Tranh cãi quanh sắc lệnh di trú
(Cadn.com.vn) - Sắc lệnh di trú của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đang gây bão trên toàn thế giới.
Việc ông Trump ký sắc lệnh di trú này, theo đó quyết định dừng toàn bộ việc tiếp nhận người tị nạn trong 120 ngày và cấm công dân của 7 nước Hồi giáo gồm Iraq, Iran, Somalia, Sudan, Libya, Yemen và Syria, nhập cảnh vào Mỹ trong 90 ngày, được ví là “khoảnh khắc gây tranh cãi nhất” của nhiệm kỳ mới đầy khiêu khích của ông chủ mới tại Nhà Trắng.
Quyết định này đã kích hoạt loạt phản ứng mạnh mẽ khắp nơi trên thế giới khi hơn 100 người nhập cư, người tị nạn, và thậm chí là các thường trú nhân hợp pháp ở Mỹ đã bị giam giữ ngay tại một số sân bay. Nhiều nhân vật phản đối không ngừng chỉ trích ông Trump là “kẻ tập sự chính trị”, coi sắc lệnh di trú là “quyết định tùy tiện” và thậm chí là không hợp hiến.
Nhưng những người ủng hộ cho rằng, đây chỉ là biện pháp tạm thời tương tự như lệnh hạn chế mà cựu Tổng thống Barack Obama đã ban hành năm 2011, nhằm thúc đẩy an ninh quốc gia tại thời điểm mối quan tâm toàn cầu tập trung chủ yếu vào mối đe dọa khủng bố. Thư ký Báo chí Nhà Trắng Sean Spicer cũng tuyên bố, sắc lệnh trên thực chất không phải là “một lệnh cấm nhập cảnh” mà chỉ là cơ chế xét duyệt lý lịch kỹ càng nhằm giữ nước Mỹ an toàn hơn.
Một quyết định đưa ra tất nhiên luôn có những ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sắc lệnh di trú lần này có quá nhiều điểm cần phải cảnh báo. Không tính đến sự “tàn nhẫn” của sắc lệnh này, thứ nhất chính nó đã đánh mất giá trị bình đẳng, không phân biệt chủng tộc vốn có của người Mỹ, đẩy nước Mỹ xuống vị trí của “những kẻ hạ đẳng”. Thứ hai, chính nó là cái cớ để cho các nhóm khủng bố Hồi giáo tấn công người Mỹ.
Trong bối cảnh ông Trump đang muốn có một di sản để đời về một thỏa thuận hòa bình cho Trung Đông, chính sắc lệnh di trú đã phần nào giết chết tham vọng này. Bởi chính nó chắc chắn sẽ khiến chính phủ các quốc gia đồng minh của Mỹ ở Trung Đông không còn niềm tin vào Nhà Trắng, để từ đó sẽ tìm cách quay lưng lại với quân đội Mỹ trong tất cả các hoạt động tại khu vực này.
Trên thực tế, Iran, cường quốc trong khu vực Trung Đông, đã có phản ứng mạnh mẽ và gay gắt chỉ trích sắc lệnh di trú này của ông Trump. Chính phủ quốc gia Hồi giáo này đã gọi sắc lệnh của ông Trump là một “sự sỉ nhục” và “món quà cho những kẻ cực đoan” và tuyên bố đang cân nhắc phản ứng trả đũa.
Thanh Văn