Trang bị kỹ năng PCCC trong trường học

Thứ bảy, 27/10/2018 16:00

Thực tế cho thấy, nguy cơ cháy nổ tại trường học luôn hiện hữu, đặc biệt là ở phòng thí nghiệm, nơi chứa nhiều loại dung dịch, hóa chất và khu vực bếp ăn. Ngoài ra, cháy nổ có thể xảy ra do sự thiếu an toàn của hệ thống điện, sự bất cẩn của cán bộ, giáo viên, học sinh. Để đảm bảo an toàn tính mạng khi xảy ra cháy, các cán bộ, giáo viên, học sinh cần được trang bị những kiến thức về PCCC và cách thoát nạn, thoát hiểm. Sau khi có quy ước ký kết giữa Sở GD-ĐT và Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng từ năm 2016, công tác tuyên truyền an toàn PCCC tại các cơ ở giáo dục, trường học được đặc biệt quan tâm. Những kiến thức PCCC cơ bản, thiết thực, cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày và những kỹ năng thoát nạn khi có sự cố xảy ra đang được đẩy mạnh tuyên truyền, hướng gần đến với đối tượng cán bộ, giáo viên và học sinh.

Hướng dẫn các em học sinh kỹ năng thoát khỏi đám cháy.

Theo thầy Đặng Ngọc Lam-Hiệu trưởng Trường THCS Lê Thánh Tôn (Q.Hải Châu), hiện nay, thời lượng các em tham gia học tập kiến thức rất nhiều, các buổi ngoại khóa đa số là những chương trình cắm trại, còn những buổi ngoại khóa về kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm an toàn PCCC trong trường học rất hạn chế. Khi xảy ra cháy nổ sẽ rất dễ làm cho các em có tâm lý hoảng loạn nên việc học hỏi những kỹ năng này là vô cùng cần thiết. "Để những hoạt động giảng dạy kỹ năng sống, thoát nạn đi vào chiều sâu, nhà trường thường xuyên lồng ghép với hoạt động học tập trên lớp, chú trọng cách thức tiếp cận đơn giản, dễ hiểu nhất. Bên cạnh đó, nhà trường còn phối hợp lực lượng Cảnh sát PCCC tổ chức giảng dạy và thực tập trực quan vào các buổi sinh hoạt tập trung giúp giáo viên, học sinh có thể học hỏi kiến thức"-thầy Lam cho biết.

Tại một buổi tuyên truyền kỹ năng PCCC cho học sinh tại Trường Tiểu học Lê Lai (Q.Ngũ Hành Sơn), ngoài hướng dẫn cách thoát hiểm, cán bộ tuyên truyền cũng nhắc nhở các em về hiểm họa tiềm ẩn mất an toàn PCCC thường gặp đối với trẻ em như cẩn thận khi chơi đồ chơi có sạc pin (máy bay, xe điều khiển từ xa...), không sử dụng điện thoại khi đang cắm sạc; không dùng nước hắt vào đám lửa đề phòng trường hợp cháy thiết bị điện có thể gây hậu quả lớn, nên tránh xa khi thấy dây điện bị đứt... Với đối tượng là các em học sinh tiểu học còn hiếu động nên cách thức tiếp cận cũng phải khác. Những bài giảng về kiến thức PCCC không khô khan, lý thuyết mà phải sinh động mới thu hút được sự chú ý của các em và khiến những buổi tuyên truyền về PCCC bớt nhàm chán.

Trung úy Phạm Duy Ca, CAQ Ngũ Hành Sơn cho biết cùng các cán bộ truyên truyền lựa chọn cách chia sẻ gần gũi, hài hước thông qua các trò chơi lồng ghép thì các em sẽ rất dễ đón nhận những kiến thức PCCC. Sau đó các em có thể trở thành tuyên truyền viên chia sẻ kiến thức với gia đình và bạn bè, giúp thay đổi nhận thức của mọi người về PCCC.

MAI VINH