Trăn trở từ làng nghề 400 năm
(Cadn.com.vn) - Năm 1602, dinh trấn Quảng Nam được lập tại Thanh Chiêm (nay là thôn Thanh Chiêm 1, xã Điện Phương, Điện Bàn, Quảng Nam). Những cư dân Thanh-Nghệ theo chúa Nguyễn làm nghề rèn phục vụ chiến tranh được bố trí ngụ gần Dinh trấn. Từ đó, làng Chú tượng Phước Kiều được lập. Cuối thế kỷ XVIII, quân Tây Sơn đánh ra, nhu cầu sản xuất vũ khí tại chỗ, mới lập một làng đúc vũ khí mới, cách Chú Tượng một con lạch ở phía nam, gọi là làng Tạc tượng Đông Kiều. Năm 1832, vua Minh Mạng sát nhập hai làng, thành làng Đúc đồng Phước Kiều.
Dưới triều Nguyễn, sản phẩm Phước Kiều chủ yếu phục vụ sinh hoạt nghi lễ của quan lại và Hành cung của Dinh trấn như nồi niêu, soong chảo, lư đèn, chiêng khánh... Nhiều nghệ nhân được triều đình gọi ra Phú Xuân đúc đỉnh, vạc, ấn tín. Một số được phong "Cửu phẩm đội trưởng". Lúc này, nhiều vị được cử ra tiền cung Ái Tử (Quảng Trị) đúc đỉnh, vạc. Ở đây, họ gặp đồng bào thiểu số Cam Lộ, mới học cách làm cồng chiêng. Khi cửa khẩu Lao Bảo, cửa An Khê được thông thương, mở ra một thị trường mới cho Phước Kiều. Từ đây, cồng chiêng Phước Kiều được bán lên Tây Nguyên. Từ thời Quang Trung đánh ra đến thời đánh Pháp, Mỹ, dân Phước Kiều nhiều lần tản cư vào Tam Kỳ, sau năm 1975 lại trở về quê. Nhưng lúc này, đồ đồng được coi là hàng xa xỉ phẩm, cấm sản xuất. Năm 1986, nghề đúc đồng Phước Kiều mới được phép sản xuất lại nhưng, nạn chảy máu cồng chiêng Tây Nguyên diễn ra, làng nghề tiếp tục thất bát.
Bây giờ, số nghệ nhân Phước Kiều đúc được cồng chiêng chỉ còn 4 người là các ông Dương Quốc Thuần (52 tuổi), Dương Ngọc Sang (76 tuổi), Dương Nhi (82 tuổi), Dương Ngọc Tiễn (53 tuổi), cùng trú thôn Thanh Chiêm 1. Những người này có cơ sở đúc đồng riêng, thuê nhân công và người làm công nhưng trẻ nhất cũng đã 45 tuổi! Năm 2005, "Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên" được UNESCO công nhận là "Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại". Làng nghề phục hồi bằng việc đúc cồng chiêng bán cho đồng bàoTây Nguyên. Thế nhưng, do hưng phế quá lâu, còn quá ít người biết đúc cồng chiêng, mà lớp trẻ thì không ai mặn mà. Năm 2011, UBND huyện Điện Bàn ra Quyết định "Phê duyệt dự án đầu tư và phát triển làng nghề truyền thống đúc đồng Phước Kiều gắn với du lịch", chính ông Tiễn viết đề án. Từ đó, dù luôn là điểm đến của những ngày hội văn hóa nhưng đến nay vẫn thưa vắng khách du lịch đến với Phước Kiều.
Công nhân đang rót đồng vào khuôn. |
Thực tế, để xúc tiến đề án, UBND tỉnh cũng đã đầu tư làm nhà truyền thống, trùng tu nhà thờ tổ cửu tộc, hỗ trợ kinh phí triển lãm hội chợ... Nhưng, theo ông Tiễn, việc đầu tư chưa có chiều sâu. Cụ thể, những lớp tập huấn chưa tuyên truyền cho người dân hiểu được lợi ích lâu dài của việc triển khai du lịch cộng đồng, chưa hình thành được con người làm du lịch bài bản, chưa tạo được sự đoàn kết giữa các hộ... Và đặc biệt, làng nghề chưa có một danh xưng xứng đáng nào.
Ngày "Không gian văn hóa công chiêng" nhận bằng từ UNESCO, ông Tiễn đi theo đoàn Quảng Nam, mang theo một lược sử làng nghề dài 45 trang do ông tự viết, rồi gửi cho Giáo sư Trần Văn Khê, ông Nguyễn Chí Bền-nguyên Viện trưởng Viện Văn Hóa Nghệ Thuật... Ông biểu diễn tại chỗ khâu thẩm âm, phản bác quan điểm cho rằng người sản xuất không tự thẩm âm được. Bản thân ông cũng đã tham gia giảng dạy lớp hướng dẫn thẩm âm cho các đồng bào thiểu số vào năm 2007, 2011... "Đúc cồng chiêng Tây Nguyên, ngoài Phước Kiều còn có làng Bằng Châu ở Bình Định, cũng chung vấn nạn như Phước Kiều. 20 năm nữa, khi 4 người biết đúc cồng chiêng còn lại ở Phước Kiều qua đời, ai sẽ là người thay thế, rồi cồng chiêng Tây Nguyên sẽ ra sao? Phước Kiều nằm trên tuyến hành lang du lịch Hội An - Mỹ Sơn, rất thuận lợi triển khai du lịch và chỉ có thể gắn với du lịch. Nên, các cấp ngành cần phải công nhận làng nghề là di sản phi vật thể quốc gia, đồng thời, mở những lớp đào tạo đúc đồng, du lịch một cách bài bản rồi kêu gọi lớp trẻ tham gia. Có như vậy, làng nghề mới tồn tại được"-ông Tiễn khẳng định.
Mai Thành Dũng