Tôn tạo lõm thành trũng!
(Cadn.com.vn) - Sửa chỗ lõm trở nên lõm sâu hơn răng gọi là tôn tạo được Hai Khuê Mỹ?
- Thực tế "đắng lòng" của người dân tại Khu di tích lịch sử K20 (P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).
- Bề Tui nghe nói Căn cứ lõm K20 ni đã được tôn tạo rồi mà?
- Cũng bởi thi công công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử làng văn hóa K20 nên tình trạng ngập úng ở đây càng thêm trầm trọng hơn. Như Bề Tui biết, từ khi dự án Khu dân cư số 4 mở rộng tiến hành san nền thì hàng chục hộ dân tại khu Căn cứ lõm K20 bị bao vây bởi "tường đất" cao hơn 2m nên chuyện "bơi bè" ở đây vào mùa mưa không phải là hiếm. Đã vậy, khi công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử làng văn hóa K20 thi công đã "tiện tay" lấp luôn tuyến mương thoát nước tự nhiên duy nhất tại đây nên chỉ cần một trận mưa là các tuyến đường, kiệt và nhà dân đều ngập nặng.
- Lạ rứa hè! Theo Bề Tui biết thì công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử làng văn hóa K20 được UBND TP duyệt thực hiện từ năm 2011- 2013.
- Chẳng rõ nữa, thời hạn đó đã qua được gần 1 năm nhưng công trình này chỉ mới hoàn thành Nhà truyền thống K20 còn các hạng mục quan trọng khác như: hệ thống thoát nước và hồ điều tiết (giải quyết ngập úng) thì chưa thấy đâu...
- Vậy địa phương không "nói" chi à?
- Địa phương đã có nhiều kiến nghị nhưng đến nay tình hình vẫn không có cải thiện gì hơn. Do đó, mỗi mùa mưa địa phương phải tự bỏ kinh phí tiến hành nạo vét mương thoát nước, chống ngập úng cho dân.
- Đó chỉ là giải pháp tình thế, không thể giải quyết triệt để tình trạng ngập úng tại khu dân cư Căn cứ lõm K20. Để người dân tại đây không phải "bơi" mỗi khi có mưa, thiết nghĩ thành phố cần yêu cầu đơn vị thi công sớm hoàn thành công trình bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử làng văn hóa K20.
Sau mỗi trận mưa, tuyến đường tại Khu căn cứ lõm K20 biến thành "sông". |
Bề Tui