Tranh cãi về tấn công vũ khí hóa học tại Syria

Thứ hai, 09/04/2018 10:52

Ít nhất 70 người thiệt mạng trong vụ tấn công bằng vũ khí hóa học (VKHH) ở Douma, thành trì cuối cùng của lực lượng nổi dậy tại Đông Ghouta, Syria, các  tổ chức cứu trợ y tế và cứu hộ ngày 8-4 cho biết. Mỹ cho rằng, nếu được xác nhận, Washington sẽ yêu cầu một phản ứng quốc tế ngay lập tức. Trong khi đó, Nga đã chỉ trích các tuyên bố này.

Nhiều dân thường ở ngoại ô Damascus thiệt mạng và bị thương trong các vụ tấn công. Ảnh: BBC

Tấn công bằng chất độc thần kinh

Các nhóm y tế, giám sát và hoạt động gồm Mũ Nồi trắng, Ủy ban Điều phối Douma và Trung tâm Truyền thông Ghouta cho biết, khí độc bên trong một quả bom thùng được ném từ trực thăng xuống Douma khiến nhiều người nghẹt thở.

Hiện chưa rõ chính xác số thương vong cũng như chi tiết về những gì đã xảy ra. Raid al-Saleh, người đứng đầu nhóm Mũ Nồi trắng, cho biết trên Twitter: "Có 70 người bị chết ngạt và hàng trăm người bị ngộp thở". Tuy nhiên, thông báo này sau đó bị xóa và nâng số người chết lên hơn 150 người. Trung tâm Truyền thông Ghouta cho hay, hơn 75 người bị "ngộp thở" trong khi hơn 1.000 người khác bị ảnh hưởng. Nhóm này cho biết, quả bom được thả từ trực thăng có chứa khí Sarin, một chất độc thần kinh.

Liên hiệp các Tổ chức Y tế và Cứu trợ (UOSSM), một tổ chức từ thiện của Mỹ hợp tác với các bệnh viện Syria, cho biết, Bệnh viện Damascus đã xác nhận 70 ca tử vong. Các báo cáo trên mặt đất cho thấy, có khoảng 180 người thiệt mạng, nhưng rất khó để tiếp cận nạn nhân do pháo kích liên tục và vụ tấn công xảy ra ban đêm. Nhiều người đang điều trị các triệu chứng bao gồm co giật và sùi bọt mép, dấu hiệu cho thấy họ bị tấn công bởi chất độc thần kinh và phơi nhiễm khí chlorine.

Tổ chức cứu trợ y tế SAMS cho biết, một quả bom chứa khí chlorine đã giết chết 6 người tại bệnh viện Douma, và vụ tấn công thứ hai bằng "các nhân tố hỗn hợp", trong đó có khí độc thần kinh, nhằm vào một tòa nhà gần đó. Basel Termanini, Phó Chủ tịch SAMS cho biết, 35 người khác thiệt mạng tại tòa nhà chung cư gần đó, hầu hết là phụ nữ và trẻ em.

Nhiều bức ảnh được công bố cho thấy, nhiều người, gồm cả trẻ em, đã chết và bị thương. Một số sùi bọt mép tại các trung tâm y tế tạm thời. Một quan chức UOSSM cho biết, các bác sĩ ở Đông Ghouta nói với họ rằng, có rất nhiều bệnh nhân đang co giật và một số dường như bị liệt và không có phản ứng.

Cáo buộc lẫn nhau

Nhóm nổi dậy Jaish al-Islam cáo buộc quân đội chính phủ Syria thả một quả bom thùng chứa chất độc hóa học nhằm vào dân thường tại Đông Ghouta. Trả lời kênh al-Hadath, người phát ngôn của Jaish al-Islam, ông Hamza Birqdar nhấn mạnh: "Chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad cùng đồng minh đã tiếp tục gây ra các tội ác".

Sau khi thông tin vụ việc được lan truyền, truyền thông nhà nước Syria đã phủ nhận. Trong khi đó, một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: "Chúng tôi đã thấy nhiều báo cáo rất đáng lo ngại về một vụ tấn công VKHH xảy ra gần một bệnh viện ở Douma, Syria". Một tuyên bố sau đó của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert cho biết, Washington tiếp tục "theo sát chặt chẽ các báo cáo" về cuộc tấn công. "Các thông tin này, nếu được xác nhận, là kinh hoàng và đòi hỏi sự phản hồi ngay lập tức của cộng đồng quốc tế", người phát ngôn Nauert nói thêm.

Viện dẫn hành động sử dụng VKHH của chính quyền Tổng thống Assad trong quá khứ, người phát ngôn cáo buộc, chính quyền Assad và đồng minh Nga cần phải chịu trách nhiệm và cần phải "ngay lập tức ngăn chặn các vụ tấn công trong tương lai". Tuy nhiên, Nga đã bác bỏ các cáo buộc này.

Chuyện gì đang xảy ra ở Douma?

Douma là thị trấn cuối cùng do lực lượng kiểm soát ở Đông Ghouta, và đang bị lực lượng chính phủ Syria bao vây. Lực lượng trung thành với Tổng thống Assad đã chiếm lại gần như toàn bộ khu vực Đông Ghouta thông qua một cuộc tấn công khốc liệt bắt đầu từ tháng 2.

Một cuộc tấn công trên không và trên mặt đất xảy ra hôm 6-4 sau khi các cuộc đàm phán giữa Moscow và phe nổi dậy đổ vỡ. Các cuộc không kích được cho là một nỗ lực nhằm gây sức ép buộc Jaish al-Islam, nhóm Hồi giáo nắm quyền kiểm soát Douma, phải nhất trí với các điều khoản do Damascus đưa ra về việc rút quân khỏi thị trấn này. Trước khi các cuộc đàm phán thất bại, Jaish al-Islam cố gắng để bảo đảm một thỏa thuận mà sẽ cho phép các thành viên ở lại Douma như là một lực lượng an ninh địa phương.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho hay, các lực lượng Syria, với sự yểm trợ từ các các cuộc không kích của Nga, đã mở cuộc tấn công trên bộ nhằm vào nhóm phiến quân nổi dậy Jaish al-Islam tại Douma từ 2 hướng. Có tổng cộng 300 cuộc không kích và oanh tạc nhằm vào Douma trong ngày 6-4, khiến 40 dân thường thiệt mạng. Ngày 7-4, các cuộc không kích tiếp tục diễn ra tại Douma, khiến 30 dân thường thiệt mạng. Tuy nhiên, Jaish al-Islam bác bỏ trách nhiệm.

AN BÌNH