Tổng thống Biden và bài toán “hội nghị G7”
Ông Joe Biden xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu toàn cầu với tư cách là Tổng thống Mỹ vào ngày 19-2 (giờ địa phương) khi tham dự cuộc họp thượng đỉnh các nước G7 nhằm thảo luận các kế hoạch đối phó đại dịch Covid-19, hồi phục kinh tế với cả những thách thức từ Trung Quốc và vấn đề Iran.
Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ tập trung đối phó Covid-19, trong đó chú trọng bài toán vaccine tại hội nghị G7 lần này. TRONG ẢNH: Ông Biden tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên trên truyền hình hôm 21-12-2020. |
Cơ hội hay thách thức?
Cuộc họp trực tuyến với các lãnh đạo G7 (gồm các nền kinh tế phát triển là Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Italia) lần này được đánh giá là cơ hội cho Tổng thống Biden đưa ra thông điệp tỏ rõ cho nhóm đồng minh G7 và các nhà lãnh đạo nước ngoài khác cái nhìn sơ lược về kế hoạch của ông, nhằm định hình lại chính sách đối ngoại của Mỹ.
Trước khi ông Biden xuất hiện qua màn hình trực tuyến tại cuộc họp G7 và Hội nghị An ninh Munich, Nhà Trắng đã tìm cách nhấn mạnh, chính quyền mới sẽ nhanh chóng định hướng lại nước Mỹ khỏi câu thần chú “Nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump bằng cách công bố một cặp chính sách quan trọng, đảo ngược các chính sách của chính quyền ông Trump. Bộ Ngoại giao đã thông báo, Mỹ sẵn sàng tham gia lại các cuộc đàm phán về việc ký lại thỏa thuận hạt nhân đa phương Iran năm 2015 vốn đã bị chính quyền ông Trump từ bỏ.
Sự chuyển mình của ông Biden trên trường thế giới diễn ra khi Washington chính thức tham gia lại Hiệp định khí hậu Paris, trong nỗ lực quốc tế lớn nhất để kiềm chế sự nóng lên toàn cầu. Cựu Tổng thống Trump đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận này vào tháng 6-2017, cho rằng, nó sẽ làm suy yếu nền kinh tế Mỹ. Tổng thống Biden thông báo kế hoạch về việc sẽ gia nhập lại hiệp định vào ngày đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, nhưng phải đợi 30 ngày để động thái có hiệu lực. Ông nhấn mạnh sẽ cân nhắc về biến đổi khí hậu vào mọi quyết định chính sách đối nội và đối ngoại.
Bước đột phá đầu tiên của ông Biden tại một hội nghị thượng đỉnh quốc tế chắc chắn sẽ được nhiều người xem đơn giản là một nỗ lực điều chỉnh lộ trình từ chương trình nghị sự của ông Trump. Tuy nhiên, tân tổng thống đã nói rõ rằng chương trình nghị sự chính sách đối nội và đối ngoại của ông sẽ không chỉ đơn thuần là sự xóa sổ “những năm tháng của ông Trump”. “Tôi mệt mỏi khi nói về Donald Trump”, ông Biden từng than thở vào đầu tuần này.
Tập trung đối phó Covid-19, vấn đề Iran
Theo phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki, ông Biden sẽ tập trung vào ứng phó toàn cầu đối với đại dịch, bao gồm việc sản xuất vaccine, cung ứng các sản phẩm và nỗ lực đối phó lây nhiễm gia tăng.
Tổng thống Biden, trong suốt chiến dịch tranh cử tuyên bố sẽ khẳng định lại vai trò lãnh đạo của Mỹ trong cộng đồng quốc tế, một vai trò mà ông Trump thường né tránh và phàn nàn, Washington thường xuyên bị các đồng minh lợi dụng. Để đạt được mục tiêu đó, Nhà Trắng cho biết, ông Biden sẽ khuyến khích các đối tác G7 thực hiện tốt cam kết với COVAX, một sáng kiến của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhằm cải thiện khả năng tiếp cận với vaccine. Và các quan chức Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Biden sẽ thông báo tại G7 rằng, Mỹ sẽ sớm bắt đầu phát hành 4 tỷ USD cho một nỗ lực quốc tế nhằm thúc đẩy việc mua và phân phối vaccine Covid-19 cho các quốc gia nghèo, một chương trình mà ông Trump từ chối hỗ trợ.
Ông Trump đã rút khỏi WHO và từ chối chương trình COVAX vốn có hơn 190 quốc gia tham gia. Cựu Tổng thống cáo buộc WHO che đậy những sai lầm của Trung Quốc trong việc xử lý đại dịch khi bắt đầu cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng. Tất nhiên vẫn còn phải xem các đồng minh G7 sẽ thực hiện các lời kêu gọi của ông Biden về tăng cường hợp tác quốc tế về phân phối vaccine như thế nào, do Mỹ từ chối tham gia vào sáng kiến dưới thời Trump và ngày càng có nhiều lời kêu gọi chính quyền Biden phân phối một số sản phẩm do Mỹ sản xuất.
Các đồng minh G7 cũng muốn lắng nghe chính sách của ông Biden về một cuộc khủng hoảng đang rình rập với Iran. Tehran vừa thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) về việc sẽ đình chỉ việc thực hiện tự nguyện vào tuần tới một điều khoản trong thỏa thuận năm 2015 cho phép các giám sát hạt nhân của LHQ kiểm tra các địa điểm không được khai báo ở Iran trong thời gian ngắn trừ khi Washington lùi các lệnh trừng phạt vào ngày 23-2. AP đưa tin, chính ngoại trưởng Antony Blinken hôm 18- 2 nói với những người đồng cấp từ Pháp, Đức và Anh rằng, Mỹ chuẩn bị tham gia vào các cuộc thảo luận với Iran trong nỗ lực đạt được một thỏa thuận về việc trở lại tuân thủ đầy đủ thỏa thuận hạt nhân năm 2015.
“Ông ấy cũng sẽ thảo luận về phục hồi kinh tế toàn cầu, bao gồm tầm quan trọng của tất cả các nước công nghiệp duy trì hỗ trợ quá trình hồi phục, và tầm quan trọng trong việc cập nhật vai trò toàn cầu nhằm đối phó các thách thức kinh tế như thách thức đến từ Trung Quốc”, một chuyên gia nhận định.
KHẢ ANH