Trận chiến bắt “vàng đen” lậu trên biển
Trong cẩm nang về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại của Vùng Cảnh sát biển 2, “mẻ lưới” bắt giữ gần 5 triệu lít dầu trên tàu Pacific Ocean mang quốc tịch Singapore hồi giữa năm 2018 chứa nhiều tình tiết ly kỳ như phim hành động.
Lực lượng Vùng Cảnh sát biển 2 cơ động bắt quả tang tàu Pacific Ocean buôn lậu 5 triệu lít dầu trên vùng biển Việt Nam. |
Mật phục trên đầu con sóng
Chiều 11-4-2018, giữa biển trời mênh mông, cách Đèo Ngang 45 hải lý, có 4 người trên một chiếc tàu nhỏ đang dõi mắt quan sát từng di biến động của con tàu bí ẩn cách đó nhiều hải lý. Với những người đi biển khác, thật khó để nhận biết trên con tàu bí ẩn kia là một kho “vàng đen” khổng lồ chuẩn bị “nhả hàng”. Đúng 16 giờ 15, kho dầu di động trên biển đang chảy hối hả sang một con tàu không số, cả 17 người trên tàu đã không kịp phản ứng khi 4 chiến sĩ Cảnh sát biển bất ngờ ập đến. Ít phút sau, các lực lượng hỗ trợ khác của Vùng Cảnh sát biển 2 có mặt, khống chế toàn bộ con tàu Pacific Ocean mang quốc tịch Singapore. Chiến dịch bắt giữ vụ buôn lậu dầu ly kỳ nhất từ trước tới nay của Vùng Cảnh sát biển 2 sau nhiều tháng kết thúc.
“Tiếp cận bất ngờ, lập biên bản quả tang, xử phạt gần 140 triệu đồng, phát mãi tài sản nộp ngân sách 57 tỷ đồng... nghe đơn giản nhỉ? Nhưng để có từng đó, lực lượng trinh sát ngoài biển, trên bờ phải trải qua 2 tháng dầm dề. Có lúc hết lương thực, hết nhiên liệu, thậm chí có thời điểm tưởng như đã bế tắc...”, Trung tá Hoàng Quốc Việt - Phó trưởng Phòng Trinh sát, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2, tâm sự.
Bộ tứ trinh sát viên gồm Đại úy Trần Xuân Hiệu, Thượng úy Lê Như Hùng, Thượng úy Trần Văn Đông và Thiếu úy Nguyễn Ngọc Tư, những người đã khuất phục kho dầu khổng lồ di động trên biển Việt Nam kể về “mẻ lưới” này như một bộ phim hành động. Không chỉ là 2 tháng trời hoạt động đơn tuyến lênh đênh sát với đường phân định Vịnh Bắc Bộ, đối mặt với những ngày thời tiết khắc nghiệt, lương thực, nhiên liệu cạn sạch ngoài dự kiến mà trước ngày kéo “mẻ lưới” này, cả đội đã phải chấp nhận “buông” trong một tình huống cả hai bên nhìn thấy mặt nhau.
Thượng úy Đông kể, khi thấy thời cơ đến, lực lượng trinh sát lao thẳng tới tàu chở dầu với một tốc độ rất lớn, nhưng gần đến nơi thì việc “ăn hàng” cũng vừa kết thúc. Nếu tiếp cận lúc này thì hiện trường gần như không còn gì, rất khó để bắt quả tang, hoàn thiện hồ sơ xử lý. “Sau cuộc trao đổi chóng vánh, chúng tôi quyết định “xé sóng” đi thẳng, cắt mặt tàu Pacific Ocean đi một hơi như tàu hàng, tàu cá bình thường. Chỉ cần giảm tốc độ, đổi hướng hay dừng lại là chắc chắn họ sẽ phát hiện. Công sức cả tập thể trong mấy tháng trời đã được cứu vãn trong mấy giây”, Thượng úy Đông kể lại.
Với Thiếu úy Nguyễn Ngọc Tư đã có những lúc khó khăn bủa vây, anh lo lắng về nguy cơ sểnh “con cá lớn”. Nhưng bên những người đồng chí rắn rỏi, mình cũng “rát” dần lên và biết chịu đựng để vượt qua. Thành bại ở ngoài khơi mong manh hơn nhiều, thời cơ vàng cũng chỉ đến trong khoảnh khắc ngắn ngủi. Không những thế, các đối tượng buôn lậu quốc tế luôn có đủ thủ đoạn ngay cả khi bị bắt quả tang. “Với tôi, khoảnh khắc 4 anh em áp sát và làm chủ tình hình trước con tàu khổng lồ với 17 người trên đó gần như là một giới hạn để trưởng thành hơn. Chúng tôi phải chuẩn bị tinh thần với hành vi sẵn sàng chống trả, kể cả việc họ có vũ khí”, Thiếu úy Tư kể.
Lực lượng Cảnh sát biển “đột kích” tàu buôn lậu dầu Pacific Ocean sau 2 tháng theo dõi trên vùng biển Việt Nam. |
Bị “trinh sát” ngược
Là một người từng trải với nhiều vụ án lớn nhỏ, đối mặt với nhiều tình huống căng thẳng, Thượng tá Lê Phúc Tiến- Trưởng phòng Pháp luật, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 2 khẳng định, đây là mẻ lưới khó khăn nhất cả trong quá trình trinh sát, bám mục tiêu và hoàn tất hồ sơ xử lý.
Theo lời khai của thuyền trưởng Darwis Bin Asikin (quốc tịch Indonesia), tàu được Cty Far East Shipping & Trading Pte Ltd yêu cầu nhận 5 triệu lít dầu DO từ một con tàu khác có tên Charlotte trên vùng biển Việt Nam. Trên hải trình của mình, để đối phó với lực lượng thực thi pháp luật trên biển, các đối tượng buôn lậu cũng có lực lượng “trinh sát” trên bờ nhằm nghe ngóng động tĩnh, cảnh giới mọi nguy cơ. Ngoài “ăn hàng” những lúc sóng to gió lớn hoặc khi màn đêm buông xuống, khi bị đánh úp, biết không thể phi tang chứng cứ, chúng sẽ quay ra tìm cách mua chuộc. Khi thủ đoạn này thất bại, chúng một mặt tìm cách tiếp cận lực lượng trên bờ để “nói chuyện riêng”, một mặt liên lạc về nước hợp thức hóa những hồ sơ cần thiết để đối phó với các quy định của pháp luật Việt Nam.
“Sau khi bị bắt, cả thuyền trưởng và Cty đã dùng mọi thủ đoạn để lách luật, chạy tội. Phải sau gần 2 tháng đấu tranh quyết liệt mới xử lý được. Nếu không am hiểu về luật quốc tế, không có kinh nghiệm thì sẽ rất khó khăn”, Thượng tá Tiến cho hay.
Trung tá Hoàng Quốc Việt tâm sự, chiến thắng được thời tiết trong điều kiện đơn tuyến trên biển đã khó, thắng được sự nôn nóng để chờ phát lệnh đánh án cũng khó, vượt qua được những tình huống nguy hiểm chực chờ trên những con tàu buôn lậu phi pháp cũng không đơn giản. Nhưng một bài học mà lực lượng thực thi pháp luật trên biển, đặc biệt là chống buôn lậu, gian lận thương mại phải thuộc nằm lòng, đó là cảnh giác với “viên đạn bọc đường”.
“Một trong những yếu tố đảm bảo thành công mọi nhiệm vụ của Vùng Cảnh sát biển 2 là phong trào “4 tốt, 4 không, 4 chống”. Trong đó, chống can thiệp, chống tiếp tay, chống bao che, chống làm ngơ là vũ khí chiến thắng trước mọi thủ đoạn mua chuộc của đối tượng. Những khẩu hiệu đó không chỉ được in trên ca-bin mỗi con tàu, trên cổng doanh trại, trong phòng làm việc, mà nó khắc vào tim”, Trung tá Việt khẳng định.
ĐÔNG A