Trầm tích xứ thanh (2)

Thứ sáu, 20/09/2013 11:25

* Bài cuối: Cái nôi ươm mầm tài năng đất nước

(Cadn.com.vn) - Đi cùng xe chúng tôi đến thăm các địa danh có cựu chiến binh-nhà thơ xứ Thanh vui tính Lê Đăng Sơn. Anh từng là bộ đội miền Đông Nam Bộ như tôi. Anh kể rằng, trước khi Toàn quốc kháng chiến, năm 1947, Cụ Hồ đã về thăm Thanh Hóa. Chuyến thăm đó Cụ đã có câu nói nổi tiếng:"Nếu Chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi Chính phủ". Nhưng cái đó chưa là mục tiêu chuyến đi của Cụ. Mục đích lớn của Cụ Hồ là tầm nhìn toàn cục cuộc kháng Pháp từ cái nôi Thanh Hóa, nơi "người đông, đất rộng, của cải nhiều...".

Không có dân công, bộ đội, lương thực xứ Thanh thì chiến dịch Điện Biên Phủ khó thắng lợi trọn vẹn. Trong chiến tranh chống Mỹ, hơn 20 vạn thanh niên Thanh Hóa có mặt ở khắp các chiến trường miền Nam, Lào, Campuchia...Trong hai cuộc chiến, Thanh Hóa có gần 60.000 liệt sĩ, hơn 60.000 thương bệnh binh, 1.525 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là những con số máu. Những con số nước mắt. Đọc tiểu thuyết Truyền thuyết sông Thu Bồn rất xúc động của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh tôi hiểu thêm tấm lòng  người xứ Thanh với miền Nam đánh Mỹ. Tiểu thuyết viết về Tiểu đoàn đặc công Lam Sơn, toàn lính trẻ Thanh Hóa chi viện cho chiến trường Quảng Nam từ năm Mậu Thân 1968. Chỉ một tiểu đoàn thôi, sau 7 năm chiến tranh, bao nhiêu lần bổ sung quân số, số thương vong có thể lên đến cả trung đoàn, thế mà chỉ còn 4 người sống sót!

Lê Đăng Sơn dẫn chúng tôi đi thăm Đền thờ Mẹ Việt Nam anh hùng hoành tráng trên đồi cao; thăm đồi C4, trận địa Pháo 57 ly bảo vệ cầu Hàm Rồng ác liệt từ năm 1965-1972 của Trung đoàn 228 lừng danh năm xưa; thăm "Các cụ già bắn rơi máy bay" đã hóa tượng đài sừng sững... Tất cả đều rất xúc động và cảm phục. Nhưng tôi lại khóc trước một "di tích" nhỏ hơn. Bên bờ Sông Mã phía Nam cầu Hàm Rồng có một bia thờ ghi danh sách 64 em sinh viên Trường trung cấp y và Trường Sư phạm Thanh Hóa. Ngày ấy, các em đi đắp đê Sông Mã. Hết giờ chiều, nếu về thì chẳng việc gì, nhưng các em ở lại gắng làm thêm cho xong việc để ngày mai được nghỉ. Đang làm thì máy bay Mỹ ào tới ném bom... Cả khúc sông đẫm máu.

Điều xúc động hơn là sau chuyến đi Thanh về, tôi kể cho vợ tôi nghe chuyện 64 liệt sĩ  bên Sông Mã ngày 14-6-1972 ấy, vợ tôi bỗng nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Em kể rằng, tí nữa thì em cũng vùi thây ở đó. Buổi chiều đó lớp kế hoạch Trường Trung cấp Thương nghiệp Thanh Hóa của em cũng lao động đúng chỗ bờ đê đó. Hết giờ bọn em về, mai làm tiếp. Cả lớp đi bộ về chưa đến cây số đã nghe bom nổ, đất đá bay rào rào. Bom ngớt, cả lớp trở lại bờ sông để cấp cứu... Câu chuyện làm tôi ớn lạnh. Vợ tôi người Tân Kỳ, Nghệ An, thời chiến tranh đi học trung cấp ở Thanh Hóa. Có ai ngờ cuộc sống riêng của gia đình tôi hôm nay cũng dính tới tấm bia 64 liệt sĩ nằm thầm lặng ở cái góc khuất bên bờ sông Mã, bên con đường nhựa cao hơn, cuộc sống mưu sinh đang ồn ả lao qua mỗi ngày ấy...

Tượng đài các cụ già bắn rơi máy bay.

Bất ngờ nhất trong chuyến "về Thanh" của tôi là được về thăm làng Quần Tín, xã Thọ Cường, H. Triệu Sơn. Ở cái làng quê trung du này không có công trình gì đồ sộ cả, mà chỉ là những mái nhà tranh, nhà ngói bình dị. Chị Bí thư Đảng ủy xã Thọ Cường trẻ trung đón chúng tôi ở cái lán dựng tạm ở đầu làng. Chị bảo: Cái tên Quần Tín có nghĩa là "nơi hội tụ của niềm tin". Đúng là nơi hội tụ thật. Đây là nơi sinh hoạt học tập suốt 7 năm từ 1947 đến  1954 của rất nhiều nhà chính trị, tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, học giả "cây đa cây đề" thuộc lớp đầu đàn của văn nghệ cách mạng Việt Nam. Ở đây là cái nôi của Văn nghệ kháng chiến, gọi là Trường đại học Văn hóa (khóa 1, 2) do thầy Đặng Thai Mai làm hiệu trưởng. Ngôi đình làng và ngôi trường của Tổng Tam Lộng (trường dạy đồng ấu) làm nơi học của Trường còn đó.

Giảng viên là các nhà văn, nhà lý luận nổi tiếng như Đặng Thai Mai, Nguyễn Lương Ngọc, Hải Triều, Nguyễn Tuân, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Lạp, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên. Tham gia giảng dạy còn có các cụ Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Ngọc Thạch, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tuân, Thế Lữ, Tố Hữu, "lưỡng quốc tướng quân" Nguyễn Sơn... Năm 1949, xưởng Mỹ thuật Liên Khu IV được thành lập ở Quần Tín do họa sĩ Nguyễn Văn Tỵ phụ trách với sự tham gia của các họa sĩ: Nguyễn Sĩ Ngọc, Phạm Văn Đôn, Nguyễn Thị Kim, Nguyễn Như Hoành... Bên cạnh Quần Tín là xã Thọ Tín, là nơi ở của bà Đạm Phương nữ sử  (1881-1947) (bà nội nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) và cô con dâu, vợ  nhà văn Hải Triều...

Bà con Quần Tín ngày ấy đã nhường cơm sẻ áo nuôi nấng thầy trò trường Đại học Văn nghệ đầu tiên. Những người  già Quần Tín đưa chúng tôi đi thăm lại từng ngôi nhà nơi ngày xưa các văn nghệ sĩ ở và kể rất nhiều kỷ niệm với các tướng lĩnh, văn nghệ sĩ, các nhà chính trị một thời cùng làm ruộng, đi rừng lấy củi, trồng sắn, cùng tắm giếng, ăn cơm với  mình ngày ấy. Tình nghĩa lắm. Quần Tín thực sự là cái nôi ươm mầm tài năng cho chính trị, văn học và nghệ thuật đất nước. Nhiều học viên của trường đã thành đạt, trở thành những người nổi tiếng. Đặc biệt, Quần Tín còn là nơi gia đình Hoàng Thân Xu-Va-Nu-Vông sống và làm việc từ tháng 2-1950 đến tháng 2-1951.

Những ngôi nhà xưa cũ ấy vẫn được bà con Quần Tín bảo vệ. Đình, đền, trường làng của Quần Tín trước kia đều là nơi làm việc, nơi ở, lớp học của các văn nghệ sĩ, chính trị gia. Ở làng Quần Tín nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật nổi tiếng sống mãi với thời gian đã ra đời như "Bài ca vỡ đất" của Hoàng Trung Thông, "Đêm nay Bác không ngủ" của Minh Huệ,"Phá đường" của Tố Hữu.... ; hay các tác phẩm mỹ thuật nổi tiếng của xưởng Quần Tín như Cái bát (Tình quân dân)-sơn mài của Nguyễn Sĩ Ngọc, tranh in đá về Du kích Cảnh Dương của Nguyễn Văn Tỵ, Phạm Văn Đôn, Hạnh phúc- phù điêu đắp nổi của Nguyễn Thị Kim...

Cảm ơn xứ Thanh trầm tích đã tiếp cho tôi thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ trong cuộc đời. Lại nhớ thơ Văn Đắc: ...Thế là thơ cùng trời đất / Những vu vơ xếp lại hóa thiên đường... Vâng, tất cả ngỡ như quên mà còn. Một chuyến đi "về Thanh" vu vơ cưỡi ngựa xem hoa thế, bỗng đầy ắp tâm tình, tâm linh, tâm đắc, tâm cảm... chưa tới Ngã Ba Môi / đã  Sầm Sơn sóng /anh chú ngựa hoang /gió dựng bờm... (NM)

Bút ký của Ngô Minh