Tranh cãi về việc Campuchia cấm bán sữa mẹ
(Cadn.com.vn) - Campuchia hôm 28-3 cấm bán và xuất khẩu sữa mẹ, sau khi xuất hiện thông tin phụ nữ nước này đang chuyển sang hoạt động thương mại gây tranh cãi này để kiếm thêm thu nhập.
Chính phủ Campuchia đã chỉ đạo cho Bộ Y tế "có hành động nhằm ngăn chặn ngay lập tức việc thu mua và xuất khẩu sữa của các bà mẹ Campuchia". "Dù Campuchia vẫn còn nghèo và cuộc sống khó khăn, chúng ta không nghèo đến mức phải bán sữa mẹ", công điện chỉ đạo nêu rõ.
Bị lợi dụng?
Trong 2 năm qua, hàng chục phụ nữ Campuchia đã cung cấp sữa mẹ dư thừa cho Cty Ambrosia Labs có trụ sở tại bang Utah (Mỹ). Ambrosia Labs đã xây dựng một số cửa hàng ở Stung Meanchey - gần thủ đô Phnom Penh và nơi trú ngụ của khu ổ chuột lớn nhất Campuchia - để tiếp cận những người phụ nữ trong khu vực này. Sữa được Cty thu mua từ các phụ nữ nghèo, sau đó được vận chuyển đến Mỹ, được thanh trùng và bán với giá 20USD/147ml. Khách hàng của Cty là các bà mẹ Mỹ muốn bổ sung chế độ ăn uống cho con mình hoặc không đủ sữa cho con bú.
Ambrosia Labs trước đó khẳng định mô hình hoạt động của họ khuyến khích phụ nữ Campuchia tiếp tục nuôi con bằng sữa mẹ, kiếm thêm thu nhập và giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt ở các ngân hàng sữa tại Mỹ. Ambrosia Labs nói họ chỉ mua sữa từ những người mẹ đã cho con bú ít nhất 6 tháng - giới hạn tối thiểu của Tổ chức Y tế Thế giới - và chỉ cho các bà mẹ cung cấp hai đợt sữa một ngày.
Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, việc làm này khuyến khích các bà mẹ bán sữa thay vì dùng để nuôi con họ. Được biết những người phụ nữ này có thể đã không nhận được thông tin đầy đủ. Nhiều người tin rằng họ đang bán lượng sữa thừa, nhưng thực tế không phải vậy. Một phương án thay thế là sữa bột, nhưng ở khu vực hẻo lánh của Campuchia, nước sạch để dùng với sữa bột là một vấn đề. Rất nhiều người thậm chí không thể mua nổi sữa bột.
Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cũng chỉ trích việc này. Họ cho rằng hoạt động trên "lợi dụng những người phụ nữ nghèo khó vì mục đích thương mại", và nói sữa mẹ không nên được dùng để mua bán, sữa mẹ thừa nên được để lại Campuchia, nơi nhiều trẻ em còn thiếu các nguồn dinh dưỡng tốt. "Ở Campuchia, tỷ lệ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời đã giảm từ 75% hồi năm 2010 xuống còn 65% vào năm 2014", bà Debora Comini, đại diện của UNICEF ở Campuchia cho hay. Bà Ros Sopheap, Giám đốc tổ chức bảo vệ Nữ quyền Giới tính và Phát triển Campuchia (GDC) cũng hoan nghênh lệnh cấm của chính phủ Campuchia.
Theo các nhà phê bình, thương mại hóa sữa mẹ khuyến khích các bà mẹ bán sữa thay vì cho trẻ bú mẹ. |
Hay được trao quyền?
Ambrosia Labs lập luận họ "trao quyền" cho phụ nữ, và tuyên bố đã giúp đỡ hơn 90 gia đình về mặt tài chính.
Phát biểu với các phương tiện truyền thông, nhiều phụ nữ Campuchia cho biết việc bán sữa giúp họ có nguồn thu nhập ổn định cần thiết trong khi vẫn cho phép họ ở nhà và chăm sóc con cái. Họ có thể kiếm được lên đến 12 USD/ngày - một khoản tiền đáng kể. "Chúng tôi rất tiếc vì hoạt động này đã bị cấm, nó giúp ích nhiều cho cuộc sống của chúng tôi", một người mẹ tên Chea Sam nói với AFP. Công việc tại các nhà máy có mức lương thấp hơn và điều kiện không lý tưởng bằng. Bà Annuska Derks, nhà nghiên cứu các vấn đề của phụ nữ Campuchia, cho biết: "Họ phải làm việc nhiều giờ và không có thời gian ở bên con, vì vậy họ không thể cho con bú được lâu".
Nhà nhân loại học Charlotte Faircloth, người nghiên cứu văn hóa nuôi con bằng sữa mẹ, cho rằng, vấn đề này thuộc về quyền của phụ nữ. "Phụ nữ có quyền quyết định làm gì với cơ thể của họ. Nếu người mua và người bán hài lòng thì chúng ta phải tôn trọng quyết định của họ", ông Faircloth cho biết.
An Bình
(Theo BBC)