Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam:

TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn

Thứ năm, 03/12/2015 08:17

(Cadn.com.vn) - Ngày 2-12, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam công bố Báo cáo mới nhất “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”.

Phát biểu tại công bố Báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”, bà Victoria, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhận định, cầu nội địa mạnh hơn, xuất khẩu vẫn được duy trì, cùng với lạm phát thấp và niềm tin được củng cố đã tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng trong kỳ trung hạn của Việt Nam. Đây là thời điểm thích hợp để củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, tạo thêm khoảng đệm chính sách thông qua những nỗ lực kiên quyết để kiềm chế sự mất cân đối tài khóa và giải quyết những vấn đề bất cập còn tồn tại của khu vực ngân hàng.

Thuyết trình về các kết quả nghiên cứu chính trong Báo cáo “Điểm lại: Cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam”, ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế Cao cấp, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho biết, kinh tế Việt Nam đã ứng phó tương đối tốt trước những biến động của môi trường kinh tế bên ngoài với tăng trưởng GDP ước tính đạt 6,5% trong năm 2015. Mức tăng trưởng kinh tế đáng khích lệ đạt được trong năm 2015 phần nhiều là do tăng tổng cầu trong nước nhờ gia tăng đầu tư và tiêu dùng cá nhân.

WB nhận định, trong không gian TPP, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. (Ảnh minh họa)

Theo Báo cáo, điều kiện kinh tế vĩ mô thuận lợi hơn đã giúp duy trì ổn định hệ thống ngân hàng. Về ngoại thương, kết quả xuất khẩu của Việt Nam vẫn duy trì, cụ thể tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm tăng 9,2% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu hàng chế biến, chế tạo, nhất là các sản phẩm công nghệ cao như điện thoại, điện tử và máy tính. Báo cáo cũng chỉ ra viễn cảnh trung hạn của Việt Nam là tích cực, dự kiến đà tăng trưởng tiếp tục được duy trì và lạm phát sẽ ở mức thấp.

* Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã được chính phủ hai nước ký kết vào tháng 5-2015. Ngày 30-11 vừa qua, Quốc hội Hàn Quốc đã phê chuẩn Hiệp định này. Nhằm tăng cường các hoạt động thông thương, sáng 2-12, tại Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA Hanoi) đã tổ chức sự kiện “Giao thương Doanh nghiệp Hàn Quốc-Việt Nam-Korea Vietnam Show in Hanoi 2015”. Theo đó, trong hai ngày 2 và 3-12, sẽ có 40 doanh nghiệp có quy mô đến từ Hàn Quốc và khoảng 400 doanh nghiệp Việt Nam tham dự kết nối giao thương. Các sản phẩm Hàn Quốc được trưng bày và giới thiệu gồm mỹ phẩm, thực phẩm đồ uống, dệt may, hàng tiêu dùng, dược-thiết bị y tế, điện tử, vật tư máy móc trong sản xuất công nghiệp.

Cũng tại sự kiện này, các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu và tìm kiếm các doanh nghiệp nhập khẩu Hàn Quốc trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, dệt may...Tổng Giám đốc KOTRA Hanoi Lee Hyu Seon cho biết: “Hiệp định Thương mại Tự do giữa Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang mở ra nhiều cơ hội hợp tác tích cực cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước. Năm 2015 KOTRA Hanoi đã tổ chức 7 sự kiện giao thương và 3 triển lãm quy mô lớn tại Hà Nội. Chúng tôi tin tưởng và đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam”.

Tuy nhiên, tốc độ tái cơ cấu chậm có thể gây rủi ro đối với tiềm năng tăng trưởng trung hạn và những trì hoãn trong việc thắt chặt tài khóa sẽ làm ảnh hưởng tới mức độ bền vững của nợ công. Trong điều kiện môi trường kinh tế còn nhiều bất ổn như vậy, cần bảo đảm quản lý kinh tế vĩ mô tốt thì mới có thể tạo khoảng đệm chính sách và đối phó được với các cú sốc trong tương lai. Tiếp tục củng cố tài khóa, đẩy nhanh cải cách cơ cấu và tăng cường dự trữ ngoại tệ sẽ giúp giảm bớt các tác động bất lợi.

Trình bày chuyên đề về Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Chuyên gia kinh tế Cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Phạm Minh Đức nhấn mạnh, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho Việt Nam.

Là thành viên có mức thu nhập GDP đầu người thấp nhất trong các nước thành viên Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương, Việt Nam có những lợi thế so sánh đặc biệt mà các thành viên khác không có, đặc biệt là trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng nhiều lao động. Các kết quả mô phỏng cho thấy trong vòng 20 năm tới Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương sẽ đóng góp thêm 8% GDP của Việt Nam, 17% giá trị xuất khẩu thực tế và 12% năng lực sản xuất. Mặc dù sẽ có nhiều thách thức, nhưng tác động chung của Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương đối với Việt Nam là tích cực.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ, Hiệp định Đối tác Kinh tế xuyên Thái Bình Dương mới hoàn tất gần đây sẽ không chỉ cải thiện tiếp cận thị trường mà còn là một nhân tố quan trọng cho giai đoạn tiếp theo của các cải cách cơ cấu tại Việt Nam.

Nguyên An