Tranh cãi quanh vụ tấn công khí độc ở Syria

Thứ năm, 06/04/2017 08:33

(Cadn.com.vn) - Mỹ và các quốc gia liên minh cáo buộc chính phủ Tổng thống Bashar al-Assad đứng sau các vụ tấn công bằng khí độc tại tỉnh Idlib ở Syria. Tuy nhiên, Nga và Syria đều bác bỏ.

Cuộc tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học, giết chết ít nhất 72 dân thường ở thị trấn Khan Sheikhun thuộc tỉnh miền trung Idlib của Syria hôm 4-4, làm dấy lên làn sóng phẫn nộ và kêu gọi hành động nhanh chóng của cộng đồng quốc tế.

Mỹ và các quốc gia liên minh cáo buộc chính phủ Syria đứng sau các vụ tấn công này. Tuy nhiên, Damascus bác bỏ. Nga cũng cho rằng, quân đội Syria chỉ tấn công trúng kho sản xuất vũ khí hóa học của bọn khủng bố.

Một em bé bất tỉnh do trúng khí độc trong vụ tấn công ở Syria. Ảnh: AFP

AI ĐỨNG SAU VỤ TẤN CÔNG?

Mọi chỉ trích đang đổ dồn vào quân đội chính phủ Syria bởi khu vực bị tấn công do phe nổi dậy kiểm soát.

Trong tuyên bố đưa ra hôm 5-4, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho rằng, mọi chứng cứ đều cho thấy chính quyền Tổng thống Assad phải chịu trách nhiệm về vụ tấn công này. Mỹ cho rằng, các lực lượng trung thành với Tổng thống Assad sử dụng chất hóa học sarin trong vụ tấn công. Mỹ, Anh và cả Pháp thậm chí trình LHQ dự thảo nghị quyết lên án vụ tấn công hóa học ở Syria và đề nghị điều tra đầy đủ sớm nhất có thể. Dự thảo nêu trên kêu gọi Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) nhanh chóng báo cáo kết quả điều tra.

Tuy nhiên, chỉ huy quân đội Syria bác bỏ tất cả cáo buộc này và đổ trách nhiệm cho các phiến quân. Damascus nhấn mạnh, họ chưa bao giờ sử dụng khí độc ở bất kỳ thời điểm và địa điểm nào và cũng sẽ không bao giờ làm như vậy. Nga ngày 5-4 cũng buộc tội cho phe phiến quân và “giải oan” cho quân đội Syria. Bộ Quốc phòng Nga xác nhận quân đội Syria không kích ở thị trấn Khan Sheikhun và nhắm trúng “kho chứa chất độc hại” của những kẻ khủng bố. “Theo số liệu khách quan về kiểm soát không phận, không quân Syria tấn công vào nơi là kho sản xuất vũ khí của những kẻ khủng bố”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết. Theo bộ này, đó là kho chứa bom, khí độc cung cấp cho các phiến quân IS ở Iraq.

MỸ SẼ LÀM GÌ?

Dù chính phủ Syria bác bỏ đứng sau vụ tấn công này, Tổng thống Donald Trump miệt mài tố cáo người đồng cấp Assad trong nỗ lực thể hiện sức mạnh sau màn khiêu khích lớn như thế này. Tuy nhiên, Nhà Trắng vẫn kín như bưng trong vấn đề liệu Mỹ sẽ phản ứng như thế nào.

Trên thực tế, theo giới quan sát, Tổng thống Trump đang trong thế nước đôi khi vừa đổ lỗi cho chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama và chính quyền Syria vì vụ tấn công vũ khí hóa học tồi tệ nhất trong nhiều năm qua. Trong khi chỉ trích cuộc tấn công “đáng nguyền rủa” và thề sẽ không khoan dung, ông Trump cũng gay gắt chỉ trích người tiền nhiệm Obama, nhà lãnh đạo mà ông nói “không làm gì cả” sau khi Tổng thống Assad vượt “giới hạn đỏ” của Mỹ đưa ra vào năm 2013. “Đây là hậu quả của sự yếu đuối và không làm gì cả của chính quyền ông Obama”, ông Trump nói. Tuy nhiên, hiện cũng không có dấu hiệu nào cho thấy ông Trump sẽ làm khác người tiền nhiệm và có kế hoạch ngăn chặn vụ tấn công tương tự trong tương lai. Khi được hỏi về cách Tổng thống Trump sẽ phản ứng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sean Spicer nói ông vẫn chưa sẵn sàng thảo luận về vấn đề này.

Rõ ràng, vụ việc lần này chính là một phép thử đối với chính quyền Tổng thống Donald Trump và đã đến lúc Washington làm sáng tỏ lập trường về Tổng thống Assad. Vấn đề ở đây là liệu Mỹ có ủng hộ tiến trình chuyển tiếp chính trị hòa bình tại Syria hay không cũng như những cách để thực hiện tiến trình này, trong đó chắc chắn sẽ đặt ra câu hỏi về số phận của Tổng thống Assad.

Khả Anh