi Arabia. Thủ lĩnh nhóm khủng bố Osama bin Laden cũng mang quốc tịch Saudi Arabia trước khi bị Riyadh tước quyền công dân vào năm 1994. Sau quá trình điều tra, các cơ quan tình báo và an ninh Mỹ kết luận có nhiều bằng chứng cho thấy, tính báo Saudi Arabia liên quan đến vụ khủng bố này. Và hiện nay, thành viên các gia đình nạn nhân Mỹ đang đệ đơn kiện Saudi Arabia.
Vấn đề này, cùng với những chuyến đi của tên Masood đến Anh đặt ra câu hỏi liệu Saudi Arabia có phải là cái nôi của cực đoan hóa. Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một thập kỷ sau vụ tấn công 11-9, các giáo sĩ Hồi giáo ở nước này khuyến khích thanh niên tham gia thánh chiến ở Syria mặc dù Riyadh cấm điều này. Nhiều giáo sĩ Saudi Arabia tiếp tục sử dụng bục giảng để truyền bá học thuyết cực đoan được biết đến dưới cái tên Wahhabism, vốn có quan điểm lờ mờ về người không theo đạo Hồi và coi người Hồi giáo Shiite như những người bội giáo.
Tuy nhiên, các nhóm cực đoan như Al-Qaeda và IS xem chính phủ Saudi Arabia là kẻ thù của Hồi giáo vì tư tưởng gần gũi với phương Tây. Nhóm IS giết chết hàng chục công dân và cảnh sát trên khắp Saudi Arabia từ năm 2014. Nước này cũng chứng kiến các cuộc tấn công, bắt cóc kéo dài của Al-Qaida từ năm 2003-2006. Và chính phủ Saudi Arabia cũng luôn bác bỏ mọi cáo buộc cho rằng, nước họ là gốc rễ của cực đoan hóa.
Khả Anh