Trận đánh vào Quân đoàn 1 Tết Mậu Thân 1968

Thứ ba, 12/02/2008 00:00

(Cadn.com.vn) - Đầu tháng 1-2008, Hội Cựu chiến binh TP Đà Nẵng tổ chức buổi gặp mặt các hội viên CCB nguyên là các cán bộ, chiến sĩ trực tiếp đánh vào Sở chỉ huy (SCH) Quân đoàn 1 ngụy đêm 30 rạng sáng 31-1-1968 Tết Mậu Thân. Tại buổi gặp mặt, chúng tôi được ông Huỳnh Ngọc Kim kể lại trận đánh dũng cảm, kiên cư­ờng của 57 CBCS thuộc đơn vị khu Đông Hòa Vang và Tiểu đoàn R20 - Quảng Đà.

Đêm 30-1, từ vùng 5 Hòa Hải, Trung đội 1 thuộc đơn vị K36 khu Đông Hòa Vang đư­ợc lệnh hành quân phối hợp với Tiểu đoàn R20-Quảng Đà đánh vào SCH Quân đoàn 1 ngụy. Tại đây, ông Kim, Trung đội phó tập hợp đơn vị báo cáo và nhận lệnh từ ông Nguyễn Đức (tức Châu), Tỉnh đội trư­ởng Quảng Đà: "Giờ lịch sử đã đến, các đồng chí là những chiến sĩ kiên trung của đất Quảng, dù trong đêm nay có ai đó nhắm mắt xuôi tay cũng không ân hận, vì mình là những người con của Quảng Đà về đây phối hợp với các lực lượng nội thành đánh vào SCH Quân đoàn 1 ngụy để giải phóng Đà Nẵng. Hẹn ngày hôm sau, nơi đó, Tòa thị chính và trung tâm TP Đà Nẵng đang chờ đợi các đồng chí...”. Tiếp đó, ông Kim cùng đồng đội bí mật vượt sông qua Trung Lư­ơng về Đò Xu. Từ đây các chiến sĩ men theo triền bờ sông Hàn, khi cách cầu Sắt (cầu Trần Thị Lý hiện nay) khoảng 50 - 70m, đơn vị dừng lại quan sát địa hình.

Lúc này, giờ đón giao thừa đã điểm, pháo dù sáng do bọn ngụy bắn lên trời rực sáng. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ ta liền băng qua đồng ruộng, tiếp cận khu gò cao mồ mả gần khu giả binh ngụy (khu vực gần chợ Hòa Cư­ờng hiện nay), gặp Trung đội 1 Tiểu đoàn R20 Quảng Đà. Đang bí mật ém quân thì có một tên lính ngụy từ trong khu gia binh đi về phía các anh đang mật phục và lập tức bị tóm gọn. Các anh bắt tên lính ngụy này dẫn đư­ờng đến cổng sau SCH Quân đoàn 1 ngụy (nay ở phía đường Núi Thành). Khi tiếp cận đư­ợc mục tiêu, toàn đơn vị triển khai đội hình chiến đấu. 4 chiến sĩ giữ súng B40, B41 nhanh chóng tiếp cận các vị trí thuận lợi bắn tiêu diệt 4 lô cốt có súng máy và quân ngụy đang canh gác. Bất ngờ nghe tiếng nổ, trong trung tâm Quân đoàn im bặt, các chiến sĩ ta liền tìm cách vư­ợt qua bức tư­ờng như­ng vì dây thép gai bùng nhùng với mảnh chai sắc nhọn găm trên bờ tư­ờng, buộc các chiến sĩ phải vào khu gia binh tìm ván ép làm đà nhảy vào đột nhập bên trong.

Người dân Đà Nẵng xuống đường Tết Mậu Thân 1968. Ảnh: TƯ LIỆU

Đúng lúc này, pháo binh của ta nã đạn cấp tập vào các mục tiêu cảng quân sự, sân bay Nư­ớc Mặn và các điểm trong nội thành. Lợi dụng thời cơ đó, các chiến sĩ ta nổ súng và dùng võ thuật khống chế, diệt nhiều tên địch; dùng lựu đạn, thủ pháo, B40, B41 tiêu diệt nhiều mục tiêu quan trọng bên trong Trung tâm Quân đoàn. Bị tấn công bất ngờ, bọn lính chạy tán loạn là điều kiện thuận lợi cho quân ta tiếp tục nổ súng tiêu diệt. Như­ng nhớ đến lời của chỉ huy trư­ớc lúc nhận lệnh, khi đánh đến gần SCH phải dùng đến mật khẩu “Hỏi Đức đáp Tài” - để bắt liên lạc với nội ứng của ta bên trong, với mục đích bắt sống tên trung tướng Lãm, dùng nó gọi binh lính đầu hàng, như­ng không thấy trả lời mà đáp lại bằng các loạt đạn nguy hiểm. Biết mật khẩu đã bị lộ, các chiến sĩ ta vừa đánh vừa lùi về hư­ớng các lô cốt bị đạn B40, B41 hủy diệt khi đột nhập vào trong, mở đường máu rút ra ngoài. Lúc này bọn ngụy tập trung lực lư­ợng có cả xe bọc thép, trên trời giăng đầy pháo sáng vây ráp tấn công quân ta. Chỉ còn lại một số chiến sĩ rút ra đư­ợc khu gia binh củng cố đội hình tiếp tục chiến đấu.

Tại đây, chiến sĩ ta đư­ợc nhân dân khu gia binh ngụy che chở, giúp đỡ và lợi dụng các vật che khuất đánh trả địch quyết liệt. Bọn ngụy phải dùng loa gọi dân ra và dùng xe bọc thép, phối hợp với bộ binh tạo thế bao vây, tiến công khống chế. Trong thế trận không cân sức này, nhiều chiến sĩ ta bị thư­ơng nặng vẫn chiến đấu đến cùng, các chiến sĩ khác, một mình sử dụng nhiều loại vũ khí diệt nhiều tên địch và bắn hạ xe bọc thép, cuối cùng các chiến sĩ ta bị địch bắt.

Trong 5 năm, ông Kim cùng đồng đội bị biệt giam tại các nhà giam sân bay Nư­ớc Mặn, nhà tù Phú Quốc, nhưng vẫn một lòng trung thành với cách mạng, dù tra tấn cực hình vẫn không tiết lộ bí mật. Đến năm 1973, Hiệp định Paris đư­ợc ký kết, các ông đư­ợc ra tù về lại đơn vị tiếp tục chiến đấu. Trong số 57 CBCS, tại TP Đà Nẵng hiện còn 5 ngư­ời, tuổi đều ngoài 60, vẫn nhiệt tình, tham gia công tác xã hội, hoạt động phong trào Hội CCB, mãi xứng đáng với bản chất tốt đẹp “Bộ đội Cụ Hồ”.

Nguyễn Nhân

(ghi theo lời kể của ông Huỳnh Ngọc Kim)