Tỏi Lý Sơn bén rễ trên đất Khánh Hòa
(Cadn.com.vn) - Tỏi Lý Sơn là đặc sản nổi tiếng của Quảng Ngãi bấy lâu nay và được nhiều người ví như "vàng trắng". Qua thời gian, việc sản xuất tỏi tại Lý Sơn gặp nhiều khó khăn do diện tích đất và lượng cát ngày càng hiếm hoi, nhiều người con của hòn đảo này đã bỏ quê đi tìm vùng đất mới cho cây tỏi. Gần 10 năm qua, với mơ ước đi tìm lối thoát cho cuộc đời mình, không ngại khó khăn, ông Võ Ái Nhân (1961) từng trải qua nhiều công việc khác nhau nhưng tất cả đều quay lưng, phụ lòng ông. Không nản, ông tiếp tục hành trình đi tìm "miền đất hứa". Sau nhiều năm phiêu bạt đến nhiều vùng biển trên khắp cả nước, cuối cùng ông dừng lại tại xã Ninh Phước, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa. Bởi, ông thấy nơi này có cát pha vôi, loại cát thích hợp nhất mà người Lý Sơn đang sử dụng để trồng tỏi. Nhận ra không có nơi nào đất giữ ẩm cao, khí hậu tốt, không ngập lụt, lại dễ di chuyển, điện nước có đủ và đặc biệt là loại đất này có thể làm cho củ tỏi có độ thơm nồng đặc trưng và lượng nhũ dầu cao, ông Nhân quyết định "cắm dùi" và bắt đầu sự nghiệp của mình tại xã biển Ninh Phước.
Ông là người đầu tiên đưa tỏi Lý Sơn vào trồng trên đất Khánh Hòa. Thời gian qua, nhiều mảnh đất khô cằn ven biển Ninh Phước dần được phủ xanh, thay màu áo mới khi tỏi Lý Sơn "bén rễ" nơi đây. Sau lần trồng thử nghiệm và thành công, ông Võ Ái Nhân có thêm cơ sở để vận động, chia sẻ kinh nghiệm trồng tỏi của mình cho bà con. "Vẫn nhớ như in, ngày trước khi mới bắt đầu đặt chân đến vùng đất này, nơi đây là một cánh đồng cát vôi phẳng lì, trải dài xa tít. Và tôi nhận ra đây là vùng đất mà mình đang tìm kiếm bấy lâu nay và trong thâm tâm tôi lúc đó thật sự muốn biến nơi đây thành một Lý Sơn thứ hai"- ông Nhân nhớ lại.
Sau vụ thu hoạch tỏi đợt đầu tiên, ông Nhân nhận thấy tỏi vừa thơm vừa ngon, tính về tỷ lệ tỏi ngon so với Lý Sơn là 9/10. Không chỉ thế, chi phí cũng như sự tiện lợi trong việc vận chuyển dễ dàng hơn nhiều so với ở đảo Lý Sơn. Đó cũng là những tiền đề quan trọng để ông Nhân quyết định lựa chọn nơi này để lập nghiệp lâu dài. Năm 1996, ông Nhân đưa cả gia đình vào lập nghiệp, bắt đầu trồng thử nghiệm gần nửa héc-ta tỏi. Qua thời gian chăm sóc, nuôi dưỡng, công không phụ lòng người, ruộng tỏi gia đình ông xanh ngát giữa một vùng cát khô cằn. Thành công ngoài mong đợi, ông mở rộng diện tích trồng tỏi lên 1,2ha, thu lãi hàng trăm triệu đồng trong mỗi vụ.
Thấy hiệu quả trong việc trồng tỏi, những người dân miền biển Ninh Phước cũng bắt tay vào làm tỏi theo ông. Từ ngày chỉ có một vài sào tỏi thưa thớt trên dải đất cát dài, đến nay nơi đây có hơn 130 ha ruộng tỏi cho thu nhập hàng chục tỷ đồng mỗi năm thay cho những cồn cát hoang. Đáng quý hơn, nơi đây đã dần hình thành một làng nghề điển hình có một không hai tại Khánh Hòa.
Ông Võ Ái Nhân. |
Giờ đây, nhìn những cánh đồng tỏi xanh tốt với các ngôi biệt thự, nhà cao tầng trị giá cả tỷ đồng thật khó nhận ra năm xưa nơi đây từng là một vùng biển hoang vắng, khốn khó. Ông Lê Thanh Chúc, một người dân ở thôn Ninh Yển (xã Ninh Phước), bày tỏ: "Trước đây người dân Ninh Phước chúng tôi đa phần sống nhờ biển, nhưng mỗi khi biển động, bão tố thì việc kiếm miếng ăn còn khó khăn lắm. Từ ngày theo ông Nhân trồng tỏi, không chỉ tôi mà nhiều gia đình tại đây đã có phần khởi sắc hơn, có nguồn thu nhập ổn định, đời sống bà con nơi đây ngày được nâng cao".
Sớm phát triển, thành công trong việc trồng tỏi trên miền đất mới, người dân đảo Lý Sơn bắt đầu tiến vào Ninh Phước ngày càng nhiều hơn. Ban đầu chỉ năm bảy hộ đến nay đã có hơn 150 hộ, sống dọc miền biển dựa vào trồng tỏi, kéo dài từ Vạn Giã đến Ninh Vân, Đầm Môn, Bãi Giếng, Hòn Tre, Hòn Lớn với diện tích đất hơn 220.000 ha. Tuy 10 năm không phải là thời gian dài để cây tỏi bén rễ trên vùng đất Ninh Phước nhưng mảnh đất này đã thực sự thay đổi. Từ lúc cây tỏi xuất hiện nó đã làm đổi đời bao người dân nghèo.
Bà Đỗ Thị Dù, Chủ tịch UBND xã Ninh Phước, cho biết: "Từ khi cây tỏi được nhân rộng tại Ninh Phước, đời sống của nhiều hộ dân đã khấm khá hơn, cuộc sống ngày càng phát triển. Hiện nay, xã đang khuyến khích dân nhân rộng diện tích trồng tỏi, đồng thời kiến nghị các cấp hỗ trợ xây dựng để tỏi nơi đây ngày càng phát triển lớn mạnh". Mùa tỏi bắt đầu từ tháng 9 và thu hoạch vào tháng 1-2 năm sau đó. Mỗi năm chỉ làm được một vụ tỏi, thời gian "đất rảnh" sẽ trồng hoa màu khác. Dù trồng nhiều loại cây nhưng tỏi vẫn chiếm giữ vị trí số 1 ở nơi này. Ông Nhân giờ đây đã được biết đến là "ông tổ" của nghề tỏi Lý Sơn tại Khánh Hòa đồng thời cũng là người đầu tiên đưa hình thức tưới tỏi bằng béc phun vào việc trồng tỏi ở bán đảo này. Việc sử dụng béc phun làm các ruộng tỏi xanh tốt và màu mỡ hơn rất nhiều so với trước. Đặc biệt là không tốn nhiều công sức lao động. Ít ai biết rằng các đầu phun đều đã được "độ" lại để phù hợp với đất cát yếu nơi này.
Ông Nhân cho biết: "Các béc phun mua về nước chảy ra quá mạnh làm rửa trôi đất cát, chết tỏi giống nên tôi phải độ lại phần gờ của nơi phun nước ra để khống chế bớt lượng nước". Tuy tỏi chỉ trồng được một vụ mỗi năm nhưng ông phải thuê gần 20 người làm mới hết việc. Những nhân công này hầu hết là người trong vùng có hoàn cảnh khó khăn, họ được nhận lương 200.000 đồng/ngày, mức lương khá cao ở xứ này. Việc trồng tỏi tuy có nhiều thuận lợi nhưng đến mùa thu hoạch công việc vất vả không kém, nhất là việc canh phòng trộm. "Chỉ cần sơ sẩy một chút là có thể mất vài tạ tỏi ấy chứ, bọn trộm thường là người từ nơi khác đến, chúng ăn trộm rồi đem bán kiếm lời, báo hại chúng tôi phải thức cả đêm canh gác"-ông Nhân cho biết.
Giờ đây, tại xã Ninh Phước, cây tỏi đã thay da đổi thịt người dân nơi này, công quan trọng là nhờ ông Nhân mà nên. Dù vậy việc giữ lấy công sức của mình là vấn đề không nhỏ, không chỉ là trộm mà còn bị ép giá, các lái buôn thường bắt chẹt người dân vì hiểu rằng thời tiết xấu tỏi sẽ dễ hư hỏng, mọc mầm hơn. Tỏi đã làm thay đổi hoàn toàn số phận bán đảo Hòn Khói với nắng cháy và cát trắng.
Nhất Huỳnh