Trang viết để lại cho con

Thứ sáu, 08/10/2021 16:58

Bút tích của ông Mai Ngọc Châu ở P. Hòa Quý (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) lưu lại sâu đậm là cuốn nhật ký cho con trai viết từ thủ đô Hà Nội trước khi vào Nam chiến đấu, Ông muốn con luôn tự hào về cuộc đời hoạt động của ba mẹ mình trong kháng chiến.

Ông Mai Ngọc Châu (giữa, đội mũ tai bèo) trong chuyến thăm Cuba dự hội nghị châu Mỹ La-tinh năm 1967. Ảnh chụp lại. 

Cuộc chiến ở hang Non Nước

Anh Mai Ngọc Hà, con trai của ông Mai Ngọc Châu luôn giữ cuốn nhật ký của cha viết cho mình, nâng niu như báu vật. Cha của anh từng tập kết ra Bắc, rồi trở về Nam hoạt động ở chiến trường Quảng Đà. Từ năm 1966, người con vùng đất Ngũ Hành được gặp Bác Hồ và có 393 lần đi báo cáo trong và ngoài nước chuyện Hòa Vang đánh Mỹ. Ông trở vào Nam hoạt động lần thứ hai (1973) một thời gian ngắn, rồi trở ra vì sức khỏe yếu. Ông Châu mất năm 1990 tại quê hương sau khi rời cương vị bí thư Đảng ủy P. Thọ Quang, Q. Sơn Trà.

Tuổi thơ dữ dội cực "từ trong trứng'' cùng biến cố cuộc đời, mưu sinh vất vả khiến anh Hà ít chia sẻ với người ngoài. Chẳng thế mà quyển nhật ký của cha, điều có thể hé lộ về cuộc sống của người cán bộ Huyện ủy suốt 48 năm anh Hà giữ kín cho đến nay.

Trang đầu tiên, ông Mai Ngọc Châu viết: "Để ghi chép những mẩu chuyện hàng ngày có tính chất kỷ niệm sâu sắc từ ngày xa quê hương. Nhất là hoạt động đi báo cáo một số nước trên thế giới việc đánh Mỹ của nhân dân Hòa Vang". Ông tâm sự: "7 năm ba công tác ở huyện nhà đầy gian khổ. Địch lập chính quyền kèm kẹp, nhân dân không ai dám liên lạc với cộng sản do đó việc hoạt động vô cùng phức tạp, Ba chủ yếu nằm trong hầm hay có lúc ngoài rừng hay bờ bụi vắng người. 7 năm thì gần 3 năm không thấy mặt trời…".

Trận đánh ở núi Non Nước tháng 4-1963, được người cha kể tỉ mỉ nhất. Ông Châu cùng hai đồng chí của mình trú ẩn trong hang để hoạt động thì bị gián điệp địch bỏ thuốc mê vào thức ăn. Thấy ông còn tỉnh táo, không thể bắt sống được, chúng ném lựu đạn hòng tiêu diệt. Hai đồng chí hy sinh, ông bị thương nặng vẫn bắn trả quyết liệt. Chúng vừa kêu hàng vừa ném bom xăng vào cháy hết quần áo, tăng cường nhiều đại đội canh gác quanh hang Non Nước, đèn măng xông sáng trưng một vùng. Hai ngày đêm nằm im, 4 giờ sáng hôm sau nữa, đợi chúng mỏi mệt, mất cảnh giác, Mai Ngọc Châu trườn xuống núi. Địch phát hiện đuổi theo, suốt 13 ngày, ông cầm cự giữa vòng vây dày đặc của kẻ thù mà vẫn sống sót kỳ lạ. Ông dành nhiều trang để mô tả "cuộc chiến" tìm chiếc quần đùi quá đỗi bi thương: "Mấy ngày liền không cơm ăn, vết thương sưng mủ nặng, quần áo không có, cứ ở trần. Ba nghĩ, thế nào cũng chết. Chết cũng phải có cái quần đùi mặc che thân, cho đồng bào họ chôn. Ba quyết định về làng, ghé nhà cô của con. Địch vẫn rình rập xung quanh. Cô Hai cho ba cái quần đùi có nhiều miếng vá và một số tiền bảo ba đi gấp, kẻo lộ". Sức sống mãnh liệt của người chiến sĩ cộng sản đã vượt qua tàn khốc của chiến tranh. Vừa hồi phục, ông Mai Ngọc Châu đã cùng đồng chí của mình lao vào lãnh đạo nhân dân đấu tranh chính trị quy mô toàn Đà Nẵng khi giặc Mỹ ném bom tàn sát 45 học sinh thôn Mân Quang, Hòa Quý vào 16-3-1965, khiến kẻ thù khiếp sợ, phong trào cách mạng ngùn ngụt lan tỏa khắp nơi.

Trang nhật ký của ông Mai Ngọc Châu.

Hòa Vang- Chấm son trên bản đồ

Tháng 3- 1966, ông Mai Ngọc Châu lúc này là Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang, phụ trách Chính trị viên Huyện đội được ra Bắc chữa bệnh. Bác Hồ đã cho gọi ông đến báo cáo tình hình trong Nam. Cùng dự với Bác Hồ hôm đó có các đồng chí trong Bộ Chính trị. Giọng Quảng chưa quen nghe, đôi lúc Bác phải nhờ đồng chí Phan Triêm, quê Gò Nổi, lúc này là Phó Ban Tổ chức Trung ương "phiên dịch". Càng nghe, Bác càng thêm khâm phục quân dân Hòa Vang, huyện đầu tiên của Quảng Đà đánh Mỹ. Bác bảo Huyện ủy và Đảng bộ Hòa Vang chiến đấu như thế là kiên cường và sáng tạo, rồi chỉ tay lên tấm bản đồ nói với ông Châu và các đồng chí có mặt: "Phải làm cho Hòa Vang trở thành một chấm son trên bản đồ của Tổ quốc!". 

Đồng chí Lê Duẩn thì nói: "Hòa Vang trong Đảng. Củ Chi trên đài", ai nấy đều vỗ tay hưởng ứng. Trong nhật ký của mình, ông Châu cũng đã ghi lại một ngày bên Bác, ăn cơm cùng Người với bao cảm xúc thiêng liêng. Ông viết những ngày sau đó: "Ba được đi dự hội nghị châu Mỹ La-tinh lần thứ nhất tại Cụ Ba, thời gian gần hai tháng. Ba đi nhiều nơi trên đất nước xinh đẹp này. Ba ở Liên Xô cũng dự nhiều cuộc họp quốc tế khác, được hai lần thăm lăng Lenin vĩ đại".

Từ câu chuyện ông Châu kể cùng một số đồng chí khác, nhà văn Nguyễn Khải đã viết bút ký nổi tiếng "Hòa Vang" xuất bản năm 1967, đưa Hòa Vang gần hơn với bạn đọc cả nước. Nhiều cán bộ Hòa Vang thời ấy kể rằng, từ thư của Mai Ngọc Châu gửi từ Hà Nội về cho Huyện ủy báo cáo tình hình ra Bắc được gặp Bác Hồ và Bộ Chính trị, được đi nói chuyện Hòa Vang đánh Mỹ đầu tiên của Quảng Đà với bạn bè thế giới… ai cũng như được tiếp thêm sức mạnh để chiến đấu. Thư ấy không biết có ai còn giữ. Câu nói của Bác về Hòa Vang được lưu truyền chính là từ bức thư này.

Trong lần gặp Bác Hồ, khi Bác hỏi thăm tình hình gia đình, ông Châu báo cáo về người vợ Nguyễn Thị Trung ở quê làm phó bí thư chi bộ, phụ trách thương binh xã. Vợ ông có thai đứa con đầu lòng, đau ba ngày không sinh được vì không có y tá nên con gái chết trong bụng, đến nay hai vợ chồng chưa có đứa con nào. Bác rơm rớm nước mắt, giao cho Ban Thống nhất Trung ương sắp xếp để người vợ trung kiên được ra Bắc đoàn tụ chồng. "… Ba được Bác Hồ ôm hôn và cho thuốc lá. Bác hỏi thăm sức khỏe ba và má con. Bác bảo các bác cho má con ra. Đây là vinh dự cao quý của nhân dân Hòa Vang…".

Đầu năm 1969, vợ chồng ông đã được đoàn tụ. Khi đứa con trai Mai Ngọc Hà ra đời tại Nghệ An (8-1970), hạnh phúc chưa bao lâu cũng là lúc vợ ông, vốn đã chịu nhiều trận ốm nặng trên rừng thiêng, nước độc nay vật vã với bệnh suy thận mãn khi mới hơn 30 tuổi. Ông vừa nuôi con, vừa chăm vợ. May mắn là ông còn có những người thân trong họ hàng tập kết ra Bắc hỗ trợ phần nào. Vợ ông cầm cự được 10 tháng thì mất tại Hà Nội. Vốn đã thiếu cân, lại không có sữa mẹ từ lúc mới sinh, cậu con trai đau ốm quặt quẹo. Ông "gà trống nuôi con" suốt 3 năm (1970-1973) trước khi gửi cháu bé ở nhà trẻ K90. Ông viết nhật ký trong những ngày chuẩn bị tái ngũ, trở về quê hương chiến đấu, để lại cho con đề phòng có hy sinh thì Mai Ngọc Hà sẽ biết được nguồn gốc của mình sau này tự hào về cha mẹ và những người đã cưu mang trong những ngày gian khó.

HỒNG VÂN