Trăn trở vùng biên

Thứ sáu, 05/05/2017 08:00

(Cadn.com.vn) - H.Tây Giang (Quảng Nam) khi mới tái lập năm 2003, nằm trong tốp huyện nghèo nhất nước, tất cả từ con số “0”. Sau gần 15 năm, Tây Giang đã bứt phá đi lên đầy ngoạn mục trong công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH. Tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống còn 46%, thu nhập bình quân đầu người toàn huyện đã đạt hơn 17 triệu đồng một năm, nhưng vẫn còn đó biết bao gian khó, trăn trở, lo âu...

Bia di tích tuyến đường Trường Sơn 559 qua địa phận Tây Giang.

Huyền thoại trong chiến tranh 

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, Tây Giang là một bộ phận căn cứ miền núi vững chắc của Quảng Nam, Quân khu 5, Nam khu 4, và vùng hạ Lào, đường hành lang tuyến đường mòn Hồ Chí Minh... Là tuyến đường tập kết ra Bắc vào Nam, nơi vận chuyển hàng, vũ khí, nơi che giấu bí mật cán bộ, bộ đội. Trong những năm kháng chiến ác liệt nhất từ 1959 đến 1975,  trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại của Binh đoàn Trường Sơn (Đoàn 559), QĐNDVN đã triển khai các đơn vị công binh, hậu cần, y tế, bộ binh và phòng không để đảm bảo hoạt động của hệ thống tuyến đường này. Những người lính trong cuộc chiến gọi tuyến đường Trường Sơn là tuyến lửa, đã thực hiện vận chuyển quân, quân nhu, lương thực vào chiến trường miền Nam, tuyến lửa Trường Sơn thực sự là căn cứ quan trọng của quân đội ta. Tại Tây Giang, tuyến đường Trường Sơn đi qua địa phận huyện dài hơn 30 km, nơi đây còn nguyên những di tích như địa đạo A Xoò, nơi nuôi giấu cán bộ, bộ đội, theo số liệu của Trung đoàn 36, Binh đoàn 559, có hơn 300 chiến sĩ đã hy sinh tại đây, hiện chưa tìm được hài cốt. Đến nay, còn khoảng 6,5 km vẫn giữ nguyên hiện trạng đường Hồ Chí Minh và hệ thống địa đạo A Xoò tại xã A Nông, Tây Giang, ngày 22-7-2009 UBND tỉnh Quảng Nam đã ra quyết định công nhận địa đạo A Xoò là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Ông Bhling Mia-Chủ tịch UBND H. Tây Giang cho biết, ước vọng của nhân dân Tây Giang là có Khu tưởng niệm chiến tích A Xoò và đường Trường Sơn 559 trên địa phận thôn A Xoò, nhằm giáo dục cho các thế hệ, nhất là thanh thiếu niên về quá khứ hào hùng, hướng tới tương lai, góp  phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp. Năm 2017 là năm sẽ kỷ niệm 70 năm ngày TTB-LS (27-7-1947-27-7-2017), gần 15 năm tái lập, nhưng H. Tây Giang có 235 liệt sĩ  hiện chưa có nghĩa trang để quy tập. Hiện nhiều liệt sĩ vẫn an nghỉ tại nghĩa trang H. Đông Giang, một số được chôn cất tại nghĩa trang gia đình. Đặc biệt, năm 2016, UBND huyện tiếp nhận danh sách 17 liệt sĩ hy sinh tại A Xoò ngày 16-4-1968 của các cựu chiến binh Hoàng Thanh Phú, Đỗ Lan, những người trực tiếp chôn cất các liệt sĩ. Năm 2014, huyện đã vận động cán bộ, nhân dân, các doanh nghiệp đóng góp được 195 triệu đồng, xây dựng một ngôi đền nhỏ, ngay tại nơi khu căn cứ đóng quân của Trung đoàn 36, Binh đoàn 559 năm xưa, là nơi dừng chân của cán bộ, bộ đội trên đường ra Bắc vào Nam. Ông Bhling Mia tâm sự, với số kinh phí quá ít ỏi nên ngôi đền tưởng niệm còn quá đơn sơ, nhiều hạng mục chưa thể xây dựng.  Trước những ước vọng bức thiết của cán bộ, nhân dân Tây Giang, các cựu chiến binh đã từng công tác, chiến đấu tại tuyến đường Hồ Chí Minh, cuối tháng 3-2017, UBND H. Tây Giang đã lập Đề án về việc “Xây dựng Khu tưởng niệm chiến tích lịch sử A Xoò và đường Hồ Chí Minh huyền thoại 559”. Vị trí công trình sẽ được xây dựng  ngay tại vị trí ngôi đền nhỏ đã được xây dựng từ năm 2014, với các hạng mục như: Khu nhà bia tưởng niệm, khu nhóm tượng các anh hùng liệt sĩ, nghĩa trang liệt sĩ... trên diện tích 2 ha, với kinh phí 12 tỷ đồng. Ông Bhling Mia cho biết, đề án đã có nhưng ngân sách địa phương không thể triển khai được, mà phải có sự hỗ trợ từ Trung ương, tỉnh và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để thực hiện từ đầu năm 2017 đến năm 2019.

Lãnh đạo H. Tây Giang trao đổi về công tác mở rộng mặt bằng khu dân cư ở Tây Giang.

Đời sống bà con dân tộc ở vùng cao biên giới Tây Giang còn rất khó khăn, do giao thông cách trở.

Khát vọng thoát nghèo

 Ở ngay cửa ra vào mỗi cơ quan, ban ngành ở Tây Giang đều treo một tấm biển “cán bộ phải gần dân, thương dân và hiểu dân”. Người mới đến Tây Giang có thể cho đó là một “khẩu hiệu hình thức”, nhưng khi đến đây tìm hiểu mới cảm nhận được đội ngũ cán bộ ở Tây Giang rất sâu sát với cơ sở. Nhiều lần theo chân các cán bộ lãnh đạo huyện đến các thôn bản, tôi đã   cảm nhận được điều đó... Gần 15 năm qua, Tây Giang đã đạt được một số thành tựu về KT-XH, nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, vướng mắc như kinh tế phát triển còn chậm, hiệu quả các mô hình nông nghiệp chưa rõ nét. Phát triển, cơ cấu sản xuất còn mang nặng tính tự phát, ruộng đất manh mún, chưa hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Tiến độ xây dựng các công trình xây dựng cơ bản chậm do thời tiết bất lợi, thiếu vốn, năng lực, trách nhiệm, quản lý, điều hành của chủ đầu tư và đơn vị thi công hạn chế. Tuyến đường đi các xã vùng cao, một số tuyến giao thông liên xã, liên thôn bị hư hỏng nặng, giao thông bị chia cắt nhưng việc sửa chữa, khắc phục gặp nhiều khó khăn. Về giáo dục, cơ sở vật chất dạy và học còn thiếu, giáo viên mới hợp đồng còn thiếu kinh nghiệm, thiếu cả về số lượng nhưng không thể hợp đồng thêm vì không có kinh phí. Việc triển khai xây dựng trường chuẩn hết sức khó khăn do thiếu vốn để xây dựng cơ sở vật chất. Tiến độ xây dựng nông thôn mới còn chậm...

Trong lần làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam mới đây, Huyện ủy Tây Giang đã kiến nghị xây dựng tuyến đường giao thông Axan-Chơm-Gia Ry có chiều dài 23km; Hỗ trợ đầu tư xây dựng công trình giao thông dân sinh cấp bách liên xã A Tiêng-Bhaleê-A Vương đến H. Đông Giang, nhằm đáp ứng nhu cầu giao thông cấp thiết, phục vụ nhân dân, khắc phục tình trạng bị cô lập khi có sạt lở đất, lũ quét...; đề nghị tỉnh quan tâm hỗ trợ hoàn thiện 8km đường vào làng sinh thái pơ mu, nơi có quần thể cây di sản Việt Nam, để thu hút khách du lịch; cho  lập vườn Quốc gia pơ mu Tây Giang để có cơ chế đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát triển rừng... và một số kiến nghị khác liên quan đến y tế, giáo dục. Đặc biệt là đề nghị tỉnh đồng ý để huyện kêu gọi tổ chức, cá nhân đóng góp xây dựng Cột cờ Trường Sơn miền Trung Việt Nam tại thôn Chanốc, xã Chơm...

Năm 2017 là năm du lịch của Tây Giang, Tây Giang lại được Bộ VH-TT&DL chọn là nơi đăng cai Ngày hội trình diễn nghi thức dựng cây nêu, giao lưu văn hóa và du lịch các dân tộc thiểu số Việt Nam trong chương trình Festival Di sản Quảng Nam lần thứ VI-năm 2017. Ông Bhling Mia cho biết, sẽ có hàng nghìn du khách trong và ngoài nước lên Tây Giang. Với điều kiện cơ sở vật chất, hạ tầng còn vô cùng khó khăn, thiếu thốn đây là sự lo lắng, trăn trở của cán bộ và nhân dân Tây Giang. Mong rằng những kiến nghị, đề xuất của H. Tây Giang sẽ sớm được  xem xét hỗ trợ, nhằm giúp Tây Giang phát triển, trở thành điểm sáng của vùng Tây biên giới Quảng Nam.

Hồng Thanh