Tổng thống Mỹ đến Hiroshima: Chuyến thăm hàn gắn lịch sử

Thứ bảy, 28/05/2016 10:20

(Cadn.com.vn) - Ông Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử đến thăm Hiroshima - thành phố phải hứng chịu một trong hai quả bom nguyên tử Washington ném xuống lãnh thổ  Nhật Bản trong Thế chiến II.

Cả thế giới tập trung chú ý về Hiroshima, Nhật Bản khi ngày 27-5, Tổng thống Mỹ Barack Obama có chuyến thăm lịch sử đến thành phố từng hứng chịu tấn công bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới vào ngày 6-8-1945.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, một tổng thống đương nhiệm Mỹ đến thăm thành phố này. Chuyến thăm được đánh giá là nhằm thắt chặt sợi dây ngoại giao giữa hai đồng minh thân cận khi ông Obama đang nỗ lực làm nên lịch sử mà không xát muối lên vết thương cũ.

Tổng thống Mỹ Obama gặp và an ủi một nạn nhân còn sống sót sau vụ ném bom nguyên tử nhằm vào Hiroshima. Ảnh: Reuters

Vì sao ông Obama không nói lời xin lỗi?

Ông Obama đến thăm Bảo tàng Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima trước khi đi bộ cùng với Thủ tướng Shinzo Abe đến Công viên Hòa bình Hiroshima – nơi cả hai nhà lãnh đạo đặt vòng hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì bom nguyên tử của Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng gặp một số người còn sống sót sau thảm họa này, hầu hết đều là trẻ em tại thời điểm thành phố của họ bị phá hủy khiến ít nhất 140.000 người thiệt mạng.

“Những cái chết từ trên trời rơi xuống và thế giới giờ đã thay đổi”, ông Obama nói đồng thời khẳng định, “tôi muốn lần nữa chỉ rõ những mối đe dọa thực sự đang hiện hữu ngoài kia”. Nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố, ký ức ngày 6-8-1945 “không bao giờ phai nhạt” nhưng không xin lỗi vì hành động ném bom nguyên tử của Washington. Đã có nhiều tranh cãi quanh việc này.

Trước khi đến với Hiroshima, Tổng thống Obama đã có lời giải thích về quyết định này. Ông chủ Nhà Trắng cho rằng, “các nhà lãnh đạo phải đưa ra mọi kiểu quyết định, trong đó có các quyết định rất khó khăn, đặc biệt trong thời chiến”. Và một thực tế, theo giới chuyên gia, một lời xin lỗi như vậy sẽ gây nhiều tranh cãi tại Mỹ hay các quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên... vốn phải chịu đựng gánh nặng của sự hung hăng và tàn bạo của quân đội Nhật trong chiến tranh. Nhiều người Mỹ hiện vẫn xem việc tấn công bằng bom nguyên tử là giải pháp để giúp kết thúc Thế chiến II trong khi những người khác xem đây là tội ác chiến tranh.

Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, với người Nhật, việc “không có lời xin lỗi” khiến ý nghĩa bước ngoặt của chuyến thăm không trọn vẹn.

Một thế giới không vũ khí hạt nhân

“Đây là cơ hội để theo đuổi hòa bình và an ninh, một thế giới nơi vũ khí hạt nhân sẽ không còn cần thiết”, ông Obama nói khi đến thăm Hiroshima.

Tổng thống Obama bày tỏ hy vọng sẽ đánh dấu chuyến thăm Hiroshima là thời điểm lịch sử làm thay đổi vấn đề - Mỹ là quốc gia duy nhất đã từng sử dụng một quả bom hạt nhân - và cảnh báo nhân loại phải tránh lặp lại thảm kịch này. “Việc tấn công bằng bom nguyên tử, mở ra thời kỳ chạy đua vũ khí hạt nhân, là một điểm cong trong lịch sử hiện đại”, ông Obama nói.

Nhà lãnh đạo Mỹ cũng hy vọng việc xuất hiện tại Hiroshima sẽ giúp ông củng cố cam kết về việc giảm kho dự trữ vũ khí hạt nhân trên toàn cầu, một nỗ lực mới chỉ đạt những bước tiến vừa phải sau 7 năm ông Obama nắm quyền ở Nhà Trắng. Trong khi vị tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử Mỹ đạt những thành công bước ngoặt trong việc ký kết thỏa thuận hạt nhân với Iran, tham vọng hạt nhân của Triều Tiên vẫn là một bài toán khó giải.

Vì vậy, trong bài phát biểu tại Công viên Hòa bình Hiroshima cùng với Thủ tướng Abe, Tổng thống Obama khẳng định thế giới có trách nhiệm chung tìm cách ngăn chặn tái diễn những gì đã từng xảy ra hơn 70 năm trước. Nhà lãnh đạo này cũng đồng thời kêu gọi cắt giảm các kho dự trữ vũ khí hạt nhân và hướng đến một thế giới không có loại vũ khí này.

Khả Anh

G7 ra tuyên bố chung, quan ngại về tình hình biển Đông

Ngày 27-5, các nhà lãnh đạo nhóm G7 ra tuyên bố chung kết thúc hội nghị thượng đỉnh, trong đó bày tỏ quan ngại về tình hình căng thẳng gia tăng trên các vùng biển ở Châu Á, nhất là ở biển Đông – nơi Trung Quốc đang có những tuyên bố chủ quyền vô lý cùng các hoạt động cải tạo đất trái phép.

 “Chúng tôi quan ngại về tình hình ở các vùng biển Hoa Đông và biển Đông, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xử lý và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình”, Reuters dẫn tuyên bố của G7 nêu rõ. Tuyên bố chung cũng tái khẳng định cần tôn trọng quyền tự do hàng hải và hàng không ở các vùng biển này, nhấn mạnh các nước nên kiềm chế “những hành động đơn phương có thể làm bùng nổ căng thẳng”. Mặc dù tuyên bố chung không nêu đích danh một quốc gia cụ thể nào, nhưng Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng tuyên bố “rất không hài lòng” tuyên bố này của nhóm G7 về biển Đông.

Ngoài vấn đề tranh chấp lãnh thổ, tuyên bố chung của G7 cũng lên án việc Triều Tiên thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo; cảnh báo việc Anh rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) có thể gây ra hậu quả kinh tế nghiêm trọng…

T.Linh