Tổng thống Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Cuộc gặp trực tiếp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un sẽ được coi là bước ngoặt lịch sử sau nhiều thập niên đối đầu. Có những lý do buộc lãnh đạo Nhà Trắng nhất trí gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Phái đoàn Hàn Quốc đến Mỹ gặp Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters |
Nhà Trắng ngày 9-3 xác nhận Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để tìm kiếm một thỏa thuận về giải trừ vũ khí hạt nhân. Trong một thông báo, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Sarah Sanders nêu rõ: "Tổng thống Trump chấp nhận lời mời gặp nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại một địa điểm và thời gian sẽ được ấn định. Chúng tôi hướng tới việc giải trừ vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Trong khi đó, tất cả biện pháp trừng phạt và sức ép tối đa phải được duy trì".
Bất ngờ và sốc
Giới phân tích thế giới tỏ ra bất ngờ, thậm chí là bị sốc trước thông báo về cuộc gặp lịch sử này. Joel Wit, chuyên gia cấp cao tại Viện Mỹ - Hàn Johns Hopkins, người từng tham gia đàm phán với Triều Tiên dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Bill Clinton, cho biết, ông rất ngạc nhiên khi nghe thông tin này, dù trước đó đã có đồn đoán rằng sẽ có một cuộc gặp cấp cao giữa các quan chức Washington và Bình Nhưỡng. "Tôi từng nghĩ rằng sẽ chỉ có cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và Ngoại trưởng Triều Tiên mà thôi. Đây đúng là một thông tin gây sốc", ông Wit nói.
Theo ông Wit, sự kiện là dấu hiệu cho thấy đang có sự chuyển biến lớn trong tính toán chiến lược của Triều Tiên, từ phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa sang chính sách ngoại giao, điều đã được họ thể hiện rất rõ ràng với Hàn Quốc trong kỳ Thế vận hội Mùa Đông vừa qua. Ông Wit cho rằng, dù rất nhiều người tỏ ra nghi ngờ về lời mời của Triều Tiên, đây có thể là một bước ngoặt mang tính lịch sử chấm dứt 60 năm thù địch giữa Washington và Bình Nhưỡng, nên chính quyền Trump sẽ phải tận dụng hết sức cơ hội hiếm hoi này.
dụng hết sức cơ hội hiếm hoi này. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jaein hoan nghênh thỏa thuận về cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo Triều Tiên là một "dấu mốc lịch sử" đối với nền hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. "Cuộc gặp vào tháng 5 sẽ được ghi nhận là dấu mốc lịch sử hiện thực hóa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Nếu ông Trump và ông Kim gặp nhau sau cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều, việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên về thực chất sẽ được đặt vào đúng đường hướng", ông Moon tuyên bố.
Ngoài ra, ông Moon cũng cảm ơn ông Trump và ông Kim vì "lòng dũng cảm và trí tuệ" của họ, cho rằng việc ông Trump nhận lời mời của ông Kim sẽ nhận được sự ca ngợi của người dân không chỉ ở Hàn Quốc và Triều Tiên mà còn trên khắp thế giới. Ông Moon tuyên bố Hàn Quốc sẽ cố gắng tận dụng "cơ hội được tạo ra như một phép mầu" này.
Từ đối đầu thành đối thoại
Tờ New York Times cho rằng, sai lầm khi đánh giá thấp năng lực hạt nhân Triều Tiên khiến Mỹ phải chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.
Ngay khi ông Trump nhậm chức, có nhận định rằng, Triều Tiên phải mất rất nhiều thời gian- ít nhất là 4 năm- để có thể đạt được mục tiêu tấn công vào đất Mỹ. Giới tình báo Mỹ khẳng định, thời gian 4 năm là quá đủ để ông Trump có thể vạch ra các phương án đối phó. Giới tình báo nước này cũng cho rằng, còn rất lâu để Triều Tiên có thể phát triển được bom khinh khí- loại bom có sức công phá mạnh hơn rất nhiều so với bom hạt nhân. Tuy nhiên, cả 2 nhận định trên nhanh chóng trở lên lỗi thời với tốc độ phát triển hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Triều Tiên khiến giới quan sát quốc tế ngỡ ngàng khi thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ 6 vào tháng 9- 2017. Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng thử thành công bom nhiệt hạch với sức công phá mạnh gấp 15 lần bom hạt nhân từng san phẳng thành phố Hiroshima. Dự báo thiếu chính xác khiến đội ngũ cố vấn về an ninh quốc gia của Tổng thống Trump "không kịp trở tay" và đưa ra những phản ứng hết sức trái ngược về khả năng xảy ra khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Cố vấn An ninh Quốc gia H.R. McMaster thừa nhận, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã "chạm đến vạch đích" trong cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân, và các cuộc đàm phán sắp tới với Triều Tiên sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Ông McMaster cho rằng, chính phủ Mỹ cần phải làm mọi điều có thể và phải đẩy nhanh những nỗ lực nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân Triều Tiên trong thời gian ngắn nhất để tránh khả năng xảy ra xung đột.
AN BÌNH