Trăn trở tìm danh tính cho liệt sĩ

Thứ sáu, 28/07/2017 11:05

Ra đời năm 1973, Trung đoàn (nay là Lữ đoàn) Tăng - Thiết giáp 574 đã tham gia chiến đấu và lập nhiều chiến công xuất sắc trên chiến tường Khu 5, được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Nặng tình đồng đội, những cựu chiến binh (CCB) của đơn vị dù cuộc sống hôm nay còn bộn bề khó khăn vẫn miệt mài hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt, xác định danh tính cho các liệt sĩ.

CCB Nguyễn Tuấn Anh (thứ 2, trái qua) cùng đồng đội tại buổi gặp mặt kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574.

Ông Nguyễn Tuấn Anh (P.Nại Hiên Đông, Q.Sơn Trà), nguyên y tá Đại đội 17, Tiểu đoàn 177b kể:  sáng sớm ngày 27-1-1973, trên đường đơn vị hành quân từ Phước Sơn sang Hiệp Đức (Quảng Nam), có 3 chiến sĩ công binh làm nhiệm vụ mở đường, dò gỡ mìn, đề nghị Thiếu úy Hoàng Em, Đại đội trưởng Đại đội 17 cho đi cùng và được bố trí ngồi trong chiếc xe tăng dẫn đầu đội hình, do Binh nhất Nguyễn Văn Hoàn quê xã Tân Tiến, H. Chương Mỹ, Hà Tây (nay là Hà Nội) lái. 5 giờ sáng, tại ngã ba Đồng Tranh đã xảy ra một trận đụng độ ác liệt giữa ta và địch. Lúc này, địch trên chốt gần đó nã đạn tới tấp xuống đội hình của ta. Chiếc xe đi đầu trúng đạn, lái xe và một chiến sĩ công binh hy sinh tại chỗ, 2 chiến sĩ bị thương nặng. Y tá Nguyễn Tuấn ngồi ở xe sau, băng lên trực tiếp băng bó, cấp cứu cho thương binh. Trên đường đưa về tuyến sau, do vết thương quá nặng, một chiến sĩ công binh nữa hy sinh. Chiều cùng ngày, Tuấn Anh và đồng đội đưa thi thể 3 liệt sĩ về an táng tại Hiệp Đức, Quảng Nam. Do không biết chính xác tên tuổi, quê quán, đơn vị của các chiến sĩ công binh nên khi chôn, chỉ khắc được tên người lái  xe Nguyễn Văn Hoàn.

Sau ngày giải phóng, 3 ngôi mộ trên được địa phương quy tập về nghĩa trang liệt sĩ xã Quế Thọ, H. Hiệp Đức. Hiện liệt sĩ Nguyễn Văn Hoàn đã được gia đình đưa về quê nhà, nhưng 2 liệt sĩ công binh vẫn còn nằm lại ở đây với những tấm bia chưa được khắc tên. Sau khi liên hệ với nhiều đơn vị từng tham gia chiến đấu trên chiến trường Quảng Nam đầu năm 1973 nhưng chưa dò được tung tích, ông Tuấn Anh viết đơn nhờ kênh QPVN phối hợp, thông tin rộng rãi để sớm trả lại tên cho những đồng đội đã anh dũng hy sinh. Câu chuyện này đã được đưa lên chương trình "Đi tìm đồng đội số 10" của QPVN và được hàng nghìn người xem, truy cập. CCB Tuấn Anh bày tỏ: "Tôi đã từng chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh trước mắt mình, trên tay mình, đau xót lắm. Các anh ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho đồng đội, người thân. Còn biết bao người mẹ, người chị, người em gái ở các làng quê vẫn từng ngày, từng giờ khắc khoải, mỏi mòn chờ mong tin tức cha, chồng, con mình. Vì thế ai biết được thông tin của các liệt sĩ trên, xin hãy liên lạc ngay với tôi theo số điện thoại 0905135757".

Qua những lần gặp mặt truyền thống cựu chiến binh Lữ đoàn Tăng-Thiết giáp 574, ông còn tình cờ biết được câu chuyện về Trung sĩ Trung đội phó Trần Văn Hay (Đại đội 2, Tiểu đoàn 177) hy sinh tháng 8-1972, được chôn tại một vạt rừng thuộc H. Quế Sơn, Quảng Nam. Ngày ấy, vì đang trên đường truy kích địch nên đơn vị chưa kịp khắc bia cho liệt sĩ. Những người trực tiếp chôn chỉ nhớ mang máng ngôi mộ nằm cách trục đường khoảng 50m, gần một căn hầm có 2 phiến đá xếp hình chữ A. Sau nhiều lần tìm kiếm khắp các nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn tỉnh Quảng Nam mà không thấy, lần theo nguồn tin trên, năm 2006, CCB Nguyễn Tuấn Anh về xã Quế Long, H. Quế Sơn tìm được khu đất an táng liệt sĩ. Ông chụp ảnh rồi gửi cho những đồng đội năm xưa để xác minh độ chính xác. Sau đó ông báo tin cho gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Hay và năm 2011, phối hợp cùng Lữ đoàn 574 cất bốc, đưa hài cốt về an táng tại nghĩa trang quê nhà (xã Kim Xá, H. Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc).

Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã vô cùng vất vả, nhưng để trả lại tên tuổi, danh tính cho các liệt sĩ sẽ còn là hành trình dài đầy khó khăn, rất cần sự chung tay, góp sức không chỉ của các CCB như ông Nguyễn Tuấn Anh mà còn của toàn xã hội.

Ngọc Diệp