Tôi và học trò trên facebook...

Thứ năm, 28/09/2017 09:12

Tôi vốn không "nghiện" net. Tôi chỉ dùng google để tìm kiếm thông tin hỗ trợ việc giảng dạy, đọc báo. Anh đồng nghiệp lập facebook tặng, kêu tôi gia nhập thế giới đó, cũng có nhiều cái hay. Thấy rất nhiều những lời mời kết bạn, tôi kích chuột chấp nhận. Những ngày sau tôi phát hiện, hầu hết đó là học sinh của mình. Danh sách bạn bè của tôi trên face, học trò chiếm số đông. Những học trò cũ, khi đã bước chân vào cuộc đời, những thử thách, chông gai làm các em không nén được tiếng thở dài, có em tuyệt vọng. Tôi an ủi, động viên. Thật hạnh phúc khi các em chia sẻ "Khi em tuyệt vọng, nghĩ đến cô, nỗi đau và nghị lực của cô, em không cho phép mình gục ngã!". Thật lòng, đã từng tuyệt vọng đến tận cùng nhưng xin cảm ơn cuộc đời vì nỗi đau ấy, nhờ nó tôi đã có thể dạy học trò mình bài học khi vấp ngã không được gục...

(Ảnh minh họa)

Những em học trò đi học xa, những điều không tiện tâm sự với ba mẹ lại tỉ tê với cô trên face. Những chuyện tế nhị như vậy, tôi lựa lời nói với gia đình để họ kịp thời làm bạn với con trong mùa thi cử, giảm bớt áp lực để các em tự tin học tập. Với những trò đang học trên lớp, nếu các em chia sẻ một câu Status có nội dung tục tĩu, kích động bạo lực, tôi sẽ nhắn riêng và hộp thư em, khuyên nhủ đúng sai... Là một người bạn của học trò trên face, tôi sẵn sàng trả lời những thắc mắc của các em về kiến thức thuộc bộ môn mình phụ trách nếu các em hỏi. Tôi chia sẻ những kinh nghiệm, những lời khuyên răn sư phạm khi các em gặp phải những rắc rối của cuộc sống. Nhưng mới đây thôi, tôi nằm đêm trằn trọc khi gặp một tình huống rất... tế nhị. Sau bao nhiêu trăn trở, tôi cũng có hướng giải quyết. Có một em học trò nữ (xin được giấu tên), hiện đang học lớp 10A, lớp tôi phụ trách môn Ngữ Văn. Em ấy kết bạn với tôi trên face nên em có hoạt động chia sẻ gì trên face mà để ở chế độ công khai thì tôi biết hết. Nhiều lần đọc được những lời em trò chuyện với một người đàn ông đứng tuổi ở nơi xa (người đàn ông hào hoa và đa tình này cũng kết bạn với tôi trên face). Dần dần tôi thấy những cuộc trò chuyện của cả hai có hơi hướm của một thứ tình cảm na ná tình yêu. Những lời nói ngọt ngào được vuốt thành thơ, những chia sẻ bằng những hình ảnh yêu thương... Cô bé chia sẻ trên face rằng "Người ta đã xuống học rồi còn nhắn tin thì lên online facebook chứ sao mà học được!". Tôi nhiều lần để tâm vào những cuộc trò chuyện đó rồi đâm lo...

Tôi trăn trở nhiều lắm, gặp riêng em nói liệu có tiện không? Đây là những lời vu vơ trên face cho vui thôi. Lý do gì cô can thiệp vào đời sống cá nhân của em? Mà nếu đó là những rung động thực sự của một cô học trò mới lớn thì sẽ thế nào? Em từng là học sinh giỏi được tôi bồi dưỡng cho kỳ thi học sinh giỏi Văn cấp tỉnh. Đang học giỏi như vậy, nếu em học sa sút vì cứ dành thời gian nhiều cho những bài thơ con cóc trên face thì người làm cô giáo như tôi sẽ đau lòng lắm. Nói thì có vẻ bất tiện, không nói thì lo lắng, hoang mang... Cuối cùng, tôi chọn giải pháp nói gián tiếp...Tiết học tự chọn hôm đó, tôi cho học sinh thực hiện một tiết Luyện nói về Văn nghị luận. Một em sẽ đứng lên nói những suy nghĩ của mình về vấn đề cô giáo yêu cầu. Những bạn khác lắng nghe những suy nghĩ của bạn và sẽ chất vấn, phản biện, người thuyết trình sẽ trả lời những thắc mắc của người nghe... Thật vui mừng khi tôi thấy các em ban đầu e dè, ngại ngùng nhưng sau đó thì bắt nhịp rất tốt, nói lưu loát có kèm theo ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ...

Với đề "Suy nghĩ của em về tình yêu học đường", các em đã mạnh dạn trao đổi những suy nghĩ, quan điểm về vấn đề này. Lúc nhận xét ghi điểm, tôi không quên nhấn mạnh rằng, tình cảm học trò là giúp nhau, hỗ trợ nhau học tốt. Người này nhìn thấy sự tiến bộ của người kia để cùng nhau phấn đấu, thi đua... Ở lứa tuổi người lớn thì không phải, con nít đã qua, chắc chắn những rung động đầu đời là khó tránh khỏi nhưng nhiệm vụ lớn nhất của các em lúc này là học, vui chơi lành mạnh để chuẩn bị cho mình một hành trang vững chắc vào đời. Sau tiết học đó, tôi tin rằng cô học trò giỏi Văn đang có những dấu hiệu yêu kia biết sẽ phải làm gì...

BÍCH NHÀN