Tôn vinh lụa, thổ cẩm truyền thống Việt Nam

Thứ ba, 06/08/2019 09:55

Từ ngày 7 đến 9-8, Festival Văn hóa tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam - thế giới lần thứ V, năm 2019 sẽ diễn ra tại Hội An, Quảng Nam.  Đây là sự kiện có ý nghĩa thiết thực, góp phần tôn vinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Việt Nam, quảng bá, giới thiệu dệt lụa, thổ cẩm truyền thống của Việt Nam.

Biểu diễn các công đoạn sản xuất tơ lụa truyền thống tại Làng lụa Hội An.

Được xem là mô hình thành công tại Hội An về xây dựng không gian văn hóa tơ lụa gắn với phát triển du lịch, một bảo tàng sống trong lòng di sản Hội An, hiện nay mỗi ngày Làng lụa Hội An đón khoảng 1.000 du khách đến tham quan, trải nghiệm văn hóa ươm tơ dệt lụa, ẩm thực, nghỉ dưỡng.

NÂNG TẦM THƯƠNG HIỆU TƠ LỤA ĐẤT VIỆT

Với mong muốn được trở thành “hạt nhân” phục hưng nghề ươm tơ dệt lụa, Làng lụa Hội An đang cùng với các làng nghề trên cả nước nâng tầm thương hiệu tơ lụa đất Việt. Khách đến Làng lụa Hội An sẽ thêm dịp tiếp nhận, trải nghiệm, khám phá nghề ươm tơ dệt lụa một cách bài bản nhất với nhiều công đoạn truyền thống. Nơi đây còn có phòng trưng bày bộ sưu tập 100 bộ trang phục áo dài lụa Việt cổ truyền. Với những gì đang có cộng với nền tảng đã gầy dựng qua 4 mùa festival, làng lụa ở đây được kỳ vọng sẽ trở thành hạt nhân của trung tâm sản xuất tơ lụa của Việt Nam.

Nhân dịp này, không chỉ có các làng nghề lụa mà còn có rất nhiều nghệ nhân là đồng bào dân tộc thiểu số các vùng xa xôi cũng mang thổ cẩm về tham dự, trưng bày. Chị A Lăng Thị Phơi (từ Khu du lịch Suối Hoa, xã Hòa Phú, Đà Nẵng) cho biết, trong dịp này sẽ mang những tấm thổ cẩm có sắc màu và họa tiết rất đặc trưng của người Cơ Tu, tộc người sống ở vùng núi Đà Nẵng và Quảng Nam đến trưng bày. Từ khi dự án Khu Du lịch sinh thái Suối Hoa phát triển khởi sắc, một trong những yếu tố phát triển nền tảng là bảo tồn, khôi phục và quảng bá văn hóa Cơ Tu với du khách, chị A Lăng Thị Phơi rất vui khi được làm nghề cùng với những phụ nữ khác trong thôn, có thu nhập ổn định. “Tôi hy vọng thông qua festival tơ lụa và thổ cẩm, cùng với nghề ươm tơ dệt lụa, du khách có thể hiểu thêm giá trị làm nên tấm thổ cẩm rất riêng của đồng bào Cơ Tu, không chỉ là chất liệu mà còn là văn hóa”, chị  A lăng Thị Phơi cho biết.

SỰ KIỆN ĐẶC BIỆT

Ông Lê Thái Vũ - Chủ tịch HĐQT Cty CP Tơ Lụa Quảng Nam cho biết festival là sự kiện đặc biệt của ngành sản xuất tơ lụa, thổ cẩm Việt Nam và thế giới.

Đây là lần thứ 5, tại Làng lụa Hội An những người yêu thích và tâm huyết với nghề lụa cùng nhau tham dự lễ hội, cùng nhau nhìn lại hành trình phát triển ngành tơ lụa Việt Nam và tiếp đón bạn bè thế giới. “Khởi đầu từ nhu cầu giao lưu giữa các đơn vị ngành tơ lụa trong và ngoài nước, phát triển sản xuất, tìm kiếm mô hình gắn kết giữa sản xuất và thương mại của tơ lụa, chúng tôi đã tổ chức Festival Văn hóa tơ lụa lần thứ nhất vào năm 2014. Kể từ đó đến nay, mỗi năm tại Làng lụa Hội An đều diễn ra Festival Tơ lụa mang tính quốc tế, đón các nhà sản xuất Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Italia, Việt Nam… góp phần thúc đẩy sự liên kết sản xuất, khôi phục các làng nghề truyền thống, tìm đầu ra cho sản phẩm bằng xuất khẩu, tổ chức sự kiện kết nối nhà thiết kế thời trang và nhà sản xuất tơ lụa”, ông Vũ cho biết.

Theo ông Vũ, festival năm nay được tổ chức với mục đích góp phần khôi phục, phát triển nghề truyền thống dâu, tằm, tơ lụa và thổ cẩm Việt Nam, phục hồi và bảo tồn lịch sử phát triển thương cảng Hội An nằm trên “Con đường Tơ lụa trên biển”; kết nối giao thương các trung tâm sản xuất tơ lụa khác để phát huy thế mạnh chung của ngành tơ lụa Việt Nam. Festival Văn hóa Tơ lụa Thổ cẩm năm nay còn có mục tiêu chào đón những nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước hội ngộ, thảo luận các dự án mới cho ngành sản xuất tơ lụa tại Việt Nam và Quảng Nam nói riêng.

ĐỒNG DAO